21:42 19/05/2020 Với tinh thần quốc tế trong sáng, tình thương yêu nhân loại sâu sắc, khát khao cháy bỏng đưa người dân thoát khỏi lầm than, áp bức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng xây dựng tình đoàn kết quốc tế rộng lớn, hướng tới hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Đầu thế kỷ 20, khi người dân Việt Nam còn chìm đắm trong đêm dài nô lệ, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Được tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của người dân bị cai trị tại những nơi từng qua cũng như thấy rõ nguyên nhân của sự thất bại trong các cuộc đấu tranh nhằm thoát khỏi ách áp bức, Người nhận thức sâu sắc, chỉ có đoàn kết nhân dân trong nước và đoàn kết các lực lượng quốc tế mới tạo thành sức mạnh cách mạng.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, trên cương vị Chủ tịch nước, Người công bố chính sách đối ngoại rộng mở: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ”, trên nguyên tắc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau; không xâm phạm và can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, quan hệ bình đẳng, cùng hợp tác.
Nhân dân Ba Lan nồng nhiệt đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 7/1957. (Ảnh tư liệu)
Vì hòa bình, phát triển đất nước và lợi ích nhân loại, đầu năm 1946, Người gửi đơn xin gia nhập LHQ, viết thư đến các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc và nhiều nước thành viên khác “tha thiết yêu cầu các ngài công nhận nền độc lập và nhận chúng tôi vào Hội đồng LHQ”. Người nhấn mạnh: Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước trên thế giới, kể cả các nước không cùng chế độ xã hội. Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, sẵn sàng mở rộng cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế, chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của LHQ. Người chủ động, linh hoạt đề ra chính sách “mở cửa” để Việt Nam hội nhập quốc tế, quan hệ hữu nghị, hợp tác, chung sống hòa bình, giúp đỡ nhau trong thế giới: “Bốn phương vô sản đều là anh em”.
Người khởi xướng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào - Campuchia, đoàn kết ba nước trên bán đảo Đông Dương trong chiến hào chống kẻ thù chung. Đồng thời, Người kêu gọi phong trào giải phóng dân tộc, dân chủ, yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới ủng hộ sự nghiệp đấu tranh của dân tộc. Đồng cảm khát khao hòa bình của Người, cả nhân loại tiến bộ đứng về Việt Nam, kể cả nhân dân Pháp và Mỹ, kề vai, sát cánh, đoàn kết với nhân dân Việt Nam trên trận tuyến đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng đất nước.
Bè bạn khắp năm châu khâm phục và đánh giá cao về Người: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người toàn diện nhất”, “nhân vật vĩ đại, cao quý, vẹn toàn và đáng kính nhất”, “Người thuộc về các bạn, nhưng cũng thuộc về chúng tôi”. Cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchyov từng viết: “Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, tôi đã biết rất nhiều người, nhưng không có ai gây được ở tôi một ấn tượng đặc biệt như Hồ Chí Minh”. Tổ chức UNESCO nhận xét: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
Chiến sĩ hoà bình quốc tế thế kỷ 20, Cố Chủ tịch danh dự của Hội đồng Hòa bình thế giới - Romesh Chandra, khẳng định: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh, bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình công lý, ở đó có Hồ Chí Minh, bất cứ ở đâu nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”.
Tổng thống Nga V.Putin đã nhận định: “Giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh luôn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai… Lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân”.
Trần Hoàng tổng hợp