21:14 07/08/2021 Đại dịch Covid-19 đã và đang khiến hoạt động nghệ thuật biểu diễn của các đoàn nghệ thuật buộc phải “co” lại. Song, thay vì “án binh bất động” trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, nhiều đơn vị nghệ thuật thực hiện đẩy mạnh áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động.
“Cứu cánh” nhờ ứng dụng công nghệ
Được triển khai từ cuối năm 2019 và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2021, với 24 chương trình, vở diễn được tổ chức sản xuất, biểu diễn, ghi hình phát sóng, livestream, đề án “Sân khấu truyền hình Hải Phòng” là một trong những “cứu cánh” cho nhiều nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật trong khoảng thời gian sân khấu khủng hoảng vì Covid-19.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, sau 1 năm triển khai đề án, các đơn vị nghệ thuật của địa phương đã thực hiện 12 vở diễn được tập trung đầu tư cao cả về quy mô và chất lượng dàn dựng. Các vở diễn cũng rất đa dạng. Về đề tài lịch sử có các vở: “Khai sáng An Biên”, “Đức Vương Ngô Quyền”, “Hoàng Đế Tiền Lê”, “Hào khí Bạch Đằng Giang”, “Lời Sấm truyền từ quán Trung Tân”. Khai thác tích truyện, mang yếu tố huyền thoại có “Một truyền tích Hoa Phương”. Đề tài chiến tranh cách mạng có “Di sản mùa xuân”. Ngoài ra còn có nhiều vở diễn mang đậm hơi thở của cuộc sống đương đại như: “Phong tỏa”, “Người trong mắt bão”, “Thành phố mặt trời lên”, “Giấc mơ ếch xanh”, “Tôi và chúng ta”.
Trước khi phát sóng, các chương trình, vở diễn đều đã được phát trailer trước 7 ngày trên các kênh sóng vào các khung giờ khác nhau liên tục, nhiều lần để quảng cáo, giới thiệu về tác phẩm với nội dung và hình thức thể hiện phong phú. Ngoài việc tổ chức phát sóng trực tiếp, livestream, các tác phẩm sân khấu còn được phát lại nhiều lần trên tất cả các kênh của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng.
Thống kê sơ bộ cho thấy đã có 15.000 người xem trực tiếp qua livestream. Mỗi chương trình có trên 10.000 lượt xem. Có gần 300 lượt khán giả chia sẻ chương trình trên trang cá nhân và có từ 1.000 đến 2.000 lượt like cho mỗi chương trình, vở diễn. Đáng chú ý, lượt chia sẻ và số like liên tục tăng dần ở các chương trình về sau. Tất nhiên, với các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ tham gia chương trình thì hoạt động này đặt ra nhiều thách thức hơn, đặc biệt là trong các chương trình truyền hình trực tiếp.
Truyền hình trực tiếp tạo điểm nhấn, tính chuyên nghiệp và sự lan tỏa cho chương trình, vở diễn, thu hút sự chú ý và hứng thú hơn với người xem so với các chương trình ghi hình phát lại và tiết kiệm chi phí sản xuất. Nhưng hoạt động này cũng đòi hỏi việc luyện tập, biểu diễn của các diễn viên phải bài bản, công phu, chỉn chu và đặt ra cho diễn viên và cả êkíp hậu trường những thách thức, động lực để rèn luyện bản lĩnh, nâng cao trình độ diễn xuất, cập nhật ứng dụng khoa học công nghệ hơn.
Thực tế, sân khấu truyền hình đang tạo nhiều cơ hội để nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo và tạo động lực để các nghệ sĩ, diễn viễn thể hiện niềm đam mê, rèn luyện, nâng cao kỹ năng diễn xuất, cống hiến cho nghệ thuật, cho công chúng trong bối cảnh dịch bệnh do Covid-19.
Biến “nguy” thành “cơ”, nỗ lực thích ứng để tiếp tục phát triển
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch”, các đơn vị văn hóa – nghệ thuật thành phố Hải Phòng vẫn không ngừng nỗ lực phấn đấu, năng động, nhạy bén nắm bắt tình hình, xu hướng vận động nhằm đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với tình hình hiện tại.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết, các nhà hát, đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tại Hải Phòng đầu tư dàn dựng các chương trình, vở diễn chất lượng cao, tập trung nội dung về con người, vùng đất Cảng. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ đề án Sân khấu truyền hình của Hải Phòng, được đầu tư dàn dựng trong năm 2021.
Điều đặc biệt là các chương trình, vở diễn này được ghi hình, phát sóng hoặc livestream phục vụ khán giả, qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, nhất là trong điều kiện bệnh dịch do Covid-19 còn phức tạp như hiện nay.
Các chương trình, vở diễn đa dạng cả về nội dung và hình thức thể hiện. Có 4 vở diễn về lịch sử và danh nhân tại Hải Phòng. Trong đó, một vở nhạc kịch ca ngợi nữ tướng Lê Chân. Vở chèo “Ngôi sao của sóng” ca ngợi thuật dùng người của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và ca ngợi Đệ nhất đô soái thủy quân-Yết Kiêu, người có công lớn trong chống giặc Nguyên Mông vào thế kỷ XIII.
Vở chèo “Vùng sáng Dương Kinh” ca ngợi vương triều Mạc với sự nghiệp canh tân đất nước; những đóng góp của nhà Mạc về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, sử dụng nhân tài, phát triển kinh tế, quân sự và nhất là trong việc xây dựng Thăng Long. Vở chèo “Tuyết Giang Phu Tử” ca ngợi Nguyễn Bỉnh Khiêm, một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn trong lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam thế kỷ 16.
Về mảng đề chiến tranh cách mạng có 3 chương trình, vở diễn, bao gồm: Chương trình ca nhạc đặc biệt về Bác Hồ với thành phố Hải Phòng, thể hiện những ca khúc về Bác và chùm ca khúc đặt hàng sáng tác nhân kỷ niệm 70 năm lần đầu Bác về thăm Hải Phòng; 2 vở Kịch nói ca ngợi tấm gương anh dũng của Anh hùng liệt sĩ Phạm Ngọc Đa và Anh hùng liệt sĩ Đặng Kim Nở.
Những sự tích, huyền thoại, truyền thuyết nổi tiếng về Hải Phòng tiếp tục là mảnh đất màu mỡ cho nghệ thuật múa rối. Trong đó, vở múa rối “Lời thề” quảng bá về lễ hội Minh Thề, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia độc đáo, có sự kết hợp giữa tín ngưỡng với giáo dục đạo lý, nhân cách con người.
Vở múa rối “Huyền thoại Cát Bà” tôn vinh Cát Bà, vịnh biển nằm trong Top vịnh biển đẹp nhất thế giới. Cũng trong năm 2021, dự kiến, khán giả còn có dịp thưởng thức “Đêm nhạc Đoàn Chuẩn”, chương trình “Ngàn năm Đại Việt” về Đường Hồ Chí Minh trên biển và vở kịch nói “Lời thề thứ 9” (kịch bản: tác giả Lưu Quang Vũ).
Ứng dụng công nghệ 4.0 và các nền tảng kỹ thuật số để tạo nên các sản phẩm nghệ thuật đặc sắc trên sóng truyền hình để phục vụ quần chúng nhân dân và đóng góp công sức nhỏ bé cùng thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid–19, đó cũng là hướng đi đúng đắn, hiệu quả, thể hiện sự nhanh nhạy của đội ngũ lãnh đạo; sự nhiệt huyết với công việc của các đoàn nghệ thuật thành phố. Dẫu có phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng thời gian vừa qua, nhờ ứng dụng công nghệ 4.0 và các nền tảng kỹ thuật số, các đơn vị đã phát huy, khai thác triệt để thế mạnh của mình để đưa hoạt động nghệ thuật tới gần khán giả hơn.
Nhìn vào thực tế hoạt động mới thấy hết sự nỗ lực, phấn đấu của các đơn vị hoạt động văn hóa – nghệ thuật. Thiết nghĩ, để con đường nỗ lực, phấn đấu ấy bớt đi phần nào sự chênh vênh, đơn độc; các cấp, ban, ngành cần có sự quan tâm, động viên thiết thực hơn nữa, nhất là đối với lực lượng lao động đang kiên trì, bền bỉ hoạt động trong các lĩnh vực này.
Vũ Duyên
14:29 23/11/2024