15:05 14/02/2022 Ngày 10-2, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức 2 cuộc hội thảo khoa học cấp Bộ với chủ đề: “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật bảo đảm TTATGT đường bộ” và “Phương hướng hoàn thiện pháp luật bảo đảm TTATGT đường bộ”. Đã có 66 báo cáo tham luận được gửi đến 2 hội thảo, đề cập đến nhiều nội dung quan trọng mà hội thảo đặt ra. Chuyên đề An ninh Hải Phòng trân trọng trích giới thiệu dưới đây một số ý kiến trình bày tại hội thảo…
Các đại biểu tham dự hội thảo
Trung tướng, TS Đỗ Lê Chi – Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Bộ Công an kiêm Viện trưởng Viện chiến lược CAND phát biểu tại hội thảo
* Trung tướng, TS Đỗ Lê Chi – Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Bộ Công an kiêm Viện trưởng Viện chiến lược CAND (chủ trì hội thảo): Trong năm 2022, Chính phủ tiếp tục ưu tiên, chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là đối với các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó giao thông đường bộ và bảo đảm TTATGT là những nội dung trọng tâm.
2 Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về công tác bảo đảm TTATGT đường bộ” và “Phương hướng hoàn thiện pháp luật bảo đảm TTATGT đường bộ” được tổ chức nhằm làm rõ luận cứ, luận chứng khoa học để góp phần hoàn thiện pháp luật bảo đảm TTATGT đường bộ, hướng tới xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn.
* Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – an ninh của Quốc hội: Hiện nay, Quốc hội đang tiến hành nghiên cứu, chuẩn bị cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cùng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Có ý kiến băn khoăn về việc cùng xây dựng hai luật có nhiều nội dung giống nhau, sẽ gây khó khăn, không hiệu quả trong thực tế triển khai. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhất trí cao với việc xây dựng riêng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, từ đó có thể giải quyết được những diễn biến phức tạp về TTATGT như đã nêu trên.
Có thể thấy rõ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là quan trọng bởi trên hầu hết các tuyến đường, khi có sự hiện diện của lực lượng Cảnh sát giao thông thì hiện tượng ùn tắc được giải quyết hiệu quả; Cảnh sát giao thông là một trong những lực lượng không có ngày nghỉ, nhất là trong dịp lễ, Tết để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn; đồng thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật kể cả phương tiện, người điều khiển.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ban hành được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đề cao văn hóa giao thông; trong đó trước hết là văn hóa của người tham gia giao thông, văn hóa ứng xử tình huống và trách nhiệm, sự minh bạch của lực lượng thực thi pháp luật, nhất là lực lượng Cảnh sát giao thông…
Chúng tôi tin tưởng rằng, với chủ trương đúng đắn và quyết sách mạnh mẽ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự thống nhất của các Bộ, Ban, ngành, địa phương và sự ủng hộ của Nhân dân về xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ song song với Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sẽ tạo đột phá về TTATGT, đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ góp phần giữ bình yên, hạnh phúc của Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta trong giai đoạn mới.
* PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn – Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống (INS) – Đại học Quốc gia Hà Nội: Thực tế hiện nay nhiều vấn đề mới liên quan đến bảo đảm TTATGT cần được điều chỉnh, bổ sung, làm rõ trong Luật nhưng Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa đề cập hoặc nếu để chung vào lĩnh vực quản lý đường bộ cũng không đề cập, bao quát hết được nội dung bảo đảm TTATGT cả về chủ thể, đối tượng, chức năng, nhiệm vụ quản lý, dẫn đến chồng chéo, bỏ trống, không rõ ràng, không cụ thể...
Chúng tôi cho rằng, việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với sự điều chỉnh các nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông, tách bạch với hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý vận tải đường bộ là xu hướng xây dựng pháp luật hiện đại.
* PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng – Viện trưởng Viện Báo chí (Học viện Báo chí& Tuyên truyền): Chúng tôi đồng tình với việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 ra thành các luật chuyên ngành, chuyên sâu, ở đây là tách thành 2 luật: Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Điều quan trọng nhất của việc tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ sẽ tạo thuận lợi cho việc phân công, phân cấp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước với cả ba lĩnh vực: an toàn giao thông – kết cấu hạ tầng giao thông – vận tải đường bộ.
* Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI: Tôi đồng tình với việc phải tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 2 luật: Luật Giao thông đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bởi lẽ Luật Giao thông đường bộ hiện hành còn thiếu một số vấn đề cần thiết phải được bổ sung như các vấn đề an ninh, trật tự giao thông; việc chỉ huy, điều khiển, giải quyết ùn tắc trên các tuyến giao thông; việc giải quyết tai nạn giao thông; việc cưỡng chế chấp hành pháp luật về TTATGT.
* PGS.TS Ngô Huy Cương – Trưởng Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội): Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các dự kiến, cũng như các Dự thảo sửa đổi đạo luật này thiếu hụt rất lớn và chủ yếu về mặt lý luận (là sự phân biệt giữa luật công và luật tư), cho nên không xác định được đúng đắn về phạm vi điều chỉnh của từng đạo luật, gây mâu thuẫn, chồng chéo và nhiều lỗ hổng lớn. Như vậy mục tiêu an toàn, hiệu quả và điều hòa của giao thông đường bộ không đạt được.
Giải pháp căn bản là tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 ra thành hai đạo luật riêng biệt: một cho trật tự, an toàn giao thông đường bộ, và một cho cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, tuy nhiên phải lược hết các qui định luật tư về kinh doanh vận tải đường bộ trả về cho các đạo luật tư, đồng thời phải bổ sung thêm nhiều qui định để khỏa lấp phần lớn các lỗ hổng trong các dự luật.
Các dự luật cần xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chủ yếu thi hành đạo luật cơ sở hạ tầng về giao thông là Bộ Giao thông vận tải, và cơ quan chịu trách nhiệm chủ yếu thi hành đạo luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là Bộ Công an.
THẾ KHOA