Học sinh cấp 1 nghiên cứu thành công đề tài tận dụng nguồn nước thải khu chung cư

09:32 26/11/2018

Bằng niềm đam mê đặc biệt dành cho nghiên cứu khoa học, mới đây, nhóm các em học sinh khối lớp 4 và lớp 5 của trường Tiểu học Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền) gồm: Nguyễn Trần Thành, Nguyễn Quỳnh Anh, Hoàng Ngọc Quỳnh Anh, Nguyễn Trung Hiếu, Vũ Đình Phong, đã đạt giải Ba tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng Hải Phòng năm 2018 với đề tài “Chế tạo hệ thống thủy điện tận dụng nguồn nước thải khu chung cư cao tầng”.

Thầy Đỗ Mạnh Tuyền và nhóm các em học sinh trường tiểu học Lê Hồng Phong đạt giải tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng Hải Phòng năm 2018

Đề tài này ra không chỉ bám sát thực tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường - đó là nhận xét của thầy giáo Đỗ Mạnh Tuyền, Bí thư Chi đoàn trường Tiểu học Lê Hồng Phong, người trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ các em học sinh thực hiện đề tài nghiên cứu. Thầy Tuyền cho biết: Đa số các em hiện nay đều đang sinh sống tại các khu chung cư trên địa bàn phường Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền. Hàng ngày đến nhà nhau chơi, quan sát thấy tại đây có nguồn nước thải khá lớn và đều đặn, vẫn ngày đêm đổ xuống hệ thống thoát nước của thành phố, tạo nên một sự lãng phí lớn dưới quan điểm về nguồn năng lượng tái tạo.

Qua tìm hiểu, quan sát thực tế, các cô cậu học trò đã cùng nảy ra một ý tưởng rằng: liệu có thể tận dụng nguồn nước thải từ các tòa nhà cao tầng kia, biến năng lượng của dòng chảy đó thành nguồn điện phục vụ chính những cư dân ở đây hay không? Không chỉ dừng lại ở suy nghĩ, ngay sau đó, các em đã mạnh dạn trình bày ý tưởng của mình và được các thầy cô giáo trong nhà trường hết lòng ủng hộ, tạo điều kiện hỗ trợ và giúp đỡ.

Ý tưởng được thai nghén từ những ngày đầu của năm học 2017-2018, thế nhưng chỉ đến khi bắt đầu kỳ nghỉ hè, nhóm của Nguyễn Trần Thành mới có thời gian để dốc hết sức tập trung nghiên cứu, chế tạo. Các em miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu lý thuyết các vấn đề liên quan đến nhà máy thủy điện; nghiên cứu thống kê các số liệu về nước thải chung cư cao tầng và phân tích đánh giá năng lượng.

Ngoài ra, để chế tạo mô hình này các em học sinh cũng sử dụng: Ống nhựa, máy bơm nước, máy phát điện, sắt, bánh xe và bóng đèn. Đây đều là những vật liệu có sẵn và được tái chế nên rất thân thiện với môi trường.

Em Nguyễn Trần Thành, học sinh lớp 4 trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Trưởng nhóm chia sẻ: Theo mô hình nhà máy thủy điện tận dụng nguồn nước thải chung cư cao tầng mà nhóm chúng em đề xuất, nguồn nước thải từ các hộ dân sẽ được thu gom và dẫn qua cụm tua bin nhằm biến năng lượng của dòng chảy thành cơ năng trên trục tua bin. Trục tua bin được kết nối với một máy phát điện để chuyển đổi cơ năng thành điện năng. Từ đó, nguồn điện này có thể tận dụng để phát sáng các bóng đèn ở nơi công cộng: bóng đèn cao áp, bóng đèn ở hành lang, bóng đèn ở nhà xe…

Từ đó tiết kiệm được các chi phí và giảm áp lực về kinh tế cho các gia đình ở khu chung cư. “Thực hiện đề tài này, chúng em chỉ mong muốn góp một chút công sức nhỏ bé của mình vào công việc bảo vệ môi trường, đem lại một môi trường trong lành cho cuộc sống, giúp giảm bớt chi phí cho việc khắc phục ô nhiễm môi trường.” - em Thành vui vẻ cho biết.

Mong rằng, những sản phẩm sáng tạo của các em học sinh sẽ tiếp tục được nâng cấp, có thể áp dụng rộng rãi vào cuộc sống để môi trường sống được cải thiện tốt hơn trong tương lai.

Thu Ninh

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông