10:00 25/03/2019 Nằm trong dãy núi Vệ, một trong những ngọn kỳ vĩ nhất của vùng đất Thủy Nguyên, hang Vua (thuộc xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên) không chỉ là một động thiên tạo kỳ vĩ mà còn là nơi ghi dấu truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Hang Vua nằm dưới chân núi Vệ (thuộc xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên)
Men theo con đường nhỏ dẫn vào ngọn núi Vệ, hiện ra trước mắt du khách là một bức tranh thiên nhiên vô cùng đẹp mắt. Từ xa, ngọn núi Vệ mang dáng dấp của một con rồng khổng lồ. Đầu rồng kề chân núi, miệng mở rộng thành một cửa hang lớn mà người dân nơi đây vẫn gọi là “Hang Vua”.
Phía dưới hàm rồng là một giếng nước nhỏ ngầm vào hang núi. Đặt chân qua cửa hang, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước một hang động khá rộng, với các ngách nhỏ tỏa ra 3 hướng. Một hướng thông lên đỉnh núi, một xuyên dọc qua núi sang hang Xộp (hay còn gọi là hang Thành Ủy), một nhánh ăn sâu xuống lòng đất. Trong hang còn có giếng nước trong mát, nhiều nhũ đá màu sắc rực rỡ.
Đặc biệt, chính giữa lòng hang có vị trí dành để thờ Vua Hùng với tượng vua được chế tác từ đá sinh động, tinh xảo. Theo cụ cao niên trong làng cho biết, theo tương truyền, vào thời Hùng Vương dựng nước, vùng Tràng Kênh – Dưỡng Động – Bạch Đằng là cửa ngõ của nước Văn Lang.
Dưới thời Hùng Duệ Vương (đời Vua Hùng thứ 18), có một bộ chủ của Duệ Vương là Phục Công, người Châu Ái (Thanh Hoá nay) đi chu du thiên hạ bằng thuyền, đến động Dãng, thấy đất đai tươi tốt, phong cảnh hữu tình, bèn ở lại vui thú non tiên rồi nên duyên với một người con gái tên hiệu Quế Nương.
Một hôm, Quế Nương bị con giao long dưới giếng quấn chặt, sinh một bọc có bốn trứng nở thành ba trai, một gái. Phục Công lấy làm lạ, lập đàn cúng tế, đặt tên các con là Minh, Phổ, Tế và Trân Nương. Vua Duệ Vương cho là con của Thuỷ Tề Long Vương, bèn giao làm tướng trấn giữ vùng cửa biển Bạch Đằng.
Thời điểm đó, quân Thục nhiều lần nhòm ngó muốn xâm chiếm nước ta. Bốn người con cùng bốn vị tướng họ Cao là Sơn thần ở núi Tản Viên đã phò giúp Hùng Duệ Vương xây dựng ly cung ở hang Vua thuộc động Dãng, Bộ Dương Tuyền (tức xã Minh Tân – Thuỷ Nguyên ngày nay) để chống giặc.
Cửa hang quay hướng nam, thoáng mát về mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Phía trước là một thung lũng rộng, bao quanh ba phía là đồi núi, phía Đông Nam là rừng trang, sú, lau… tạo thành thế đất lý tưởng để huấn luyện binh sỹ, cất giấu quân nhu… Từ ly cung, vua có thể quan sát những biến động trong địch quân bên ngoài.
Đồng thời dễ dàng trong việc liên hệ với các bộ lạc chi viện binh mã, lương thảo, chỉ huy quân sỹ chủ động đánh địch... Chính vì vậy, khi Hùng Duệ Vương đem quân đi phá địch đã chọn nơi đây làm chỉ huy sở, cùng quần thần bàn thảo quốc sự.
Không chỉ gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước; hang Vua còn là nơi ghi dấu những mốc son quan trọng trong công cuộc đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Minh Tân. Tại đây, Chi bộ Đảng Dưỡng Động được thành lập và ra mắt buổi họp đầu tiên vào ngày 4-2-1940.
Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản ở Dưỡng Động đã trở thành cơ sở quan trọng giúp kết nối phong trào cách mạng Hải Phòng với phong trào cách mạng vùng mỏ dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thống nhất của Liên tỉnh B và có ý nghĩa đặc biệt đối với phong trào cách mạng của Liên tỉnh B và Xứ ủy Bắc Kỳ.
Chi bộ còn giữ vai trò là trạm giao thông, một trạm đầu cầu rất quan trọng trong hệ thống đường dây liên lạc của Trung ương với bộ phận Cộng sản đặt ở Đông Hưng, Trung Quốc. Không những vậy, trong suốt những năm tháng chiến tranh chống đế quốc Mỹ (1965-1973), nơi đây còn được Bộ Tư lệnh quân chủng Hải quân chọn làm nơi đặt sở chỉ huy.
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa cùng cảnh quan thiên nhiên vô cùng hùng vĩ, năm 1996, hang Vua đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử danh thắng cấp Quốc gia; trở thành niềm tự hào của người dân Minh Tân nói riêng và người dân Thủy Nguyên nói chung.
Hải Ngân
14:29 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão