Hãy giữ ước mơ, Tú nhé!

17:23 22/11/2015

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 (Bút kí)

Năm nào cũng thế, tôi cũng nhận được mùa thu tới là khi những giọt sương đậu trên lá cỏ. Lơ là một chút, cây gậy dẫn tôi đi ngay ra lề đường, trèo lên thảm cỏ. Nước vào dép nham nháp. Sương đọng thành giọt trên tàu lá chuối, gậy chạm vào thân cây nước rơi xuống đầu thành giọt. Thời gian này không phải là mùa vụ, tinh mơ đồng nhộn nhịp hơn cả ban ngày. Người đi bộ buổi sáng rất đông. Hôm nay người ta bàn tán về đứa trẻ bị bỏ rơi nơi cổng chùa Cao Linh - Bắc Sơn. Bé trai khoảng ba tuần tuổi, khỏe mạnh không có khuyết tật. Tôi nhớ lại, năm ngoái cũng có một cháu khoảng sáu tháng tuổi bị bỏ rơi ở đó. Cháu đã được chuyển vào làng Hoa Phượng. Cháu  bị hỏng mắt nên có rất nhiều khả năng sau này sẽ là học sinh trường khiếm thị. Và tôi cũng lại nhớ ngay đến Phạm Văn Tú, em nhỏ khiếm thị, mồ côi và còn bị cả khuyết tật trí tuệ.

Tú được chuyển về từ Trung tâm Bảo trợ và Trại mồ côi những năm học trước.

Nhiều năm tôi đã quen với sự có mặt của Tú. Những câu chuyện hồn nhiên của em làm người nghe rất vui. Qua mỗi dịp hè em kể rất nhiều chuyện ở trung tâm và những chuyện của gia đình từ lúc còn rất nhỏ: “Ba Vì địa hình núi đá vôi, mùa hè nóng, mùa đông lại rất lạnh. Từ trung tâm trên đồi khi về nhà em đi qua con dốc. Bác Nga chăm sóc ở trung tâm bảo: tháng Bẩy mưa Ngâu như mùa mưa của miền Đông Nam Bộ. Em ở với ông bà nội trong Sài Gòn trời cũng mưa xong lại nắng ngay. Nhà em trong Sài Gòn có rất nhiều cây. Ông bà ngủ trưa là anh Tình rủ em ra hái quả. Xoài nhà em ngọt chứ không chua như cây xoài trung tâm. Anh Tình đi vắng, em trèo lên cây ổi, bà không mắng mà chỉ bảo: đi xuống không kẻo ngã.

Mặc dù có phần ngây ngô nhưng những kỷ niệm về tuổi thơ Tú vẫn còn nhớ: “Bố em đưa em ra Bắc bằng tàu hỏa. Ông nội em tiễn chân ra tận ga. Ngủ trên tàu hai đêm mới tới Hà Nội. Bố mua dưa hấu mang ra Bắc biếu hàng xóm láng giềng. Mọi người gặp em ai cũng bảo sao lớn thế. Mẹ em bổ dưa cho vào túi bảo em mang đi biếu hàng xóm…”.

Tú kể chuyện: “Bố mẹ em ly hôn, em ở với mẹ. Nhà mẹ em nuôi rất nhiều lợn. Mẹ em đi mua ngô về, xe hàng nặng quá không mở được cổng. Mẹ gọi em ra mở cổng. Mẹ mang ngô ra đằng sau, bảo em khép cổng. Em quên không cài, gió to đập cánh cổng sắt vào đầu em bị chấn thương sọ não. Mẹ đã bán lợn và nhiều thứ khác chạy chữa cho em nhưng không khỏi”. Tú bị hỏng mắt, liệt một vế và trí tuệ ngây ngô từ ngày đó.

Tú kể chuyện và ghi trong giấy chữ nổi cho tôi đọc: “Bệnh viện trả về, em đói lắm thầy giáo ạ! Chưa đến bữa em đã đòi ăn. Mẹ em bảo chị Dung cho em ăn ít thôi. Em khóc đòi ăn, mẹ lấy dao rựa băm vào chân em. Mẹ có người yêu. Bác ấy bảo không cho em ăn để em chết đi. Chị Dung vẫn lấy cho em ăn. Nghe theo bác ấy, mẹ mang vất em trên vỉa hè. Lúc để em ở đó, mẹ bảo: Ngồi yên mẹ đi mua bánh mì cho ăn. Mẹ đi mãi đến trưa cũng không thấy về. Em kêu khóc, người xem rất đông. Có người cầm tay em dắt đi vào trung tâm…”. Thế là Tú ở trung tâm bảo trợ và trại mồ côi từ đó. Tú có cuốn sổ thơ chữ nổi hơn một nửa được viết về người mẹ. Trong những câu văn tưởng như là ngây ngô vẫn có bóng hình người chăm sóc ở trung tâm và người giáo viên chăm sóc của trường. Viết về ai, em cũng gọi là mẹ.

Năm Tú 11 tuổi, trung tâm gửi em xuống trường tôi để em học chữ. Những em tuổi thơ thiếu vòng tay mẹ là một thiệt thòi lớn. Nghe truyện “Không gia đình” của Hector Malot, Tú thường ngồi cả buổi bên chiếc đài. Thường thì Tú không thích nghe, nhưng với “Không gia đình” thì em nghe đi nghe lại rất nhiều lần, đặc biệt là chương đầu và các chương cuối: "Mẹ nuôi  của Dêmi tốt lắm thầy giáo ạ! Bà vay bột, xin sữa và mua chịu trứng, làm bánh cho con, trong ngày lễ. Em thích nhất đoạn Dêmi mua tặng me con bò. Khi nào mẹ em đến trung tâm tìm em, em sẽ tặng mẹ tập thơ của em viết. Mẹ không đọc được chữ nổi, em đánh máy tính cho mẹ đọc…”.

Tú cũng như rất nhiều em nhỏ tuổi, đang nghe một cuốn truyện dài hoặc nghe xong một câu chuyện, thường lên phòng học thảo luận với tôi: "Mẹ đẻ của Dêmi trong “Không gia đình” em thấy cũng tốt lắm. Bà không vất bỏ đứa con ốm yếu bệnh tật. Bà nhận cả đứa trẻ bị câm về nuôi và chạy chữa”.  Lòng yêu thương con của người mẹ được tác giả Hector Malot khắc họa rất rõ nét trong chương đầu và các chương cuối của “Không gia đình”, nên Tú thích nghe chăng? Mới đó mà đã bẩy năm kể từ khi Tú vào trường học tập.

6 năm sau, Tú học xong bậc tiểu học, trường tôi chưa có hệ trung học cơ sở nên trung tâm lại đón Tú về. Chiếc giường của Tú bên cửa sổ nay là của cậu bé mới đến. Em quê ở Thủy Nguyên, người gầy mảnh khảnh. Năm hay mười năm nữa đám học sinh nhỏ hôm nay lại ra trường nhưng tôi vẫn không quên được Tú bởi hoàn cảnh đặc biệt của em. Giờ đã gần hai mươi tuổi nhưng trí tuệ em chỉ như đứa trẻ mới lên mười. Tú là nhà thơ của những giấc mơ. “Sau này lớn em sẽ làm thơ kiếm tiền. Thơ em phát trên đài Tiếng Nói Việt Nam. Em gọi điện để thầy mở đài nghe thơ của em…”.

Mặc dù chưa có lá rơi nhưng thu đã tới rồi. Sáng nghe đài báo Hà Nội nay cũng có mưa. Tú đang ở trong phòng hay bên hàng hiên chờ trời tạnh? Ba Vì miền trung du se lanh lúc mặt trời gác núi. Thiên nhiên có tạo cảm hứng thơ cho em. Từ khi Tú biết viết chữ nổi, thu nào tôi cũng nhận được một tập giấy dày các bài thơ em viết trong hè. “Mùa thu tới em thấy làn gió mát. Lúc bác Nga gọi em dậy rửa mặt, em biết là sắp được tới trường. Ở trường có sách chữ nổi cho em đọc, có máy tính để em lên mạng, tải bài hát về".

Trước ngày nghỉ hè Tú gửi thư cho tôi. Bức thư được gấp gọn gàng để trên bàn giáo viên. Nội dung thư: “Thầy ơi em sắp phải xa thầy rồi. Em mong được ở trường thật lâu. Em không muốn làm nhà thơ nữa. Em muốn làm giáo viên dạy vi tính cho những người hỏng mắt ở trung tâm em. Trung tâm em hiện giờ có nhiều người hỏng mắt lắm, gân mười người, thầy giáo ạ". Nhận thức của Tú rất hạn chế, em chỉ còn có một cánh tay khỏe mạnh, sử dụng máy tính rất khó khăn nhưng những gì em học được cũng đủ để máy tính có thể giúp em sống không buồn tẻ. Và Tú còn nuôi dưỡng một ước mơ thật đẹp, thật thấm đượm tình người. Chiều theo nguyện vọng của Tú, tôi đã gửi thư nói chuyện về em với Hội người mù Ba Vì, mong rằng họ sẽ lưu tâm và giúp ước mơ được tiếp tục học vi tính của Tú thành hiện thực.

Mái tôn kêu lộp độp, trời lại đổ mưa. Mưa thu giúp cây giữ màu xanh lâu hơn khi  những ngọn gió hanh khô sắp về. Hãy giữ và nuôi lớn ước mơ, Tú nhé…

Hải Phòng ngày 15-8-2014

Lê Trung Cường - Giáo viên trường khiếm thị Hải Phòng.

 


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông