HĐND thành phố Hải Phòng và những quyết sách hợp lòng dân

16:54 29/04/2023

Bài 2: Hướng trọng tâm vào các mục tiêu phát triển Giải quyết được các điểm nghẽn về nguồn lực, cụ thể là công tác thu ngân sách, có thể nói, “túi tiền” của HĐND thành phố đã rủng rỉnh hơn. Nhưng phân bổ chi ngân sách như thế nào, đặc biệt là chi cho đầu tư phát triển thực sự là bài toán khó bởi lĩnh vực nào, khu vực nào cũng cần tiền. Vì vậy, quyết định kế hoạch đầu tư công hàng năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, lựa chọn lĩnh vực phân bổ ngân sách bảo đảm đúng trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tránh kéo dài, gây lãng phí nguồn lực… đã được các kỳ họp HĐND thành phố bàn bạc kỹ lưỡng và mỗi quyết sách đưa ra đều chính xác, có sức sống mãnh liệt, góp phần mang lại hình ảnh thành phố Hải Phòng “lung linh tỏa sáng” trong những năm gần đây.

                                                               Tập trung cao phát triển kết cấu hạ tầng

          Sự phát triển của thành phố Hải Phòng những năm gần đây được thực hiện nhất quán theo quan điểm: phát huy cao nhất nguồn nội lực, dựa vào sức mình là chính. Với những quyết sách đúng đắn của HĐND thành phố về thu ngân sách, mỗi năm, nguồn vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách thành lại nhiều hơn, 10.000- 12.000- 15.000 rồi 18.000 tỷ đồng và dự kiến năm 2023, nguồn ngân sách thành phố dành cho đầu tư công lên tới hơn 20.000 tỷ đồng. Hải Phòng có thể tự đầu tư những cây cầu, những con đường trị giá 1300- 1400 đến hơn 2000 tỷ đồng mà không phải trông chờ vào ngân sách Trung ương như trước đây nữa. Và với chức năng, nhiệm vụ của mình; với số vốn đầu tư công và số dự án gấp 5-10 lần so với trước, HĐND thành phố thực sự đổi mới, xem xét, thông qua chủ trương đầu tư nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm đã được Ban Thường vụ Thành ủy; Thường trực Thành ủy cho ý kiến.

         Đường Hồ Sen- cầu Rào 2 là một trong những con đường đẹp nhất Hải Phòng từ quyết sách của HĐND thành phố

         Điều đáng nói, để có thể thông qua, ban hành nghị quyết với mỗi dự án cần rất nhiều thủ tục; khối lượng công việc khổng lồ, thời gian thường xuyên gấp gáp để theo kịp sự phát triển và đòi hỏi của cuộc sống  nhưng với sự chuẩn bị chu đáo, thuyết phục của UBND thành phố; sự chuyên nghiệp, trách nhiệm trong công tác thẩm định của Thường trực HĐND; các Ban HĐND, chủ trương đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng được HĐND thành phố đồng thuận thông qua tại các kỳ họp, mở ra một giai đoạn phát triển mới bừng bừng khí thế của Hải Phòng. Trong đó, số lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng chiếm tỷ lệ lớn.

                                                              Cầu Rào 1 (ảnh: Nguyễn Đức Nghĩa)

          Cử tri và nhân dân thành phố Hải Phòng rất vui mừng, phấn khởi khi từ năm 2016, một loạt các dự án, công trình lớn của thành phố được HĐND thành phố khóa 15, nhiệm kỳ 2016-2021  thông qua chủ trương đầu tư và đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng, mang lại một diện mạo khác hẳn, khang trang, hiện đại cho thành phố, bảo đảm sự kết nối thuận tiện trong và ngoài thành phố.

                                          Đường Lạng Am- Nhân Mục, con đường đôi đẹp nhất ngoại thành Hải Phòng

     Đó là tuyến đường đôi nối từ cầu Lạng Am tới cầu Nhân Mục, huyện Vĩnh Bảo; cầu Hàn; cầu Đăng; cầu sông Hóa; đường nối cầu Đăng, cầu Hàn; hạ tầng Khu đô thị mới bắc sông Cấm; cầu Hoàng Văn Thụ; cải tạo dải trung tâm thành phố với một loạt công viên cây xanh; cải tạo, chỉnh trang sông Tam Bạc giai đoạn 1; cầu Rào 1;  tuyến đường nối từ nút giao nam cầu Bính đến ngã 4 đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5; đường Hồ Sen- cầu Rào 2; cầu Quang Thanh; cầu Dinh; hạ tầng kỹ thuật các tuyến đường xung quanh Trung tâm thương mại Aeon Mall Hải Phòng; đường tỉnh 363 (đoạn kênh Hòa Bình, từ ĐT353 đến ĐT361); cải tạo, mở rộng nút giao thông ngã 5 Kiến An; Trung tâm Hành chính - Chính trị quận Ngô Quyền…

                      

   Cầu Hoàng Văn Thụ được xây dựng bằng nguồn nội lực của Hải Phòng với tổng vốn đầu tư hơn 2000 tỷ đồng

       Đáp ứng yêu cầu phát huy, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử hào hùng của dân tộc, từ nghị quyết của HĐND thành phố, đề án khoanh vùng để quản lý, lập quy hoạch bảo tồn các khu vực liên quan tới các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên dòng sông Bạch Đằng; tuyến đường vào và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên đã được thực hiện.

          Một loạt các nghị quyết của HĐND thành phố khóa 15 hiện đang được triển khai thực hiện khẩn trương, từng ngày, từng tháng hiện diện trên thành phố Cảng Hải Phòng như Khu tái định cư đảo Cát Hải - giai đoạn 1 (tại các xã Văn Phong, Nghĩa Lộ và Hoàng Châu - diện tích 19,68 ha); tuyến đường nối tỉnh lộ 354 qua Khu công nghiệp Kiến Thụy đến đường bộ ven biển tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy;  đường nối từ cầu Lạng Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo đến tuyến đường bộ ven biển; hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư Bắc Sông Cấm (giai đoạn 2); đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ các dự án đầu tư cải tạo chung cư cũ trên địa bàn phường Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng (giai đoạn 1); tuyến đường nối đường liên phường với tuyến đường trong Khu công nghiệp Nam Tràng Cát, quận Hải An; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ số 10, đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền; khu tái định cư tại khu đất 9,2 ha phường Thành Tô, quận Hải An; Trung tâm Y tế quận Dương Kinh…

            Tiếp nối thành công, hiệu quả của HĐND khóa 15, HĐND thành phố khóa 16 lại càng đổi mới, quyết liệt hơn để ban hành các quyết sách đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, sôi động, bứt phá, cấp thiết của thành phố, không chỉ cho hiện tại mà cho cả mai sau.

                                        Hải Phòng đã khởi công xây dựng Trung tâm Chính trị- Hành chính bắc sông Cấm

        Đó chính là các nghị quyết về đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố, hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc sông Cấm; công trình Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố; công viên Nút giao Nam cầu Bính; đường vành đai 2 đoạn tuyến Tân Vũ - Hưng Đạo - đường Bùi Viện; nút giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc Lộ 5; chỉnh trang sông Tam Bạc đoạn từ cầu Lạc Long đến cầu Hoàng Văn Thụ; đường 359;đường thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên; cầu Nguyễn Trãi; cầu Lại Xuân  và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352; Trường Cao đẳng Công nghiệp Hải Phòng (giai đoạn 1); xây dựng các công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn các quận giai đoạn 2021 – 2025; đường Đỗ Mười kéo dài đến đường trục VSIP và phát triển đô thị vùng phụ cận; dự án phòng, chống sạt lở núi Thiên Văn, quận Kiến An (giai đoạn 1); hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tại tổ dân phố Phương Khê, phường Đồng Hòa, quận Kiến An; xây dựng, lắp đặt hệ thống lan can bảo vệ dọc tuyến mương hở thoát nước và hồ điều hòa trên địa bàn các quận trung tâm thành phố; đầu tư xây mới, nâng cấp các trạm y tế trên địa bàn thành phố Hải Phòng; xây dựng khu tái định cư và chỉnh trang đô thị tại khu vực ngõ 226 Lê Lai; đầu tư cơ sở hạ tầng khu tái định cư tại xã Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng phục vụ xây dựng KCN Tiên Thanh và các dự án trên địa bàn huyện Tiên Lãng; đầu tư xây dựng hạ tầng khu tái định cư và bãi đổ xe phục vụ chỉnh trang đô thị khu vực bến xe Niệm Nghĩa cũ; đầu tư xây dựng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Kênh Dương (quận Lê Chân)…

          HĐND thành phố khóa 15 và 16 cũng thể hiện trách nhiệm rất cao trong việc xem xét, thông qua Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng tới năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và ngày 30-3-2023 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là cơ sở quan trọng để thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển thành phố Hải Phòng.  Cùng với đó là một loạt các nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đioạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050; quy định hỗ trợ tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải (làm cơ sở để UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long cùng với Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới); đầu tư một loạt các dự án phát triển quận Kiến An; Dương Kinh; Đồ Sơn theo tinh thần nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố…   

                                                               Đột phá về cơ chế, chính sách

          Với tinh thần đổi mới, trách nhiệm cao, HĐND thành phố Hải Phòng đi đầu cả nước trong ban hành các cơ chế, chính sách đột phá, riêng có, từ đó làm đổi thay hoàn toàn diện mạo nông thôn, đô thị Hải Phòng. Từ nghị quyết  số 136 ngày 22-8-2016 về điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, nông thôn Hải Phòng bừng bừng khí thế.

         Theo quyết sách của HĐND thành phố, thành phố hỗ trợ xi măng; các huyện, các xã huy động xã hội hóa trong nhân dân để làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng. Thành phố bỏ một, nhân dân bỏ mười, chỉ trong một thời gian ngắn, Hải Phòng đã bê tông hóa, rải nhựa hơn 5000 km đường giao thông nông thôn. Đây là nhân tố quan trọng để 100% xã của thành phố hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2019, về trước kế hoạch đã định 1 năm. Đây được coi là cách làm táo bạo, là cách xây dựng nông thôn mới “made in Hải Phòng” nức tiếng trên cả nước.

                      

                                                 Xã nông thôn mới kiểu mẫu Thụy Hương, huyện Kiến Thụy

          Tiếp theo đó là các nghị quyết số 56 ngày 9-12-2019 về việc thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020 trên địa bàn thành phố Hải Phòng; nghị quyết số 14  10-12-2021về việc xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 – 2025 đã tiếp sức, làm sôi động phong trào này khắp các vùng quê. Ngân sách thành phố đầu tư bình quân cho mỗi xã NTMKM 125 tỷ đồng, cùng với các nguồn lực khác. Đến nay, Hải Phòng đã triển khai rộng khắp tại 55 xã và mục tiêu tới năm 2025 có 100% xã hoàn thành xây dựng NTMKM. 

       Cùng với đó là nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa tập trung trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022 – 2025 và nhiều nghị quyết khác nhằm tập trung cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân phát triển toàn diện, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn thực sự ngắn lại rất nhiều.

          Hải Phòng cũng thể hiện sự đổi mới khi HĐND thành phố ban hành nghị quyết số 05 ngày 12-7-2018 / về cơ chế hỗ trợ vật tư (xi măng, gạch lát vỉa hè, pha đèn chiếu sáng và cây xanh) để cải tạo, nâng cấp hè, đường ngõ đã xuống cấp trên địa bàn các quận thuộc thành phố, thực sự tạo ra những xung lực mới, làm mỗi ngõ, ngách của các quận khang trang, sạch đẹp, xứng đáng với vị thế của một đô thị hiện đại, văn minh. Đây có thể coi là những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân mà mỗi người dân Hải Phòng đi tới đâu đều mang ra “khoe” với niềm tự hào lớn lao, mãnh liệt và niềm hạnh phúc vô biên./.

    (Còn tiếp)

                                                                                                                                                  Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông