Hãy sống hết mình vì cuộc đời

16:55 30/03/2009

Đã từ lâu, mọi người biết đến thạc sỹ Đồng Thị Nga, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Dân lập Hải Phòng là nhân chứng về hậu quả tàn khốc của chiến tranh do nhiễm chất độc màu da cam diôxin.
Đã từ lâu, mọi người biết đến thạc sỹ Đồng Thị Nga, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Dân lập Hải Phòng là nhân chứng về hậu quả tàn khốc của chiến tranh do nhiễm chất độc màu da cam diôxin.

Đồng Thị Nga trên giảng đường đại học - Ảnh:st
Đồng Thị Nga trên giảng đường đại học - Ảnh:st

Bên cạnh đó, chị cũng là một tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Cuộc đời chị như một câu chuyện cổ tích thời hiện đại được viết bằng niềm tin, nước mắt và sự nỗ lực không ngừng.

Hành trình tìm đến tri thức

Khi chiến tranh kết thúc, ông Đồng Kim Lý xuất ngũ về địa phương ở thôn Phù Ninh, xã Phù Lưu, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng và lập gia đình với người hàng xóm Nguyễn Thị Phương. Nhưng trong thời gian chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, Đồng Kim Lý đã nhiễm chất độc màu da cam điôxin do kẻ thù rải xuống nước ta. Đứa con đầu lòng của họ thật “không bình thường”. Chẳng bao lâu sau khi cất tiến khóc chào đời, hài nhi ấy đã tử vong.

Nén lại nỗi đau, năm 1980, bà Phương mang thai lần thứ hai và sinh ra một bé gái. Quá vui mừng, họ hy vọng vào một đứa con khoẻ mạnh nên đã đặt tên con là Đồng Thị Nga. Nhưng theo sự di truyền, toàn thân Nga được bao bọc bởi một lớp da sần sùi, xếp chồng lên nhau như vảy cá, nứt nẻ, rỉ nước vàng lở loét, da đen xẹm, đầu trọc lốc và mưng mủ.

Sau 7 năm chung sống với bà Phương, chán chường, ông Lý đã viết đơn ly dị vợ.

Không có cha bên cạnh, tuổi thơ của Nga là những tháng ngày côi cút đến tội nghiệp. Với sự hướng dẫn tận tình của mẹ, lên 7 tuổi, Nga đã đọc thông viết thạo. Một lần nữa, bà Phương lại đến trường, tiếp tục xin cho con được đi học. Xúc động trước sự kiên trì của người mẹ bất hạnh, ban giám hiệu đã nhận Nga vào lớp 2.

Do cuộc sống khó khăn, bà Phương đã rời quê, mang con lên thành phố. Nga bắt đầu làm quen với môi trường sống và những người bạn mới. Sau đó ít lâu, bà Phương tái giá với người đàn ông đã có 4 con riêng. Bên tổ ấm mới, hạnh phúc đã trở lại với bà Phương.

Năm 1998, Nga tốt nghiệp Trường THPT năng khiếu Trần Phú. Sau đó, cô bé muốn tiếp tục được học đại học nên xin phép mẹ lên Hà Nội để ôn thi. Trong sự oi bức, ngột ngạt của căn nhà trọ nơi đất khách, bệnh của Nga ngày càng nặng, mụn sùi lên, móng chân móng tay nứt nẻ, chảy máu. Thương con, bà Phương phải bỏ dở công việc để lên chăm sóc con. Sau những tháng ngày miệt mài đèn sách, không phụ công mẹ, cùng một đợt thi, Nga đã đỗ 2 trường: Đại học Kinh tế quốc dân và Đại học Công đoàn.

Bước ngoặt cuộc đời

Do sức khoẻ không đảm bảo, Nga đành phải từ bỏ việc học ở trường mà cô yêu thích. Ngay lúc đó, Trường đại học Dân lập Hải Phòng tuyển sinh khoá đầu tiên, bà Phương liền đến nộp nguyện vọng 2 cho con. Thấy hoàn cảnh và sự nỗ lực của Nga, Giáo sư, tiến sỹ, nhà giáo ưu tú Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng nhà trường đã nhận Nga vào lớp Quản trị kinh doanh khoá 1998- 2002.

Vô tình, vào một ngày đầu năm 1998, thầy Nghị nhận được 2 bức thư không ghi tên người gửi. Sau khi đọc xong 2 bức thư đặc biệt đó, ông mới biết bức thư thứ nhất của một nam sinh học cùng lớp với Nga. Hàng ngày chứng kiến cảnh Nga bị châm chọc, cậu không đủ dũng khí để bảo vệ cô. Bức thư thứ 2 là lời sám hối của một người đàn ông với những dòng như sau: “Thưa ông! Tôi là một người bất hạnh. Tôi cam đoan với ông rằng, đời tôi là một vở kịch có hồi kết đau thương nhất. Bất hạnh này, một phần do chính tôi gây ra. Tôi đã hành hạ vợ tôi và bỏ cô ấy một cách tần nhẫn vì nghi ngờ cô ấy ăn ở thất đức nên mới sinh ra những đứa con dị dạng. Bây giờ thì tôi vô cùng ân hận và đau khổ vì biết đích xác mình đã bị nhiễm chất độc màu da cam...”.

Những dòng thư trên đã khiến thầy Nghị thật sự xúc động. Cảm phục trước sự vươn lên của cô học trò ấy, thầy quyết định miễn toàn bộ học phí trong 4 năm học (khoảng 10 triệu đồng) cho Nga. Cuối năm học thứ nhất, Nga là một trong ba sinh viên xuất sắc nhất trường với điểm tổng kết 7,6.

Năm 2002, Nga tốt nghiệp loại giỏi Trường đại học Dân lập Hải Phòng, đồng thời, cô cũng là người đầu tiên của trường đủ tiêu chuẩn đi du học. Nối nghiệp mẹ, Nga chọn học ngành Kế toán kiểm toán ở Trường đại học Charler Stus (Malaysia) với học phí khoảng 9.000USD. Trước lúc Nga lên đường, bà Phương nói với con gái: “Mẹ rất hạnh phúc và thầm cảm ơn ông trời đã cho mẹ sinh ra con. Mỗi người có một số phận khác nhau. Nhưng con đừng ỷ lại để trông chờ hay chùn bước. Hãy biết lo lắng cho mình, biết thương mình. Nếu con không hợp với khí hậu nơi đó, con về với mẹ, không ai trách con đâu”.

Sau 2 năm học tập tại Malaysia, Nga trở thành thạc sỹ ngành Kế toán kiểm toán. Về nước, cô được nhận vào giảng dạy tại nơi đã cưu mang mình.

Trao đổi với chúng tôi, thày Trần Hữu Nghị không khỏi tự hào về đồng nghiệp từng là học trò của mình. Thầy cho biết: “Khi sáng lập ra ngôi trường này, tôi muốn rèn cho sinh viên và các cộng sự của mình tính hướng thiện, biết chia sẻ với cộng đồng, sống có ích trước khi bước vào cuộc sống. Gửi Nga đi du học, tôi muốn bạn bè trong và ngoài nước biết rằng khi có niềm tin và sự nỗ lực vươn lên, bất kì ai cũng có thể làm được những điều kỳ diệu. Nga là một cộng sự, một sinh viên xuất sắc đã chiến thắng định mệnh nghiệt ngã bằng ý chí và nghị lực phi thường, là niềm tự hào của nhà trường”. Và tháng 6-2003, ở tuổi 28, Nga đã được kết nạp vào đảng.

Trong một buổi chiều thật đẹp, bên bờ sông Tam Bạc thơ mộng, trời phảng phất gió, Nga chia sẻ với tôi một bí mật: Đầu tháng tới, Nga sẽ lập gia đình với một chàng trai người Hà Nội. Vậy là, sau bao lần khép mình trong sự tự ti, cô đơn, Nga đã tìm được hạnh phúc đích thực của đời mình. Như vui lây niềm vui khi thấy mắt Nga long lanh, tôi thầm chúc cho cô luôn mạnh khoẻ và hạnh phúc.

Đăng Hùng


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông