Hiệp sĩ của những bệnh nhân nhiễm HIV

16:44 19/03/2016

 

Ông lão cao bồi Ngô Việt Hùng đang từng ngày viết lên bản tình ca thắp lửa cuộc sống
Ông  Ngô Việt Hùng đang từng ngày viết lên bản tình ca thắp lửa cuộc sống

Một ngày cuối năm Ất Mùi, tôi có dịp được gặp và trò chuyện với TS.BS Ngô Việt Hùng - một người luôn tận tâm giúp đỡ những bệnh nhân nhiễm HIV. Sau chuyến công tác dài ngày ở miền Trung - Tây Nguyên, ông vui vẻ tiếp chuyện tôi trong căn nhà ấm cúng. Liên tục có những cuộc điện thoại cần tư vấn xen ngang, ông luôn từ tốn giải đáp cho từng người. Kiến thức sâu rộng, phong thái điềm đạm cùng những lời khuyên hữu ích của ông đã tiếp thêm nghị lực, hi vọng sống cho biết bao bệnh nhân đang vật vã trước lằn ranh tử thần…

Bản tình ca thắp lửa cuộc sống

TS.BS Ngô Việt Hùng - sinh năm 1950, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp, không còn xa lạ với những người trong nghề hay với những bệnh nhân mang trong mình căn bệnh thế kỉ. Ông hiện là chuyên gia độc lập về các bệnh nhiễm trùng và nhiệt đới, chuyên gia tư vấn của tổ chức FHI360 (Tổ chức Sức khỏe Gia đình Quốc tế 360 - một tổ chức phi lợi nhuận uy tín của Hoa Kỳ) với nhiệm vụ đào tạo, chẩn đoán, kê đơn điều trị và tư vấn miễn phí về các bệnh nhiễm trùng và nhiệt đới, gồm cả nhiễm trùng HIV, các bệnh lí gan do các virus viêm gan B, C và các virus khác.

Năm 1994, BS Ngô Việt Hùng là một trong hai người được đào tạo bài bản nhất về HIV tại Pháp 4 năm liền. Suốt những năm sau đó, ông rong ruổi ở nhiều quốc gia thuộc châu Phi, sang cả Bỉ và Campuchia để nghiên cứu về HIV và nhiễm trùng HIV rồi tiếp tục về khoa Truyền nhiễm công tác. Ông luôn quan niệm: Người bác sĩ phải luôn hướng tới cộng đồng. Không chỉ đơn thuần đặt câu hỏi để bắt bệnh, bác sĩ còn cần có sự tinh tế, nhạy cảm nhất định để quan sát, trò truyện, lắng nghe bệnh nhân trải lòng để tạo sự tin tưởng, gần gũi. Ông gọi vui đó là nghệ thuật.

Trong suốt những năm tháng theo đuổi nghiệp “cứu người”, bác sĩ Hùng đã bao lần phải chứng kiến những cái chết thương tâm vì không có thuốc điều trị HIV. Điều đó đã thôi thúc ông phải hành động và việc đưa thuốc ARV áp dụng điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS tại Hải Phòng là kết quả của hành trình nỗ lực không mệt mỏi đó.

Qua lời kể của học trò, hành trình bác sĩ đưa thuốc ARV đến với bệnh nhân HIV đầy trăn trở: “Tôi nhớ một câu chuyện, đó là vào khoảng tháng 11-2004, có một bệnh nhân nam bị HIV đã nhập viện điều trị tại khoa với các triệu chứng của viêm màng não. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Pháp thuộc tổ chức ESTHER, sự có mặt của một đoàn làm phim Hàn Quốc sang để làm phim về khoa và khoa Vi sinh của bệnh viện đã xác định nguyên nhân gây bệnh là nhiễm nấm Cryptococcus. Nhưng vì đến viện ở giai đoạn muộn, sử dụng thuốc bằng đường uống không hiệu quả nên người bệnh đã không qua khỏi. Ca tử vong ấy luôn là nỗi trăn trở của ông, bởi đã định ra bệnh, đã có sự giúp đỡ của các chuyên gia, chỉ vì chưa có thuốc điều trị thích hợp mà không thể kéo dài thời gian sống.

Sau trường hợp này, Ban Giám đốc bệnh viện và ông đã vận động tổ chức ESTHER không chỉ tài trợ thuốc uống mà còn vận động họ tài trợ cả thuốc tiêm chống nấm cho bệnh viện…”. Từ đó đến nay, Hải Phòng trở thành một trong những thành phố làm tốt công tác chăm sóc bệnh nhân HIV với phác đồ điều trị khoa học và phương pháp kĩ thuật hiện đại.

Chân dung TS.BS Ngô Việt Hùng
Chân dung TS.BS Ngô Việt Hùng

Tôi đã từng đọc những dòng chia sẻ chân thành của học trò dành cho TS.BS Ngô Việt Hùng. Trong mắt người học trò ấy, dù đã ở cái tuổi vui vầy bên con cháu, thầy Hùng vẫn là một ông lão “cowboy” (cao bồi) vui tính, phóng khoáng, dám dấn thân vào những cuộc phiêu lưu mạo hiểm trong hành trình nghiên cứu sâu về HIV - AIDS ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác để thắp lên ngọn lửa sống cho những bệnh nhân bên vực tử thần. Về hưu, bỏ qua nhiều lời mời hấp dẫn, ông quyết định tham gia tổ chức FHI360 để tiếp tục dấn thân vào những hành trình mới.

Ông liên tục rong ruổi ở mọi miền tổ quốc, đến vùng xa xôi hẻo lánh - nơi thật sự cần những chuyên gia như ông. Càng đi nhiều, tận mắt chứng kiến cái nghèo đói, trình độ y tế lạc hậu, ông càng quyết tâm phải làm được điều có ích cho những nơi đã đi qua. Đến nay, bác sĩ Hùng đã đào tạo được 10 khóa học cho những cán bộ y tế, những người trực tiếp tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân HIV từ các tỉnh vùng sâu, miền núi tới cán bộ công tác trong trại giam, viết lại giáo trình giảng dạy cho phù hợp với thực tế cơ sở... Ở đâu, ông cũng để lại dấu ấn của mình một vị bác sĩ tận tâm, gần gũi, dễ mến.

Hàng ngày, bên cạnh cuộc sống của một chuyên gia tư vấn, liên tục đưa ra phác đồ điều trị miễn phí cho những bệnh nhân nhiễm HIV, bệnh nhân viêm gan B, C tìm đến ông, bác sĩ Ngô Việt Hùng còn là một ông lão yêu thích thể thao và có tâm hồn nghệ sĩ bay bổng. Ngón đàn guitar của ông làm biết bao đồng nghiệp và học trò yêu thích, ngưỡng mộ. Yêu thích đàn hát, TS.BS Ngô Việt Hùng như người nhạc sĩ viết lên bản nhạc cuộc sống, góp phần truyền cảm hứng tin yêu cho những bệnh nhân HIV, thêm màu sắc tươi mới cho bản nhạc trầm buồn của cuộc đời họ.

Ông giáo tận tâm với nghiệp “trồng người”

Say mê khi nói về những hành trình tìm lại cuộc sống cho người bệnh là vậy, nhưng khi nhắc tới sự nghiệp dạy học, tới những thành công của học trò, trong ông nhen lên chút tự hào và cả sự trìu mến.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống 6 đời dạy học, dường như nghiệp cầm phấn đã ăn sâu vào máu của TS.BS Ngô Việt Hùng. Có biết bao học trò đã thành đạt nhờ sự bảo ban, hướng dẫn tận tình của thầy Hùng. Ông trở thành tấm gương mẫu mực về nghiên cứu khoa học với thái độ nghiêm túc, cầu thị nhất.

Ông tự hào khi mình vừa là thầy thuốc, vừa là thầy giáo được sinh viên tín nhiệm lựa chọn, có thể dạy học trò trở thành những người ưu tú. Nghệ thuật thu phục học trò mà ông chia sẻ với chúng tôi chỉ có một chữ: Nghiêm. Ông vừa cười vừa giải thích: “Người thầy trước hết phải nghiêm túc với bản thân, tôn trọng nghề nghiệp. Sau đó, phải biết làm học sinh yêu quý thầy, ngưỡng mộ thầy rồi thích được làm nghề như thầy, từ đó mà thành yêu nghề”. Ông đùa vui dí dỏm, đó là nghệ thuật quyến rũ.

Sinh viên luôn được thầy nhắc nhở: Phải nắm rõ kiến thức tổng quát về tất cả các khoa: nội khoa, ngoại khoa và ngay cả sản khoa để có thể tìm hiểu sâu về bệnh truyền nhiễm. “Sự dễ dàng đến với những ai đã nghiền ngẫm kĩ” là châm ngôn cho mọi vấn đề khúc mắc. Thầy Hùng dạy học trò từ những điều cơ bản nhất như cách đọc sách (nhớ trang, nhớ tên đề mục) cho tới những vấn đề chuyên ngành. Thầy không đưa ra kiến thức trực tiếp mà khéo léo đặt câu hỏi, kích thích sinh viên đi tìm câu trả lời.

“Bệnh nhân mới là người thầy tốt nhất” là bài học trong suốt quá trình sinh viên nghiên cứu, học tập cho tới khi đã thành nghề. Ở khoa Truyền nhiễm không có khoảng cách kiến thức giữa các thế hệ. TS.BS Ngô Việt Hùng luôn nỗ lực là cầu nối giữa đồng nghiệp, thầy - trò. Giữa họ chỉ có sự tôn trọng nghề nghiệp, đề cao tri thức. Khoa truyền nhiễm phải là khoa đầu tiên phát hiện ra những virus lạ, nghiên cứu tìm ra nguyên nhân mọi loại bệnh truyền nhiễm.

Cả cuộc đời ông đã đào tạo rất nhiều sinh viên, trong đó có 5 sinh viên xuất sắc khiến ông nhớ và tự hào nhất. Họ được ông giúp đỡ xin học bổng nghiên cứu tại nước ngoài và hiện đều rất thành công. Trong đó có bác sĩ Vũ Hải Vinh trở thành hiện tượng khi từ cậu học sinh trường làng trở thành tiến sĩ y khoa tại Pháp. Anh có 13 công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí Y học quốc tế uy tín, đồng tác giả cuốn Mycologie Médicale (giáo trình cho sinh viên Y khoa Pháp)… Hiện nay, bác sĩ Vinh trở lại công tác tại khoa Truyền nhiễm - nơi anh đã trưởng thành, nối nghiệp người thầy năm xưa.

Luôn hướng tới cộng đồng, tận tình với bệnh nhân bằng tất cả y đức và trách nhiệm, TS.BS Ngô Việt Hùng sẵn sàng tiếp nhận mọi nhu cầu điều trị, tư vấn miễn phí của bệnh nhân và không ngừng nỗ lực nghiên cứu trong hành trình tìm lại sự sống cho những người bên vực tử thần. Ông đang từng ngày viết lên bản tình ca thắp lửa cuộc sống.

Minh Hương


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích