06:41 19/11/2017 Rốt cuộc, một trong những sự kiện được chờ đợi tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đã được thông qua, đó là tuyên bố chung về thỏa thuận Hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thành công này bước đầu bước đầu đã phá tan sự hoài nghi về tương lai của TPP, sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi, và Canada thể hiện sự… nhùng nhằng.
Ấn tượng năm APEC 2017 tại Việt Nam
Kỳ 1-Diễn biến đầy kịch tính?
Trước đó, trong một cuộc họp kéo dài nhiều tiếng đồng hồ bên lề APEC 2017 vào ngày 10-11 vừa qua, sự khác nhau về một số quan điểm của các quốc gia TPP đã khiến tuyên bố chung về TPP chưa được ký kết như dự kiến, nhất là sự kiện lãnh đạo Canada đã không đến dự cuộc họp này.
Đánh giá về sự kiện, một số chuyên gia cho rằng dù quyết tâm thực hiện được 11 nền kinh tế, nhưng việc một số quốc gia thành viên TPP hiện này còn chưa sốt sắng đẩy nhanh tiến độ đàm phán không phải là bất ngờ. Bởi trước đó một trong nhưng nền kinh tế lớn nhất thế giới, với tầm ảnh hưởng đặc biệt quan trọng là Mỹ đã tuyên bố rút khỏi TPP, sau khi Tổng thống Donald Trump thắng cử. Điều này đã đẩy 11 nước còn lại buộc phải cân nhắc, đưa ra những kịch bản khác nhau, một là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ theo những thỏa thuận trước, hai là phải đàm phán lại trong bối cảnh một “TPP không Mỹ”. Đây cũng chính là vấn đề lớn của Canada, khiến đại diện nền kinh tế lớn này đã tỏ ra “nhùng nhằng” khi không tham dự một cuộc họp quan trọng liên quan.
Cần phải thấy rằng, TPP là một Hiệp định giữa những nền kinh tế bất cân xứng, khi so sánh giữa các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ca-na-đa.. với Philipines, Bruney, Mexico và cả Việt Nam. Dĩ nhiên trong sân chơi lớn, bất cứ thành viên nào cũng đòi hỏi phần hơn cho mình, trước khi nghĩ đến chuyện “các bên cùng có lợi”. Vì vậy, khi Mỹ rời bỏ cuộc chơi, những xáo trộn phát sinh là điều hết sức dễ hiểu. Trong bối cảnh đó, TPP-11(thay cho TPP-12 trước kia khi còn Mỹ) gặp nhau tại Việt Nam trong khuôn khổ APEC lần này có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm thể hiện nỗ lực và trách nhiệm để tiếp tục duy trì TPP.
Quang cảnh đàm phán về TPP trong khuôn khổ APEC 2017
Như đã nói, nỗ lực này đặt các quốc gia thành viên trước một vấn đề mới. Chẳng hạn như Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất trong TPP hiện nay thể hiện rõ mong muốn đẩy nhanh tiến độ với nền tảng giữ lại tất cả những nội dung cam kết cũ. Còn Canada và một số nước khác thì mong muốn đàm phán lại một số điều khoản của hiệp định, thực tế này đã đẩy TPP vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Thậm chí diễn biến xấu đến mức không ít quan điểm đã đề cấp đến những rủi ro, như bình luận của ông Deborah Elms - Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại châu Á rằng: “Nếu không thực sự nhất trí được điều gì ở Đà Nẵng, 11 quốc gia có thể tạm biệt luôn TPP”.
Những tưởng Hội nghị APEC lần này tại Việt Nam sẽ không được trọn vẹn, dù đàm phán về TPP không phải là một nội dung chính, nhưng tầm ảnh hưởng của vấn đề này không hề nhỏ. Theo nhận xét của Tiến sỹ Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, diễn biến đàm phán TPP tại APEC lần này giống như một trận bóng đầy kịch tính ở đẳng cấp cao nhất. Cho đến phút chót, tất cả vỡ òa khi đại diện toàn bộ 11 nền kinh tế thành viên đã đạt được thỏa thuận, mà một trong những dấu ấn quan trọng là đổi tên TPP thành CPTPP (Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương).
Tuyên bố chung APEC 2017 đã nâng tầm vị thế Việt Nam
Việc Mỹ rút khỏi TPP đã làm cho lòng tin vào triển vọng của Hiệp định bị suy giảm ghê gớm. Nhiều người còn tin chắc sẽ không thể có TPP khi không có Mỹ. Việc các nước thành viên đạt được thỏa thuận và thống nhất tên gọi mới có thể coi là một cú đột phá chiến lược, tác động lớn đến cả những nước không phải là thành viên. Bởi cũng như TPP trước đây, CPTPP hiện nay không đơn thuần là một hiệp định thương mại tự do mà là một hiệp định toàn diện và phát triển trong môi trường hội nhập.
Cũng theo Tiến sỹ Trần Đình Thiên, đây xứng đáng là cú đột phá, khẳng định lòng tin vào xu thế toàn cầu hóa với nội dung cốt lõi là liên kết và hợp tác phát triển. Việc duy trì gắn kết 11 nền kinh tế vào một hiệp định phát triển ở trình độ cao nhất trong điều kiện Mỹ rút khỏi TPP có giá trị của một tuyên ngôn, một thông điệp mang tầm cỡ thời đại.Với ý nghĩa như vậy, đặt trong khuôn khổ APEC 2017 ở Đà Nẵng, hoàn toàn có thể coi đây là một sự kiện mang tính lịch sử, là một điểm nhấn của APEC lần này. Nhìn ở góc độ khác, thành công này giúp nâng cao tầm ảnh hưởng của Việt Nam với vai trò nước chủ nhà APEC 2017, với quyết tâm cao giữ bằng được TPP.
Tất nhiên, con đường phía trước đối với Việt Nam nói riêng và CPTPP nói chung còn không ít gập ghềnh, nhất là khi Việt Nam vẫn nằm trong nhóm kém phát triển nhất của Hiệp định này. Vì theo ý kiến các chuyên gia, đàm phám mới chỉ là sự khởi đầu, tiếp theo mới đến việc thực thi và hội nhập, nghĩa là Việt Nam phải thể hiện hiệu quả ở những phần sau đó.
(còn nữa)
Hoàng Minh
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão