17:02 03/11/2015
Trải dài trên 20 km, luồng hàng hải trên sông Cấm có nhiều bến, luồng giao nhau giữa đường thủy nội địa và hàng hải. Hệ thống phao báo hiệu phức tạp lại liên quan đến nhiều địa phương, nhiều lực lượng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn… Qua 1 năm triển khai mô hình “Trạm quản lý luồng Vật Cách văn hóa - an toàn” đã thực sự mang lại hiệu quả, không chỉ đảm bảo về an toàn giao thông mà còn thúc đẩy kinh tế biển phát triển. Chuyển biến tích cực về nhận thức Trạm quản lý luồng Vật Cách thuộc Xí nghiệp Bảo đảm hàng hải Đông Bắc bộ (Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc) có nhiệm vụ quản lý, vận hành các đèn biển, quản lý các công trình chỉnh trị luồng tàu, phát hiện các chướng ngại vật mới phát sinh trên luồng tàu… Đây là nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến sự an toàn của các phương tiện lưu thông trên luồng. Đặc biệt là trên sông Cấm, tuyến giao thông huyết mạch nhưng lại có đặc thù chồng lấn với luồng hàng hải. Giám đốc Xí nghiệp Bảo đảm hàng hải Đông Bắc bộ Trịnh Minh Hải cho biết, mục đích tạo chuyển biến về nhận thức của mỗi CB CNV làm công tác Bảo đảm an toàn hàng hải, đồng thời xây dựng thói quen ứng xử văn hóa, văn minh, lịch sự và ý thức tự giác thực hiện tốt nhiệm vụ, Xí nghiệp đã chủ động xây dựng Trạm quản lý luồng Vật Cách theo các tiêu chí về “văn hóa - an toàn” theo quy định. Cũng theo ông Trịnh Minh Hải, đến nay sau 1 năm thực hiện mô hình “Trạm quản lý luồng Vật Cách văn hóa - an toàn” đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức trong mỗi người lao động. CB CNV đã thực sự có thói quen ứng xử văn hóa, văn minh, lịch sự cũng như ý thức tự giác thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn hàng hải trên tuyến luồng được phân công. Trong đó đáng chú ý là việc tuân thủ các quy định về an toàn hàng hải, an toàn lao động. Công nhân trước khi thực hiện nhiệm vụ phải được học tập, hướng dẫn đầy đủ kiến thức về an toàn, yêu cầu kỹ thuật. Trang bị đầy đủ phương tiện phục vụ và thiết bị đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy và an toàn hàng hải. Các phương tiện nghiệp vụ chuyên môn đều được đăng ký, đăng kiểm đúng định kỳ và giao CB CNV có đầy đủ văn bằng, chứng chỉ chuyên môn vận hành, điều khiển. Kết quả, trong 2 năm 2014 và 2015, trên toàn tuyến do Trạm quản lý luồng Vật Cách quản lý, các thiết bị hàng hải và hệ thống báo hiệu luồng đều đảm bảo an toàn, vận hành theo đúng các chỉ tiêu kỹ thuật, không để xảy ra sự cố nào mất an toàn cho người và phương tiện tham gia vận hành sản xuất. Trưởng Trạm quản lý luồng Vật Cách Hà Văn Quảng cho biết thêm, Trạm đã bố trị lực lượng ứng trực liên tục suốt 24/24 giờ, đảm bảo cao nhất hoạt động của các biển báo, tín hiệu phao đèn trong mọi điều kiện thời tiết. Thường xuyên duy tu bảo dưỡng, sẵn sàng có phương án thay thế trong trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của cơ quan chức năng trên luồng. Theo đó mà toàn bộ các tình huống mất an toàn đều được xử lý kịp thời. Hiệu quả trong công tác phối hợp Vào những ngày cao điểm, trên dọc tuyến sông Cấm lượng phương tiện qua lại tấp nập. Không chỉ là tuyến đường thủy nội địa đi các tỉnh phía Bắc, mà còn laf luồng hàng hải ra vào cảng Hải Phòng. Chỉ cần một sự cố mất an toàn giao thông sẽ gây ách tắc cho hàng trăm phương tiện, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế… Thượng úy Bùi Đức Luật, Phó bí thư Đoàn thành niên Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an thành phố Hải Phòng) cho biết, thực hiện công tác phối hợp, lực lượng công an cùng với Đoàn thanh niên Xí nghiệp Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Bắc bộ đã tổ chức hàng chục buổi tuần tra, kịp thời phân luồng đảm bảo cho các phương tiện lưu thông, không để xảy ra tình trạng ách tắc làm tăng nguy cơ mất an toàn giao thông. Nhiều tình huống phương tiện bị sự cố trên luồng, được thông tin kịp thời giữa lực lượng công an và bảo đảm an toàn hàng hải đã cùng với đơn vị chức năng như Biên phòng, Cảng vụ cũng đã phối hợp xử lý tránh nguy cơ mất an toàn hàng hải. Cũng trong nội dung quy chế phối hợp, nhằm nâng cao ý thức cho những người tham gia giao thông, thượng úy Bùi Đức Luật cho biết thêm, đoàn viên thanh niên 2 đơn vị đã tổ chức 5 buổi tuyên truyền cho những người điều khiển phương tiện thủy tại các khu vực trọng điểm về an toàn hàng hải, như khu vực neo đậu phương tiện đối diện cảng chính Hải Phòng, ngã 3 sông Cấm - sông Ruột Lợn và khu vực thượng lưu cầu Bính. Đặc biệt trong tháng 6-2015, Xí nghiệp Bảo đảm hàng hải Đông Bắc bộ đã bố trí người và phương tiện tham gia diễn tập “Ứng cứu khẩn cấp sự cố mất an toàn phà Máy Chai - An Lưu và cứu hộ, cứu nạn trên sông” do Phòng Cảnh sát đường thủy phối hợp với Cảng vụ hàng hải tổ chức. Qua đó đã tạo được cơ chế vận hành phối hợp giải quyết trong các tình huống mất an toàn trên luồng. Có thể nói, mô hình này đã góp phần vào việc xây dựng sông Cấm thành tuyến sông “Văn hóa - An toàn”. VĂN HUY |
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão