16:31 30/10/2021 Cách đây vừa trong 1 năm, vào tháng 11-2020 tại Hội nghị thượng đỉnh Asean (trực tuyến) do Việt Nam chủ trì, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết. Đây là một trong những Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất mà Việt Nam đã tham gia, với sự góp mặt của 15 quốc gia. Theo lộ trình, nếu đủ các điều kiện cam kết, RCEP sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 1-2022 tới đây.
RCEP sẽ tạ cơ hội tăng cường xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Hải Phòng.
Ngoài 10 nước ASEAN bao gồm cả Việt Nam, tham gia RCEP còn có 5 quốc gia mà ASEAN đã ký Hiệp định thương mại tự do gồm: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, Hiệp định được ký kết tại Hà Nội ngày 15-11-2020. Với 15 nước thành viên nêu trên, RCEP có quy mô dân số khoảng 2,2 tỷ người, chiếm 30% tổng dân số toàn cầu; tổng sản phẩm nội địa GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, cũng chiếm 30% GDP toàn cầu.
Theo cam kết được đưa ra, RCEP mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý các quốc gia thành viên cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, FTA này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới.
Đồng thời RCEP cũng thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN, trong bối cảnh biến động do chiến tranh thương mại và đại dịch Covid-19 gây ra. Cùng với đó, việc thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử và tạo sân chơi bình đẳng trong khu vực.
Đối với Việt Nam, việc tham gia RCEP sẽ giúp thiết lập và củng cố thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài trong bối cảnh tình hình thế giới đầy biến động, gây ra những xáo trộn mạnh mẽ về kinh tế, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn nhiều lộ trình đã được cam kết trước đó, khiến xu hướng bảo hộ mậu dịch của các quốc gia đang tái hiện, bất chấp hiệu lực của những FTA đã đượ ký kết. Trước tình hình đó, RCEP đi vào thực thi đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và ASEAN, mang lại các lợi ích cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Việc tham gia RCEP cũng giúp hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tăng cường xuất khẩu ra thị trường thế giới. Mặt khác, thị trường trong nước cũng sẽ đón nhận hàng hóa từ nước ngoài, RCEP sẽ tạo cơ hội để Việt Nam nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất.
Theo một số liệu thống kê, chỉ tính riêng trong khối ASEAN, hàng năm Việt Nam đã nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất hơn 30 tỷ USD, ngoài ra, Việt Nam vẫn nhập siêu hàng chục tỷ USD từ các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Điều quan trọng là, khi tham gia RCEP, nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước RCEP sẽ được xem là nguồn nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam, khi sản phẩm được xuất khẩu sản phẩm sang các nước thành viên RCEP.
Do đó, Việt Nam được hưởng nhiều lợi ích từ RCEP, khi có các mặt hàng thế mạnh như nông sản, dệt may, da giày… đáp ứng nhu cầu của hầu hết thành viên RCEP. Nhờ việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, gia tăng xuất khẩu trong khu vực, đặc biệt là tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand...
Với Hải Phòng, địa phương đang có những đột phá về thu hút đầu tư công nghệ cao và phát triển hạ tầng cơ sở hiện đại, có hệ thống dịch vụ cảng đứng đầu cả nước, đầu mối giao thương hàng hải của cả khu vực phía Bắc với với các nước thành viên RCEP và thị trường thế giới.
Hơn nữa, ngay cả các sản phẩm mang tính truyền thống như dệt may, giày dép, thủy sản… cũng là một trong những thế mạnh của Hải Phòng, từ lâu đã có mối quan hệ thương mại mật thiết với các thị trường thành viên RCEP, bởi vậy RCEP được vận hành cũng là cơ hội của Hải Phòng.
Những con số thống kê về thành tựu 10 năm trở lại đây của Hải Phòng cho thấy: tỷ trọng công nghiệp dịch vụ chiếm gần 90%, sản lượng hàng hóa qua cảng tăng bình quân 16,7%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 18,03%... chứng tỏ tiềm năng của thành phố là rất lớn.
Báo cáo thống kê cũng cho thấy, 10 tháng năm 2021 Hải Phòng đạt các chỉ tiêu kinh tế rất ấn tượng: GRDP tăng 12,28%, gấp 8,65 lần bình quân cả nước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 19,22%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 25,52%... so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, nhiều sản phẩm có khả năng xuất khẩu đang nằm trong tốp tăng trưởng mạnh, nếu đáp ứng đủ yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng, sản phẩm của Hải Phòng hoàn toàn có thể mở rộng sang thị trường nội khối RCEP
Tóm lại, với vị thế đã được khẳng định là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, là đầu mối giao thương hàng hải lớn nhất miền Bắc, Hải Phòng đầy đủ điều kiện để tiếp nhận hiệu quả từ RCEP.
Tuy nhiên nếu không nhận rõ những thách thức để chủ động tiếp cận, thì việc chớp thời cơ có thành công hay không cũng còn nhiều việc phải bàn. Bởi kinh nghiệm cho thấy, cũng như đối với các hiệp định thương mại tự do khác, thời gian qua thành phố đã triển khai các hoạt động hội nhập.
Nhiều doanh nghiệp lớn đã chủ động đi trước, đón đầu, nhưng cũng không ít doanh nghiệp hoặc chưa hiểu rõ, hoặc chưa thực sự quan tâm, đó cũng là hạn chế lớn trên đường vươn ra quốc tế.
Tham gia RCEP nói riêng và các Hiệp định FTA nói chung, vấn đề đặt ra là, làm thế nào để kết nối giữa vùng nguyên liệu với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng logistics, sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu và cạnh tranh tại sân nhà, đây có lẽ mới cần một cuộc cách mạng thực sự.
Vẫn biết là tham gia sân chơi mới sẽ gặp nhiều trở ngại, nhưng hy vọng Hải Phòng cũng như cả nước sẽ tháo bỏ những nút thắt để tự tin tiếp cận hội nhập một cách hoàn hảo.
Lê Minh Thắng