Hát Xẩm - loại hình diễn xướng dân gian độc đáo

22:19 30/03/2025

Những năm qua, hát xẩm đã trở thành “món ăn tinh thần” của nhiều người, được biểu diễn trên sân khấu, trong các dịp lễ tết. Tại Hải Phòng, mỗi năm hai lần (vào ngày 22 tháng 2 và 22 tháng 8 âm lịch hằng năm), CLB Hát xẩm Hải Phòng đều tổ chức giỗ Tổ nghề hát xẩm có sự tham gia của nhiều nhóm, CLB Dân gian các tỉnh lân cận.

Hát Xẩm là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 14, đến khoảng nửa đầu thế kỷ 20, hát Xẩm được gọi với những tên khác nhau như hát rong, hát dạo.

Sức ảnh hưởng và lan tỏa mãnh liệt của Xẩm trong đời sống dân gian thể hiện ở số lượng bài Xẩm lên tới hàng trăm bài, đa dạng về nội dung, làn điệu cũng như môi trường diễn xướng. Theo nghiên cứu, Xẩm có khoảng trên dưới 10 làn điệu, và hơn 400 lời Xẩm.

Cách gọi tên các làn điệu Xẩm cũng rất đa dạng và thú vị, phản ánh khả năng “sinh sôi nảy nở” của loại hình âm nhạc này. Xẩm có thể được đặt tên theo không gian biểu diễn, đi từ chợ (Xẩm Chợ) ra Hà Nội lên tàu điện (Xẩm Tàu điện hay Xẩm Hà Nội), vào nhà trò (Xẩm Nhà trò); được đặt tên theo mục đích bài Xẩm (Xẩm Hò khoan); đặt theo nội dung hoặc tên bài Xẩm nổi tiếng như Xẩm Thập Ân; theo nguồn gốc như Xẩm Sai…

Cách gọi tên các bài Xẩm lại còn đa dạng hơn nữa. Từ những nhân vật lịch sử (Bà ba Cai Vàng), nhân vật trữ tình (Hỡi cô em yếm đỏ), những thói hư tật xấu (Xẩm Thuốc phiện), những hình ảnh mang tính biểu trưng (Lênh đênh mặt nước cánh bèo),… đều có thể trở thành tên của bài Xẩm.

Lễ giỗ Tổ nghề hát xẩm được tổ chức thường niên do CLB Hát xẩm Hải Phòng tổ chức theo đúng nghi lễ truyền thống

Các bài Xẩm bao gồm một hoặc nhiều làn điệu kết hợp với nhau, tùy thuộc độ dài câu chuyện khi cần hát kể nhiều tình tiết hay trạng thái cảm xúc. Nghệ sỹ Xẩm có khi hòa mình vào nhân vật trong câu chuyện, có khi lại chỉ đứng ở góc độ “người kể,” khiến các bài Xẩm có sắc thái rất đa dạng.

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là thời gian thịnh vượng nhất của hát Xẩm. Xẩm đã phát triển thành một nghề kiếm sống của người nghèo nơi thành thị và được truyền dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Một thời gian dài, hát Xẩm trở thành món ăn tinh thần của quần chúng lao động. Nó đề cập đến nhiều vấn đề ở mọi khía cạnh, trong mọi tình huống của cuộc sống, từ công cha nghĩa mẹ, tình yêu, tình vợ chồng, tình huynh đệ cho đến những tình cảm riêng tư của mỗi con người, hay những vấn đề mang tính thời sự cập nhật, đả kích và phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời…

Theo các thành viên CLB Hát xẩm Hải Phòng, sau bao thăng trầm và ít nhiều bị mai một, thất truyền, hát Xẩm đang dần được khôi phục bởi những tấm lòng nhiệt huyết và đam mê với nghệ thuật truyền thống. Các tỉnh phía Bắc thành lập nhiều câu lạc bộ, nhóm Xẩm như: chiếu Xẩm Hà Thành, chiếu Xẩm Hải Phòng, các Câu lạc bộ hát Xẩm tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Bình… đã tạo nên sức sống mới cho loại hình nghệ thuật hát Xẩm. Nội dung các bài hát Xẩm đã phong phú hơn, ngoài ngợi ca tình yêu quê hương đất nước, nghĩa mẹ, tình cha thì những vấn đề xã hội đã được đưa vào Xẩm để phù hợp với cuộc sống đương đại.

CLB hát xẩm Hải Phòng ngày càng thu hút đông đảo hội viên yêu thích môn nghệ thuật độc đáo này

Từ nỗ lực của những nghệ sỹ nặng lòng với nghệ thuật dân gian, hát Xẩm dần được hồi sinh. Và từ một loại hình diễn xướng dân gian phổ biến nơi đông người qua lại như bến sông, hè đường, góc chợ… và là phương tiện cho không ít người khiếm thị mưu sinh, Xẩm đã lên sân khấu trong các chương trình nghệ thuật, phục vụ khách du lịch.

Đặc biệt là nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát xẩm Hải Phòng, một người trẻ luôn đau đáu với trách nhiệm phải gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Từ khi còn là sinh viên khoa Công nghệ Thông tin Đại học Bách Khoa tại Hà Nội, cứ cuối tuần, Đào Bạch Linh  lại lặn lội về thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình để học đàn, hát xẩm từ Nghệ nhân nổi tiếng Hà Thị Cầu - người cuối cùng còn giữ được lối hát ca trù cổ.

Bằng lòng đam mê và quyết tâm theo đuổi đến cùng loại hình văn nghệ dân gian này, Đào Bạch Linh đã tự học thành tài để có thể vừa miệng hát, tay kéo nhị, chân đập phách.

Thạo nghề, Đào Bạch Linh đã truyền dạy nghệ thuật này cho những người hâm mộ, làm sống lại nghệ thuật Xẩm ở Hải Phòng vào đầu năm 2010 với việc tập hợp tất cả lại để phổ biến, học hỏi lẫn nhau. Từ tháng 3/2013, nhóm của anh sinh hoạt tại Trung tâm Văn hóa quận Lê Chân với tên gọi Câu Lạc Bộ (CLB) Hải Thành. Hiện, CLB thu hút ngày càng đông đảo hội viên tham gia, ít tuổi nhất là 7 tuổi và cao tuổi nhất là 76.

Đặc biệt, ngày 12/10/2020, chiếu xẩm Hải Thành trở thành CLB hát Xẩm Hải Phòng trực thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố theo Quyết định của Sở Văn hóa và Thể thao đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của giáo phường Xẩm thành phố với Ban Chủ nhiệm CLB đứng đầu là nghệ nhân Dân gian Việt Nam Đào Bạch Linh.

Được biết, hiện tại ở Hải Phòng có 3 nhóm xẩm do Đào Bạch Linh chỉ đạo hoạt động bao gồm: Xẩm Hải Thành thuộc Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng, Xẩm Hải Phòng thuộc trung tâm Văn hóa thành phố và Xẩm Lạc Viên thuộc Trung tâm văn hóa quận Ngô Quyền.

VŨ DUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông