12:14 27/06/2022 Vụ Đông Xuân 2021-2022, song song với việc tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên các đối tượng cây trồng; định hướng sản xuất an toàn, gắn truy xuất nguồn gốc, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân, Trung tâm Khuyến nông thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương có sản xuất nông nghiệp, các cơ quan chuyên môn triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần giúp bà con nâng cao nhận thức, ý thức tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, giống, phân bón mới, quy trình canh tác tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nông sản…
Mô hình liên kết khảo nghiệm sản xuất giống lúa mới, phân bón mới…
Trong số các giải pháp đó, cần phải kể đến hiệu quả từ các mô hình khuyến nông tự xây dựng tiêu biểu trong lĩnh vực trồng trọt (không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước).
Vụ Đông Xuân 2021-2022, Trung tâm Khuyến nông thành phố đã xây dựng 83 mô hình tự xây dựng với quy mô 329,1 ha, thu hút sự tham gia của gần 1.700 hộ dân.
Trước hết, cần phải kể đến mô hình liên kết với doanh nghiệp khảo nghiệm sản xuất giống lúa mới, phân bón mới mà đơn vị đã áp dụng vào sản xuất.
Triển khai mô hình này, đơn vị đã liên kết với doanh nghiệp, lựa chọn, đưa vào sản xuất 2 loại giống lúa mới là Hạt ngọc 9 và Tiền Hải trên diện tích 1,5 ha, tại xã Ngũ phúc (Kiến Thụy), xã Hòa Bình (Vĩnh Bảo) và Hợp Đức (Đồ Sơn). Sau khi đưa vào sản xuất, các giống lúa trên đều sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe; có khả năng chống chịu sâu bệnh khá (kháng đạo ôn tốt). Năng suất dự kiến các giống lúa thuần đạt từ 62 – 68 tạ/ha; lúa lai đạt từ 70-72 tạ/ha.
Hay mô hình sử dụng phân bón NPK con lười trên cây lúa với quy mô 0,6 ha tại 2 phường Đẩu Sơn, Văn Đẩu (Kiến An). Đây là dạng phân viên nén, phụ gia có chất chống mất đạm giúp viên phân nhả chậm. Khi sử dụng loại phân này để chăm bón lúa Thái Xuyên 111 vụ Xuân vừa qua cho thấy rễ lúa phát triển mạnh, đẻ nhánh khỏe.
Dự kiến năng suất đạt 72 tạ/ha, cao hơn sản xuất đại trà từ 10-15%. Loại phân bón này đã được sử dụng tại Hải Phòng từ năm 2015 cho hiệu quả tốt, ổn định nên cần bổ sung vào quy trình chăm bón cho lúa vào các vụ tiếp theo.
Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa…
Tiếp đến là nhóm các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất rau, hoa. Đơn cử như mô hình sản xuất dưa chuột, dưa hồng, cà chua trong nhà lưới tại xã Kiến Quốc (Kiến Thụy), quy mô 1 ha mang lại giá trị sản xuất đạt từ 28 – 30 triệu đồng/sào, lợi nhuận thu được từ 14,5 – 18 triệu đồng/sào.
Mô hình sản xuất dưa hồng, dưa hấu, dưa vàng, rau ăn lá trong nhà lưới tại xã Tú Sơn (Kiến Thụy), quy mô 1ha. Mô hình này sử dụng hệ thống tưới tự động mang lại năng xuất, giá trị sản xuất cao. Cụ thể, các sản phẩm đã xuất bán gồm: dưa bở cho năng suất từ 0,8 – 1,0 tấn/sào, các loại rau cải ăn lá đạt từ 0,4-0,5 tấn/sào; giá trị sản xuất đạt 6 – 20 triệu đồng/sào mang lại lợi nhuận đạt từ 4 – 16 triệu đồng/sào.
Hay mô hình trồng hoa tổng hợp của hộ Đỗ Văn Xanh tại xã An Hưng (An Dương) trên diện tích 6,8 ha, ứng dụng các tiến bộ về giống, sản xuất hoa chất lượng cao cấp. Trong đó, có 2,7ha hoa loa kèn; 1,1 ha hoa lay ơn; 0,3ha hoa lyli; 2,7 ha hoa hướng dương. Mô hình cho doanh thu đạt 2 - 3 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu được đạt từ 600 - 800 triệu đồng/năm.
Mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa, rau
Vụ Đông Xuân 2021-2022, Trung Tâm Khuyến nông thành phố đã triển khai 28 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên diện tích 68,3 ha thu hút sự tham gia của 309 hộ dân trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo, An Dương, Kiến Thuỵ; 7 mô hình sản xuất rau trên diện tích 41,36 ha, thuộc địa bàn huyện Vĩnh Bảo.
Nhờ đưa các giống lúa mới (giống NHINHOMAI; TBR 78,79, Đông Á; VNR 95; Hương cốm 18, ST25, Ngọc thơm, Hạt Ngọc, Bắc Thịnh…) vào sản xuất, sử dụng phân bón NPK con lười và đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, các giống lúa mới đã sinh trưởng, phát triển tốt, ít nhiễm bệnh đạo ôn hơn so với các giống khác.
Đồng thời giúp giảm 30% lượng giống gieo cấy, giảm 40-50% thuốc bảo vệ thực vật, giảm 40-50% chi phí khâu làm mạ (làm đất, vật tư che chắn...); năng suất lúa tăng 10-20%, ước đạt 70-72 tạ/ha.
Đối với các mô hình sản xuất rau có thể kể đến mô hình sản xuất rau trái vụ an toàn tiêu biểu tại xã Hùng Tiến (Vĩnh Bảo) quy mô 5 ha. Nhờ sử dụng hệ thống tưới nước tự động, áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP, sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Các loại rau: bắp cải, cải thảo, măng tây xanh, cà tím..., sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất tăng 15-20% so với sản xuất truyền thống. Giá trị sản xuất đạt từ 500-700 triệu đồng/ha; lợi nhuận đạt 300-400 triệu đồng/ha.
Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
Ở lĩnh vực này, tiêu biểu phải kể đến mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gạo ruộng rươi tại 2 xã Ngũ Phúc, Kiến Quốc (Kiến Thụy), năng suất dự kiến đạt 40 tạ/ha. Giá trị sản xuất ước đạt 30-35 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được đạt 22-25 triệu đồng/ha.
Đáng chú ý, mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm giống lúa J02 tại 2 xã Hùng Tiến, Hiệp Hòa (Vĩnh Bảo), năng suất ước đạt 70-75 tạ/ha, dự kiến giá thu mua 8.000-9.000 đồng/kg. Giá trị sản xuất ước đạt 52-55 triệu đồng/ha, lợi nhuận mang lại ước đạt 30-35 triệu đồng/ha. Hay mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm giống nếp các loại tại xã Đoàn Xá (Kiến Thụy); Vinh Quang, Đồng Minh, Vĩnh Long (Vĩnh Bảo); Đốc Hậu (Tiên lãng)…, năng suất ước đạt 65-68 tạ/ha. Dự kiến giá thu mua 8.000-9.000đồng/kg. Giá trị sản xuất ước đạt 51-55 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được đạt 31-36 triệu đồng/ha.
Mô hình quy vùng tập trung
Vụ Đông Xuân 2021-2022, toàn thành phố triển khai 11 mô hình quy vùng tập trung với tổng diện tích 65 ha. Vùng tập trung áp dụng phương thức 3 cùng “cùng cánh đồng, cùng giống lúa, cùng phương thức canh tác”, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất để quản lý dịch hại tập trung tại các xã: Ngũ Đoan, Thanh Sơn, Thụy Hương (Kiến Thụy); xã Tiên Minh, Tiên Thắng, Kiến Kiến, Cấp Tiến (Tiên lãng)…
Nhờ đó, năng suất ước đạt 65-68 tạ/ha, giá trị sản xuất đạt 51-55 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu về đạt 30-35 triệu đồng/ha.
Nhờ có các mô hình trên mà năng suất lúa vụ Xuân 2022 trên địa bàn thành phố ước đạt trên 70,0 tạ/ha; sản lượng quy ra thóc ước đạt 196.732,0 tấn.
Năng suất các loại rau màu vụ Đông năm 2021 đạt 215,89 tạ/ha, tăng 1,7 tạ/ha so với vụ Đông năm 2020. Bước sang vụ Xuân năm 2022, diện tích gieo trồng rau màu của thành phố đạt 8.026,4 ha (tăng 2,09% so với vụ Xuân năm 2021).
Diện tích rau màu các loại tăng chủ yếu do sự chuyển đổi từ diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu. Sản lượng rau màu có mức tiêu thụ ổn định, giá bán cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Khánh Chi
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão