18:40 07/05/2017
Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc thịt lợn sau khi mua. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Qua thực tế triển khai Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn, cho thấy đa số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đăng ký tham gia hoặc đăng ký nhưng chưa cung cấp lợn, do chưa có thói quen sử dụng, tiếp cận thiết bị công nghệ thông tin hiện đại.
Đây là thông tin cho biết tại Hội nghị sơ kết bốn tháng triển khai Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn, do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 5/5.
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn cần có sự phối hợp, hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y của các tỉnh. Từ đó, mới có sự kết nối thông tin từ khâu chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc không bị gián đoạn.
Nhằm đảm bảo Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn được triển khai hiệu quả, ông Nguyễn Ngọc Hòa, kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có phương án thống nhất với các tỉnh áp dụng đồng bộ quy định đối với lợn đưa vào thị trường thành phố. Trong đó, các cơ quan liên quan như Cơ quan thú y, Ban An toàn thực phẩm, Ban quản lý chợ... không cho nhập lợn mảnh để kinh doanh nếu không có thông tin truy xuất nguồn gốc trên vòng nhận diện/vòng niêm phong xe để đưa vào thành phố.
Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, từ khi triển khai Đề án đến nay, đã có 1.131 cơ sở chăn nuôi đăng ký tham gia Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn, nhưng chỉ có 123 cơ sở thực hiện đeo vòng nhận diện khi bán lợn và 55 thương lái thực hiện đeo vòng nhận diện khi bán lợn. Còn tại cơ sở giết mổ, Sở Công Thương chỉ nhận được đăng ký của 25 đơn vị thuộc Thành phố Hồ Chí minh, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bình Dương.
Riêng lĩnh vực phân phối, bán lẻ, Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn đã được triển khai tại 777 điểm kinh doanh hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi); 146 gian hàng thuộc 23 chợ truyền thống; đồng thời mở rộng 44 cơ sở kinh doanh tại các tỉnh miền Đông-Tây Nam bộ.
Tại hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá cao những nỗ lực của các sở ngành trong việc triển khai Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn, mặc dù kết quả chưa đạt như kỳ vọng. Do đó, thời gian tới các sở ngành cần kiên trì thực hiện chủ trương của thành phố, triển khai đồng bộ Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn với kế hoạch và lộ trình cụ thể.
Ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn không chỉ hướng đến mục tiêu đảm bảo thực phẩm sạch vào thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và còn phục vụ người tiêu dùng cả nước, trong đó có hướng đến xuất khẩu. Vì vậy, bên cạnh Sở Công Thương và tổ công tác triển khai Đề án, Ban an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố cần sớm tham mưu cho Ủy ban Nhân dân những quy định tem truy xuất nguồn gốc, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo đúng quy định Nhà nước, tránh tình trạng lợn mảnh vào thị trường "né" sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
Thời gian tới, các sở ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội, đặc biệt là những đối tượng trực tiếp tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm thịt lợn.
Ngoài ra, nhiều giải pháp thiết thực như hỗ trợ 50% chi phí vòng nhận diện, cải tiến hình thức vòng nhận diện theo hướng tiện lợi dễ sử dụng và tiết kiệm cho người dân... cũng được tăng cường.
Theo TTXVN