20:32 20/01/2022 Năm 2022 sẽ có ý nghĩa rất quan trọng, là năm bản lề thực hiện thực hóa cam kết của Chính phủ trong việc xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả...
Năm 2022 sẽ có ý nghĩa rất quan trọng, là năm bản lề thực hiện thực hóa cam kết của Chính phủ trong việc xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp nối những thành công trong năm 2021, Bộ Công an chủ trì phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan triển khai Đề án "phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm nhanh chóng khai thác, ứng dụng giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách bài bản, trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo; hướng đến các nhóm tiện ích quan trọng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phát triển của đất nước trong thời kỳ chuyển đổi số.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân, để phục vụ 5 nhóm tiện ích tập trung vào giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện hệ sinh thái chính phủ số; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp và phục vụ công dân số.
Trong các nhóm tiện ích đó, Bộ Công an đặt trọng tâm mục tiêu hướng tới phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp, giải quyết thủ tục hành chính một cách thuận lợi nhất và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, theo suốt cuộc đời, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu. 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được định danh, xác thực điện tử hoặc xác thực, chia sẻ dữ liệu dân cư.
Mục tiêu cụ thể trong năm 2022, hoàn thành tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin về số chứng minh nhân dân (9 số) với Căn cước công dân trên cổng Dịch vụ công quốc gia để 100% tài khoản định danh điện tử của cá nhân đã được tạo lập bởi cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh thực hiện được việc xác thực với danh tính điện tử do Bộ Công an cung cấp. Hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu thuế trong quý I năm 2022 phục vụ xác thực thông tin về người nộp thuế trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, giúp 100% người nộp thuế không phải khai báo lại các thông tin thay đổi đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Các vấn đề lớn trong triển kinh tế, xã hội sẽ được giải quyết hiệu quả khi triển khai rộng rãi việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ Căn cước công dân đối với các lĩnh vực tài chính, hoạt động ngân hàng (mở tài khoản, nhận biết khách hàng, thanh toán, cho vay, ví điện tử…) và một số lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội khác. Tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước… lên ứng dụng VN-eID, mã QR của thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử.
Một trong những điểm ưu việt của thẻ Căn cước công dân mới chính là tích hợp được nhiều thông tin của công dân trên thẻ hơn so với thẻ Căn cước công dân mã vạch trước đây. Khi đó, người dân đi làm các thủ tục hành chính hoặc các giao dịch khác, chỉ cần mang thẻ Căn cước công dân gắn chip. Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu, xây dựng phương án kỹ thuật, tích hợp các tiện ích, thông tin “mở rộng”, dữ liệu đa ngành vào thẻ CCCD gắn chip như bảo hiểm, bằng lái xe, thông tin tiêm chủng, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, đối tượng thuộc diện hỡ trợ… tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện, giải quyết các thủ tục hành chính, giảm giấy tờ tùy thân, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức. Chip điện tử cũng được tích hợp các trường thông tin cơ bản của công dân, có chứa thông tin sinh trắc học ảnh chân dung và vân tay theo tiêu chuẩn ICAO. Tất cả các thông tin được lưu trữ đều được bảo mật, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin bởi Ban Cơ yếu Chính phủ.
Đến nay, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để bảo đảm sự kết nối đồng bộ với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác và các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân đã tiến hành kết nối với Văn phòng Chính phủ xác thực, cung cấp thông tin phục vụ triển khai dịch vụ công với Bộ Tư pháp để cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh; với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xác thực thông tin người tham gia bảo hiểm; kết nối, liên thông kỹ thuật với các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương do Bộ Thông tin và Truyền thống quản lý…
Trên lĩnh vực kiểm soát dịch bệnh
Hiện tại, thẻ CCCD gắn chíp đã được tích hợp những tiện ích như: thông tin thẻ xanh COVID-19, thông tin tiêm chủng, giấy đi đường, thông tin xét nghiệm, giấy phép lái xe, thông tin về người được hưởng chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19...; thông tin người phụ thuộc đi cùng với người có CCCD gắn chip (con chưa đủ 14 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự…).
Thông qua hệ thống máy quét chuyên dụng lắp đặt tại cửa ra vào các trụ sở, cơ quan, doanh nghiệp, siêu thị, bến xe, sân vận động, nơi công cộng...., chỉ với thao tác quét mã QR, người dân có thể dễ dàng, nhanh chóng khai báo y tế, cung cấp thông tin tiêm chủng, hạn chế tiếp xúc phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Dữ liệu công dân được đối sánh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua quy trình xác minh, đảm bảo chính xác, đúng đối tượng. Đồng thời, doanh nghiệp, tổ chức cũng dễ dàng theo dõi, quản lý các yếu tố dịch tễ, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 của cán bộ, nhân viên và khách ra vào trụ sở cơ quan để chủ động đưa ra các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, kịp thời.
Ngày 23/12/2021, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư đã phối hợp với các đơn vị chức năng lắp đặt máy quét mã QR Code tại cửa ra vào của hai bến xe Giáp Bát và Mỹ Đình, TP Hà Nội. Đây là các điểm tiếp theo được lắp đặt camera quét mã QR sau tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông và nhiều trụ sở cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Dự kiến trước Tết Nguyên đán, sẽ có thêm hàng nghìn máy quét được lắp tại các cơ quan hành chính nhằm phục vụ công tác kiểm soát phòng, chống dịch bệnh… Chỉ cần quét mã QR mọi thông tin hành khách được hiển thị và lưu trữ trong hệ thống, giúp truy vết nhanh, chính xác trong trường hợp phát hiện F0.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các điểm bến xe, bến tàu vào dịp cuối năm đã giúp ích rất nhiều cơ quan chức năng trong công tác kiểm soát, phòng, chống dịch. Thay vì phải kê khai thủ công bằng giấy hoặc quét mã qua tờ giấy dán trên tường, giờ đây hành khách ra, vào trong bến chỉ cần sử dụng thẻ Căn cước công dân hoặc điện thoại thông minh có cài ứng dụng PC-Covid hoặc VN-eID của Bộ Công an quét qua máy là hoàn tất việc khai báo y tế. Ngoài ra, còn giúp các đơn vị, cơ quan chức năng đánh giá được đầy đủ số lượng, nhu cầu đi lại của người dân trong thời gian tới để từ đó có sự chuẩn bị phục vụ người dân và hành khách hiệu quả hơn.
Về mức độ tin cậy, hệ thống máy quét mã QR cũng được triển khai xây dựng, thiết kế theo đúng những yêu cầu, tiêu chí khắt khe về mục tiêu chuyển đổi số của Chính phủ, người dân hoàn toàn yên tâm về công tác bảo mật, an toàn, an ninh.
Ứng dụng trong giao dịch ngân hàng
Ngân hàng BIDV là ngân hàng đầu tiên phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội xây dựng lộ trình phát triển các sản phẩm, ứng dụng của nền tảng Cơ sở dữ liệu dân cư và Căn cước công dân trong giao dịch ngân hàng. Việc này sẽ hỗ trợ rất nhiều trong quá trình xác thực thông tin khách hàng, giảm thời gian tác nghiệp; loại bỏ các rủi ro giả mạo, sai sót trong quá trình tác nghiệp so với kiểm tra đối chiếu giấy tờ thông thường trước đây. Về phía khách hàng, việc xác thực và đối chiếu thông tin qua Căn cước công dân mới giúp cho giao dịch tài chính của khách hàng được thực hiện đơn giản, thuận tiện, an toàn và nhanh chóng.
Như vậy, với trên 50 triệu thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử đã được Công an các địa phương trao trả đến tay người dân sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giao dịch cá nhân được nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí, công sức đi lại. Cùng với đó, các cơ quan nhà nước sẽ được hưởng những dịch vụ công tốt nhất, được kết nối, khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý nhanh chóng, chính xác, độ tin cậy cao; minh bạch hóa và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính.
VN-eID do Bộ Công chủ trì xây dựng là ứng dụng tồn tại lâu dài để phục vụ xã hội, phục vụ định danh người dân, xác thực người dân và các nghiệp vụ quản lý nhà nước khác theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an. Trong đó, VN-eID đáp ứng đầy đủ các chứng năng cơ bản như: khai báo y tế, khai báo di chuyển nội địa, lưu lịch sử di chuyển, xác nhận thông tin tiêm chủng, tạo mã QRcode cá nhân, tạo điểm Checkpoint…
Phần mềm có các chức năng ưu việt, mang tính duy nhất như: xác thực thông tin ngay trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo thông tin chính xác về công dân; dữ liệu sử dụng trên VN-eID được đảm bảo bảo mật dữ liệu, an ninh an toàn thông tin; tích hợp các thông tin “mở rộng”, dữ liệu đa ngành khác tương tự CCCD gắn chíp góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý xã hội, phát triển kinh tế, phụ vụ nhân dân tốt hơn. Đặc biệt là phát huy hiệu quả trước mắt trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, VN-eID có các tính năng nổi trội như sau:
- Khai báo di chuyển nội địa: Trước khi di chuyển, người dân cần khai báo. Ứng dụng cho phép khai báo nhanh chóng và thuận tiện, giúp việc ra / vào các trạm kiểm soát nhanh gọn hơn.
- Trình báo tại trạm kiểm soát bằng mã QR: Sau khi khai báo di chuyển, người dân sẽ nhận được một mã QR. Mã này có thể được sử dụng để trình báo tại các trạm kiểm soát, giúp giảm thời gian dừng chờ, cũng như giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
- Khai báo y tế: Một số cơ quan, đơn vị yêu cầu người dân phải khai báo y tế trước khi tới. Ứng dụng này cho phép người dân có thể thực hiện việc khai báo y tế nhanh chóng, đơn giản và thuận tiện.
- Kiểm soát lịch sử di chuyển: Người dân có thể xem lại quá trình di chuyển dựa trên thông tin về khai báo di chuyển trong nước khi quét mã QR tại các trạm kiểm soát.
Vừa qua, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77, thay mặt Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đã công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt Danh mục Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của ngành Công an. Theo đó, 224 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp, triển khai trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an ở mức độ 3 và mức độ 4 trong năm 2022.
Lực lượng Công an nhân dân luôn xác định, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của ngành Công an và thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử là hai nhiệm vụ song hành, phải được thực hiện đồng thời, với phương châm hiệu quả nhất và an toàn nhất. Người dân và doanh nghiệp sẽ được tiếp cận các dịch vụ công của ngành Công an một cách nhanh nhất (trực tuyến), gần nhất (từ cơ sở) và thực sự trở thành trung tâm phục vụ.
Vấn đề định danh, xác thực điện tử cung cấp vai trò đặc biệt quan trọng trong Hệ sinh thái số để đảm bảo truy cập an toàn và dễ dàng tới các dịch vụ công trực tuyến. Trong năm 2022, khi triển khai thành công hai nhiệm vụ trên các thủ tục hành chính thiết yếu, liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Công an sẽ được minh bạch hóa; đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, người nước ngoài.
Định danh và xác thực điện tử giúp tạo ra sự tin cậy, đảm bảo giữa các bên tham gia, giúp cá nhân, tổ chức có thể thực hiện dịch vụ công mà không cần trực tiếp đến cơ quan cung cấp dịch vụ. Đó chính là giải pháp kĩ thuật điện tử để chứng minh sự hiện diện ngoài đời thực của một cá nhân, tổ chức khi họ tham gia sử dụng các dịch vụ trực tuyến.
Theo quy định của Chính phủ, mỗi cá nhân trên môi trường điện tử sẽ có duy nhất một Danh tính điện tử được cấp dựa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh, dùng để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Định danh điện tử là hoạt động thu thập, tạo lập, gắn danh tính điện tử cho cá nhân và hoạt động quản lý danh tính điện tử. Xác thực điện tử là hoạt động xác minh, xác nhận của cơ quan chức năng đối với người sử dụng danh tính điện tử đúng là chủ thể danh tính điện tử. Hệ thống định danh và xác thực điện tử là hệ thống do Bộ Công an xây dựng và quản lý để xử lý các yêu cầu đăng ký, cấp, quản lý định danh điện tử và xác thực điện tử.
Không chủ quan, không nóng vội, không cầu toàn, Bộ Công an đã và đang từng bước triển khai, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử với mục tiêu trọng tâm là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, là đối tượng thụ hưởng, thực sự coi sự hài lòng của người dân là động lực để hoàn thành mục tiêu đề ra. Và, ngược trở lại, sự đồng hành, tin tưởng và ủng hộ của người dân là yếu tố quyết định đến sự thành công của tiến trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.