Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam! (Kỳ 3): Đập tan mưu đồ của các thế lực thù địch

10:07 17/09/2019

Việc Trung Quốc nhiều lần vi phạm trên biển Đông nói chung và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam nói riêng, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp phản đối và quan ngại của các nước là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Người dân Hải Phòng với Triển lãm tư liệu “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”

Cần phải thấy rằng, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là luôn tìm mọi cách hàn gắn những bất đồng, củng cố mối đoàn kết hữu nghị quốc tế, tập trung phát triển đất nước và cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên lập trường của Đảng và Nhà nước cũng hết sức kiên quyết, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích quốc gia.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần và liên tục khẳng định “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Trên thực tế, ở trong nước cũng như ngoài nước, lập trường của Việt Nam hết sức rõ ràng, kiên định, những thông tin chính thống liên quan đến chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn được công khai đến với người dân. Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất có lẽ là hoạt động tuyên truyền thường xuyên thông qua các cuộc Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

Đây là hoạt động góp phần giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân Việt Nam trong việc tham gia bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tại Hải Phòng, một trong 28 địa phương giáp biển của cả nước, có hai huyện đảo là Cát Hải và Bạch Long Vỹ, Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” đã được thực hiện nhiều lần. Với nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ được trưng bày, Triển lãm đã đem đến cho người xem một tập hợp các nguồn tư liệu cởi mở của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế.

Trong đó có cả những tài liệu do chính phía Trung Quốc xuất bản, đáng chú ý như 4 cuốn Atlas do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc phát hành gồm: Trung Quốc địa đồ năm 1908, Trung Quốc toàn đồ 1917, Trung Hoa bưu chính dư đồ 1919 và Trung Hoa bưu chính dư đồ 1933. Các Atlas này được lập chi tiết về đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc, nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện.

Cương giới cực nam của Trung Quốc trong các Atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, mà không hề nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này chứng tỏ rằng cho đến khi các Atlas này được phát hành, thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử” mà phía Trung Quốc vẫn thường tuyên bố.

Có thể nói, ở Hải Phòng hiếm có triển lãm tư liệu nào lại có được không khí như các cuộc Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Với tình yêu và trách nhiệm đối với Tổ quốc, mọi tầng lớp nhân dân của Hải Phòng luôn thể hiện cảm xúc sâu lắng trước những hiện vật, trang tư liệu hay một bức ảnh ghi lại hồn thiêng chủ quyền đất nước.

Những gì được thấy tại Triển lãm thực sự đã nói lên nỗi niềm mỗi người dân Việt, dù có cách nhìn nhận khác nhau, nhưng âu cũng là để đi đến thống nhất một chân lý: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, để toàn dân tộc đoàn kết lại bảo vệ cho được chân lý ấy.

Trở lại với tình hình biển Đông liên quan đến hoạt động vi phạm của Trung Quốc thời gian gần đây, Việt Nam đã nhiều lần và liên tục đề nghị phía Trung Quốc với tư cách là quốc gia lớn ở khu vực và thế giới, thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc.

Đồng thời các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.

Tiếc rằng, giữa lúc Đảng và Nhà nước không ngừng nỗ lực thực hiện các đối sách chiến lược, nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Giữa lúc hàng nghìn cán bộ chiến sỹ ở các tuyến tiền tiêu trên biển luôn đề cao cảnh giác, không ngại hy sinh gian khổ; hàng vạn ngư dân đang bám biển, bám đảo, góp phần gìn giữ lợi ích dân tộc; hàng triệu con tim luôn hướng về biển Đông với tinh thần và trách nhiệm cao cả. Thì vẫn còn một bộ phận những kẻ dù mang trong mình dòng máu Việt, lại quần tụ thành thế lực thù địch, luôn xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo ra những thông tin giả mạo, làm nhiễu loạn tình hình.

Hơn lúc nào hết, mỗi người dân chân chính của nước Việt, cần đặt niềm tin vào chủ trương đúng đắn, chính đáng của Đảng và Nhà nước, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đập tan âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch. Chỉ có như vậy sức mạnh dân tộc mới được khơi dậy, đảm bảo đủ thực lực tự chủ, để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.  

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông