Hàng điện tử "bãi": Để tránh cuộc chơi “hên xui”

09:46 19/03/2019

Trên thị trường hàng điện tử gia dụng, bên cạnh những sản phẩm mới sản xuất thì dòng hàng cũ (hàng bãi, secondhand) vẫn âm thầm tồn tại và mua bán sôi động không kém phục vụ cho một bộ phận khách hàng có sở thích riêng biệt…

Thấy chị Nguyễn Ngọc Oanh, ở ngõ 413 Lê Thánh Tông, lên mạng vào các trang bán hàng của trung tâm điện máy tìm mua nồi cơm điện, chị Nguyệt – đồng nghiệp – liền gàn: “Nồi cơm điện của Nhật nấu rất ngon cơm. Nhà chị dùng hơn 2 năm nay chị biết. Em thử nghe chị một lần, bảo đảm không tiếc đâu”.

Cũng tương tự chị Oanh, mấy ngày nay máy giặt nhà chị Vũ Thị Hà, ở Điện Biên Phủ, bị hỏng. Trời nồm không thể không có máy giặt nên chị khẩn trương tìm máy giặt. Dạo qua mấy trung tâm điện máy để tìm mua máy giặt nhưng không vừa ý. Cuối cùng chị nghe lời người bạn thử qua cửa hàng gia dụng chuyên đánh hàng “bãi” của Nhật…

Người dùng cần có hiểu biết về sản phẩm mình mua để tránh sa vào cuộc chơi hên xui

Có đi khảo sát hàng gia dụng “bãi” mới biết, thị trường hàng điện tử “bãi” đa dạng và sôi động chẳng kém hàng điện máy mới sản xuất. Ở đây, người tiêu dùng có thể lựa chọn rất nhiều sản phẩm được chủ giới thiệu là hàng Nhật, Hàn Quốc như: Điều hòa, máy giặt, nồi cơm điện, tủ lạnh, quạt, lò vi sóng, lò nướng, máy hút ẩm, máy lọc không khí... với giá không hề "rẻ" so với hàng mới.

Một chiếc nồi cơm điện cũ của Nhật tùy vào thương hiệu và độ mới còn bao nhiêu có giá trung bình từ 1,5 - 4 triệu đồng; tủ lạnh từ 7-10 triệu đồng trở lên; máy giặt từ 6-12 triệu đồng, máy lọc không khí từ 1,8 triệu - 6 triệu đồng; máy hút ẩm từ 2,5 triệu - 5 triệu đồng… tùy vào đời máy.

Theo chủ một cửa hàng đồ "bãi" trên phố Đà Nẵng, hàng Nhật nhiều sản phẩm hàng còn khá mới. Thậm chí có đồ mới sử dụng được từ 1 - 2 năm. Với những hàng này, người mua có thể sử dụng được hàng chục năm với chất lượng được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn cho người tiêu dùng Nhật nên hoàn toàn yên tâm và chất lượng.

Tuy nhiên, do đồ "bãi" là hàng đã qua sử dụng, lại qua một hành trình vận chuyển dài nên vẫn có xác suất rủi ro như bị móp méo, hư hỏng linh kiện, lắp ráp. Hầu hết đồ "bãi" khi chuyển về Việt Nam đều được mông má, sửa chữa, sơn mới, cho nên việc mua đồ "bãi" Nhật giống như việc may rủi, hên xui, ai may thì mua được hàng tốt.

Về việc này đó chính là kinh nghiệm “nhớ đời” của anh Nguyễn Hải khi mua hàng “bãi” bị tân trang. Nhà có thêm thành viên mới nên thay vì mua một chiếc tủ lạnh mới anh quyết định lang thanh khắp phố đường vòng Vạn Mỹ, Đà Nẵng, chợ Hàng… để rồi quyết định mua một chiếc tủ lạnh đá rơi 400 lít ở một cửa hàng Lương Khánh Thiện.

Trong quá trình sử dụng không có gì đáng phàn nàn khi các chức năng của tủ hoạt động tốt. Máy chạy êm, không gian thiết kế các ngăn đá, ngăn mát hợp lý và khá tiết kiệm điện. Mọi việc chỉ rõ khi con trai lớn của anh sau một thời gian mua tủ về nghịch hý hoáy xé decal hình hoa đào dán trên cánh tủ mới lộ ra đó là những vết móp sâu mà thợ không tân trang được. Thấy vậy anh thử xé 3 hình dán nữa thì thấy xuất hiện thêm 2 vết móp trên cánh. Hóa ra với những thủng sâu không không có cách nào khắc phục được, chủ hàng liền tân trang lại một cách khéo léo nên thoạt nhìn trông như hình trang trí.

Một thợ chuyên tân trang hàng bãi ở phố Đà Nẵng cho biết, hàng "bãi" của Nhật thường có nhược điểm bắt buộc phải sử dụng nguồn điện 100V, 110V nên với mỗi sản phẩm mua về, khách hàng đều phải mua thêm một bộ đổi nguồn. Ngoài ra, sản phẩm nhập không chính ngạch nên chỉ có hướng dẫn bằng tiếng nước ngoài, nhiều chức năng nên các nút điều khiển và mức độ sử dụng khá cầu kỳ, phức tạp khiến người dùng khó vận hành.

Bên cạnh đó, hàng "bãi" sử dụng linh kiện không phổ biến nên khó mua linh kiện thay thế khi bị hư hỏng. Ngay cả những cửa hàng sửa chữa đồ điện tử lâu năm nhiều khi cũng phải lắc đầu trước các món đồ Nhật "bãi" cổ, đã ngừng sản xuất, hoặc có tuổi đời đã quá lâu.

Chính những nhược điểm trên, nhiều người sử dụng sau một thời gian rơi vào tình cảnh dở khóc, dở cười. Chị Bùi Thị Nguyệt (ngõ 5B Phạm Phú Thứ) chia sẻ, do nhà có con nhỏ nên chị mua máy say sinh tố Nhật "bãi". Sau một thời gian sử dụng, nhông máy xay bị hỏng không sửa được và cũng không có phụ tùng thay thế. Mang đi bảo hành thì người bán từ chối do hết thời gian (bảo hành 1 tháng), mang đi sửa thợ bảo nên ‘treo” để đợi khi nào thợ có linh kiện thay thế được thì gọi... Vất đi thì tiếc, do vậy chiếc máy xay của chị 3 tháng nay đành “treo”, trong khi chờ đợi chị đành mua chiếc máy xay mới hàng khuyến mại có giá hơn 300.000 đồng dùng tạm.

Thực ra, việc mua hàng “bãi” sử dụng giống như quay xổ số. Chọn được hàng tốt thì không những chất lượng sản phẩm tốt mà còn giúp tiết giảm chi phí điện trong quá trình sử dụng. Do giá thành những mặt hàng này không hề rẻ nên người tiêu dùng trước khi mua hàng "bãi" phải có hiểu biết tương đối về sản phẩm sẽ mua để tránh bị bịp, hoặc mua phải hàng bị quá nhiều "lỗi".

 Ngoài ra nên tìm hiểu kỹ chế độ bảo hành tại các cửa hàng, đặc biệt là ưu đãi đi kèm như "hỗ trợ sửa chữa" hay "đổi mới sản phẩm" nếu xảy ra trục trặc trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, cách tốt nhất là nhờ một “thợ” có kiến thức chuyên về sản phẩm để họ thử, kiểm tra máy đi cùng, như vậy thì bạn mới có thể hoàn toàn yên tâm khi rút hầu bao ra chi trả, chọn được hàng đáng "đồng tiền bát gạo"...

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông