“Hoàng đế Tiền Lê” - Vở chèo đầu tiên về Hoàng đế Lê Đại Hành

08:50 05/09/2020

Cho đến nay, “Hoàng đế Tiền Lê” là vở diễn đầu tiên xây dựng hình tượng Hoàng đế Lê Đại Hành trên sân khấu chèo. Đây là món quà ý nghĩa của ngành Văn hóa thể thao Hải Phòng cùng ê-kip đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Chèo Hải Phòng kỷ niệm 1089 ngày sinh của Hoàng đế, chào mừng 75 ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Với việc khắc họa hình tượng của Hoàng đế Lê Đại Hành trong một chiến trận lịch sử, vở diễn đã thể hiện thành công hình ảnh một vị tướng trận oai hùng với đầy đủ phẩm chất, tài năng của một vị chỉ huy “văn võ song toàn”.

Các diễn viên Đoàn chèo Hải Phòng diễn tập vở “Hoàng đế Tiền Lê”

Vở chèo “Hoàng đế Tiền Lê” được thực hiện bởi tác giả Vũ Huy Thành, đạo diễn NSND Giang Mạnh Hà, nhạc sĩ NSND Hạnh Nhân, các diễn viên nghệ sĩ Đoàn Chèo Hải Phòng cùng ê-kip sáng tạo đầy kinh nghiệm và nhiệt huyết trong, ngoài thành phố.

Vở chèo ca ngợi nhân vật kiệt xuất trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, người đã khai mở triều đại Tiền Lê.

Đó chính là Lê Đại Hành Hoàng Đế, một minh quân có tầm nhìn về chiến lược, giỏi cả về quân sự, kinh tế, giao thương, mang lại lợi ích to lớn trong thực tế và cho sự phát triển lâu dài của dân tộc.

Vở chèo đã cô đọng những sự kiện nổi bật, những công lao to lớn của Lê Đại Hành Hoàng Đế và sự đóng góp thiết thực của nhân dân ta nói chung, nhân dân Thủy Đường nói riêng (thuộc Hải Phòng ngày nay) đối với trận chiến thắng trên sông Bạch Đằng lần thứ hai năm 981, phá tan giặc Tống xâm lược.

Từ một Thập đạo tướng quân, được nhân dân tôn sùng, triều thần tin cậy, được Thái hậu Dương Vân Nga trao long bào, trao quyền trị vì giang sơn. Hoàng đế đã nhanh chóng phá Tống, bình Chiêm, trấn hưng đất nước.

Hoàng đế nhìn nhận con người một cách tinh tường, minh bạch trắng đen; giết tướng Phạm Hạp vì tội phản loạn, tôn phong em trai ông ta là Phạm Cự Lượng, người có trung, có dũng, có tâm làm Đại tướng quân.

Sau khi quét sạch ngoại xâm, Hoàng đế cho đào kênh lớn từ Thanh Hóa đến Nghệ An, mà tới nay vẫn gọi là kênh Nhà Lê. Dòng kênh này có giá trị lớn về kinh tế, quân sự, nông nghiệp, giao thương….

Hoàng đế rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp. Ông đã đích thân xuống cày ruộng cùng nhân dân trong ngày hội xuống đồng ở Đọi Sơn, trở thành lễ hội Tịch điền truyền đến ngày nay. 

Kết thúc vở diễn là bối cảnh ngày hội xuống đồng vào mùa xuân tại Đọi Sơn. Hoàng đế xuống ruộng mở đường cày khai hội. 

Đây là một hình ảnh rất đẹp của một quân vương, là tấm gương sáng mãi muôn đời trong truyền thống tốt đẹp yêu lao động của nhân dân.

Tác giả, Trưởng Đoàn chèo Vũ Huy Thành chia sẻ: Sau khi nhận nhiệm vụ xây dựng vở chèo về Hoàng đế Lê Đại Hành chúng tôi đã khẩn trương bắt tay vào thực hiện ngay từ khâu chuẩn bị kịch bản, đến dàn dựng. Trong quá trình làm việc, anh em nghệ sĩ, diễn viên đã rất nhiệt tình, với một điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng tất cả đồng lòng nỗ lực khắc phục để luyện tập, bảo đảm chất lượng vở diễn nhưng vẫn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Vở chèo thuộc Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng năm 2020, là tác phẩm ra mắt chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, sẽ được Đài truyền hình Hải Phòng phát sóng vào cuối tháng 9. Với tinh thần đó, thì ngay trong ngày nghỉ lễ Quốc khánh anh em nghệ sĩ diễn viên vẫn hăng say tập luyện. Giờ vở chèo đang được ê-kip thực hiện ở giai đoạn khớp nối, kết hợp giữa đạo diễn, âm nhạc và thiết kế mỹ thuật để làm sao hoàn thiện chương trình  sớm nhất, có thể tổng duyệt đúng theo kế hoạch đề ra, kịp thời phát sóng trên truyền hình với chất lượng tốt nhất.

Theo tác giả Vũ Huy Thành, các tình tiết trong câu chuyện đều là sự thật lịch sử, Hoàng đế Lê Đại Hành là nhân vật chính, nên việc dàn dựng rất khó khăn: làm sao để kịch phải có cốt truyện, có xung đột trên sân khấu, có thắt và mở nút và để nhân vật xuất hiện với thời lượng dài suốt gần 120 phút trên sân khấu; động tác, ngôn ngữ của vị tướng ra sao để phù hợp với nhân vật thật; làm sao để vị tướng hát chèo mà vẫn ngọt, được người nghe chấp nhận, rồi đưa hình ảnh phu nhân ông là Thái hậu Dương Văn Nga lên sân khấu thế nào? Mọi điều tưởng chừng khó khăn nhưng bằng những hiểu biết sâu sắc về nhân vật với sự trân trọng, tôn kính vị tướng tài ba, ê-kip thực hiện đã tạo ra thành công của vở diễn.

Với tác giả Vũ Huy Thành, đây cũng là một tác phẩm mà ông viết với tất cả sự cẩn trọng và lòng kính yêu “vị tướng huyền thoại”. Ông đọc hàng ngàn trang tài liệu nói về chiến thắng Bạch Đằng giang, để làm chất liệu kịch bản.

Giữa ngồn ngộn tư liệu ấy, tác giả Vũ Huy Thành đã lựa chọn vai trò của Hoàng đế Lê Đại Hành trong quyết định có tính bước ngoặt của lịch sử, để làm bật lên tư tưởng nhân văn của vị tướng, vị Hoàng đế tài ba của lịch sử dân tộc

Tác giả, chỉ đạo nghệ thuật, Trưởng đoàn Vũ Huy Thành và đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà nhất trí dàn dựng vở theo phong cách ước lệ của sân khấu chèo truyền thống.

Bước qua được những khó khăn của sân khấu chèo khi khắc họa hình tượng của Hoàng đế Lê Đại Hành,  bằng một góc nhìn riêng, với sự diễn đạt nhuần nhuyễn giữa không gian, thời gian, “Hoàng đế Tiền Lê” đã thuyết phục được người xem, khi đưa đến một cái nhìn gần gũi, như một sự “giải mật” về một sự kiện lịch sử ở một nhân vật lịch sử.

Hoàng đế Lê Đại Hành đã hiện ra trên sân khấu, một cách bình dị, tự nhiên và đi vào lòng người, bằng sự nhân văn cao cả thấm đẫm trong tư tưởng của mình.

Được chọn thể hiện vai Hoàng đế Lê Đại Hành, NSƯT Văn Mởn chia sẻ: "Khi được ban lãnh đạo Đoàn chèo tin tưởng giao vai Hoàng đế Lê Đại Hành, tôi thấy rất vinh dự, tự hào, trách nhiệm lớn. Cùng với ê-kip, đạo diễn, đồng nghiệp, sau một thời gian tập luyện thì chúng tôi đang tiếp tục phấn đấu để thể hiện tốt nhất hình tượng nhân vật Hoàng đế Lê Đại Hành - một vị vua rất gần gũi với nhân dân và ngài là một tướng tài cầm quân đánh giặc, có tầm nhìn lớn.Cùng với đó là hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa sâu sắc về mảnh đất và con người Hải Phòng". Khi thể hiện vai diễn anh đã phải tìm hiểu thêm qua các tài liệu lịch sử để có những hiểu biết thật đúng, khi diễn phải toát lên được khí chất, hình tượng của vua Lê Đại Hành.

Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Trần Thị Hoàng Mai chia sẻ: Sau thành công của việc xây dựng hình tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nữ tướng Lê Chân trên sân khấu chèo, những người thực hiện Đề án Sân khấu Truyền hình có ý định tiếp tục xây dựng hình tượng một số vị tướng khác. Nhiều nhân vật được gợi ý, nhưng ekip thực hiện quyết định lựa chọn xây dựng hình tượng Hoàng đế Lê Đại Hành - vị tướng, vị Hoàng đế tài ba mà cá nhân chị và toàn thể nhân dân vô cùng trân quý, cho dù sẽ gặp rất nhiều thách thức, bởi đây là sự kiện lịch sử lớn lao, đặc biệt nhân vật chính là nhân vật có sức nặng lịch sử. Bà mong muốn, "Hoàng đế Tiền Lê" sẽ đem đến cho khán giả không chỉ niềm tự hào khi được sống lại thời khắc hào hùng trong quá khứ, mà còn hiểu thêm về thiên tài quân sự của Hoàng đế Lê Đại Hành trong chiến trận trên dòng Bạch Đằng giang lịch sử khi tái hiện lại một giai đoạn quan trọng của cả dân tộc.

Trong thời lượng của vở diễn sân khấu, chúng tôi khó có thể lột tả được toàn bộ những đóng góp, công lao to lớn của Hoàng đế Lê Đại Hành nhưng hi vọng thông qua vở diễn này, nhân dân thành phố sẽ hiểu thêm về lịch sử và những cống hiến vĩ đại của Hoàng đế Lê Đại Hành nói riêng và của các thế hệ cha ông nói chung đối với công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Từ đó, thế hệ trẻ ngày hôm nay sẽ yêu thêm mảnh đất ta đang sống và sống có trách nhiệm hơn với những gì ta đang có- Bà Trần Thị Hoàng Mai chia sẻ.

 Xuân Hạ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông