14:43 29/10/2021 Nghệ thuật biểu diễn là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch. Trong bối cảnh nhiều đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ không thể ra mắt công chúng những tác phẩm nghệ thuật theo cách thức truyền thống, việc tổ chức các chương trình nghệ thuật online đã tạo ra hiệu ứng “vắc xin tinh thần”, làm phong phú đời sống tinh thần, dịu bớt căng thẳng tâm lý của người dân. Các nghệ sĩ, diễn viên trong các đoàn nghệ thuật thành phố đang tích cực, nỗ lực thích ứng để phát huy đóng góp vào kết quả chung đó của cả nước.
Phát sóng ghi hình đưa nghệ thuật đến gần công chúng
Thời gian qua, không chỉ các chương trình nghệ thuật nằm trong Đề án sân khấu truyền hình Hải Phòng của 5 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, mà các chương trình nghệ thuật chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 của Trung tâm Văn hóa thành phố tổ chức hay các MV ca nhạc phòng, chống dịch của các nhạc sĩ thuộc Hội Âm nhạc Hải Phòng… liên tục ra mắt công chúng.
Đáng chú ý, tất cả chương trình nghệ thuật biểu diễn đều được ghi hình, phát sóng trên các kênh truyền hình thành phố để phục vụ công chúng.
Bên cạnh đó, các đoàn nghệ thuật tiếp tục tận dụng nền tảng kỹ thuật số để mang tác phẩm nghệ thuật tới công chúng. Nếu trước đây, các kênh facebook của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp hầu như “nguội lạnh” thì nay “nóng hổi” thông tin các vở diễn mới, tạo sự tương tác mạnh mẽ giữa các nghệ sĩ và công chúng, khiến người xem hào hứng đón chờ thưởng thức các tác phẩm mới.
Trong sự thay đổi tích cực đó, facebook “Đoàn Chèo Hải Phòng” liên tục giới thiệu vở diễn “Vùng sáng Dương Kinh” ra mắt công chúng vào tối 25-9. Hay facebook “Đoàn Ca Múa Hải Phòng” đăng dày đặc thông tin về tiến trình thực hiện và giới thiệu trọn vẹn vở nhạc kịch “Huyền thoại Nữ tướng Lê Chân”; Đoàn Kịch nói Hải Phòng cũng ra mắt công chúng vở diễn “Mặt trời quê hương” …trên facebook của đoàn.
Vì thế, số lượng người thích trang facebook của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tăng lên đáng kể khi công chúng có thêm các kênh online thưởng thức nghệ thuật.
Theo Trưởng Đoàn kịch nói Hải Phòng Phùng Lệ Thu cho biết, thành phố quan tâm đầu tư, tạo điều kiện để các nghệ sĩ có “đất diễn” trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên, không đơn thuần như biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu có người xem như trước, các nghệ sĩ tìm hướng đi mới bằng các kênh sóng truyền hình và mạng xã hội để thích ứng xu hướng mới, góp phần nâng cao, cổ vũ đời sống tinh thần người dân thành phố vượt qua những ngày dịch bệnh.
Bên cạnh đó, trong hoạt động tập luyện, các nghệ sĩ phải chủ động chuyển hình thức tập luyện trực tiếp sang hình thức online. Kết quả của những nỗ lực ấy là các vở diễn đón nhận phản hồi tích cực từ công chúng.
Đổi mới cách tiếp cận để thích ứng với đại dịch
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, “Số hóa” nghệ thuật biểu diễn khiến các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của thành phố gặp không ít khó khăn.
Theo nhạc sĩ Chu Tâm Huy, Trưởng Đoàn Ca Múa Hải Phòng cho biết, lần đầu các nghệ sĩ, diễn viên của đoàn biểu diễn chương trình nhạc kịch lớn như “Huyền thoại Nữ tướng Lê Chân”.
Yêu cầu đặt ra phải truyền tải tới người xem hình ảnh về vị phúc thần tiêu biểu của thành phố cũng như bảo đảm chất lượng nghệ thuật của chương trình. Vì vậy, đòi hỏi quá trình dàn dựng công phu, tỉ mỉ trên sân khấu và tổ chức ghi hình, phát sóng thay vì phát sóng trực tiếp để tránh sự cố.
Đối với hơn chục ca khúc thuộc vở nhạc kịch này đều phải tổ chức thu thanh trước để các ca sĩ, diễn viên tập trung diễn xuất, bảo đảm chất lượng phát sóng.
Theo Trưởng Đoàn Cải lương Hải Phòng Vũ Gia Thùy, đối với vở diễn “Ngàn năm Đại Việt” vừa ra mắt công chúng vừa qua, khi tập diễn, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các nghệ sĩ phải tập đơn lẻ, sau đó mới khớp tổng thể vở diễn. Khó nhất là việc đạo diễn ở Hà Nội vì giãn cách xã hội, không thể về Hải Phòng, cả ê kíp làm việc online, nên các nghệ sĩ phải cố gắng hơn nhiều so với điều kiện tập luyện bình thường.
Điều đáng chú ý, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn đều bị hạn chế tương tác với người xem, thiếu vắng không khí sôi động vốn dĩ phải có tại các sân khấu thực thụ. NSƯT Thanh Bình, Đoàn Chèo Hải Phòng cho rằng, không khí ấy được cộng hưởng bởi sân khấu, dàn nhạc, nghệ sĩ và công chúng.
Các diễn viên khó thăng hoa vì thiếu sự tương tác từ cảm xúc của người xem. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, các nghệ sĩ, diễn viên thành phố được biểu diễn, được sống với nghề đã là điều đáng quý.
Đến nay, Hải Phòng được đánh giá là một trong những địa phương chủ động bắt nhịp dòng chảy hoạt động nghệ thuật biểu diễn cả nước thích ứng bối cảnh dịch bệnh.
Tuy nhiên, các nghệ sĩ, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đến ngành Văn hóa cần tiếp tục đổi mới tư duy, cách tiếp cận các giải pháp mới trong biểu diễn để có nhiều chương trình, vở diễn đặc sắc, tiêu biểu giới thiệu đến công chúng thành phố và cả nước giá trị, vẻ đẹp của người và đất Hải Phòng, không chỉ hiện tại mà cả giai đoạn “bình thường mới” sắp tới.
Có thể nói, việc đổi mới cách tiếp cận trong hoạt động văn hóa nghệ thuật thành phố thời gian qua đã phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật biểu diễn bằng hình thức truyển tải mới đầy sáng tạo, kịp thời ứng phó với thách thức trước đại dịch Covid-19.
Đây chính là bước cụ thể hóa chủ trương của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc triển khai các hoạt động theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
VŨ DUYÊN
14:29 23/11/2024