19:07 04/06/2020 Với quy định mới này, Sở Giáo dục và Đào tạo nhằm ngăn ngừa tình trạng học sinh nội thành “hy sinh” 1 năm học ở trường tốp dưới, sau đó chuyển trở lại các trường tốp đầu bằng “mối quan hệ” mà những năm gần đây xuất hiện khá nhiều, chiếm đa số các trường hợp chuyển trường ở các trường THPT công lập…
Nộp hồ sơ thi vào các trường THPT khu vực nội thành
“Lách luật”, dễ phát sinh tiêu cực
Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập là 1 trong 2 kỳ thi chuyển cấp quan trọng, thường được coi là kỳ thi “vượt vũ môn” của học sinh nếu đặt mục tiêu vào các trường tốp đầu của thành phố với điểm chuẩn luôn ở mức trên dưới 50 điểm. Với việc tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế sẽ phân loại chỉ còn khoảng 2/3 số học sinh lớp 9 được vào các trường THPT công lập, trong số này chỉ có học sinh thực sự giỏi với điểm thi đa số là 9 - 10 điểm mới có cơ hội được bước chân và trường THPT chuyên Trần Phú, THPT Ngô Quyền, THPT Thái Phiên, THPT Trần Nguyên Hãn, THPT Lê Hồng Phong, THPT Kiến An…
Kỳ thi khó như vậy, chỉ chênh nhau “không phẩy mấy” điểm thôi mà đã kẻ đỗ, người trượt, do vậy học sinh và gia đình các em phải lựa chọn hết sức nghiêm túc xem trường nào phù hợp với nguyện vọng, song phải vừa sức để đăng ký thi cho các em. Nếu đã lựa chọn kỹ càng mà thí sinh vẫn không đỗ được vào trường đúng như nguyện vọng, hoặc không đỗ vào trường THPT công lập, gia đình và học sinh có thể đăng ký cho các em vào các trường THPT ngoài công lập, hoặc học nghề…
Trong khi đó, một số trường hợp “lách luật” để vào các trường tốp đầu không tốn mảy may công sức nào. Cô giáo K., dạy ở một trường THPT khu vực ven đô, cho biết, năm nào cũng phải có vài trường hợp từ trường này chuyển đi về các trường THPT trong nội thành. Trường hợp do gia đình chuyển nhà, có nhu cầu thực sự cho con chuyển trường theo gia đình thì ít. Đa số các trường hợp “đi đường vòng” để vào trường tốt.
Theo cô K., điểm chuẩn của các trường tốp đầu luôn ở mức trên dưới 50 điểm, khó mà thi đỗ luôn từ đầu. Các gia đình nghĩ ra chuyện đăng ký cho con thi vào trường tốp 2, thậm chí tốp cuối, với điểm chuẩn chỉ khoảng hơn 20 điểm. Khi con họ đỗ rồi, sẽ hy sinh năm đầu học ở trường đó, rồi năm sau nghĩ cách trở lại các trường THPT công lập nội thành với lý do “chuyển về học cho gần nhà”…
Việc chuyển trường cho học sinh bắt buộc phải qua nhiều khâu: từ Sở đồng ý, rồi trường chuyển đi, chuyển đến cũng phải đồng ý mới có thể chuyển được. Nhưng nhiều khâu đến mấy thì không ít bố mẹ “giỏi” đã chuyển được cho con quay một vòng về trường tốt mà không tốn công thi cử.
Đỗ vào trường THPT Ngô Quyền là niềm mơ ước của không ít học sinh lớp 9
Siết chặt quy định chuyển trường của học sinh THPT công lập
Theo NGƯT.PGS.TS Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở sẽ kiên quyết lấp “lỗ hổng” này trong quản lý chất lượng học sinh THPT. “Nếu cứ để tình trạng này tái diễn, sẽ có nguy cơ các trường tốp đầu bị quá tải, có những lớp sỹ số vượt quá mức quy định. Hơn nữa, cũng có thể dẫn đến phát sinh những tiêu cực kiểu “xin-cho”, rồi học sinh yếu kém lọt vào những trường chất lượng cao làm ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của các lớp…”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhận định. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng dành thời gian để chuyển đổi theo quy định mới này, sẽ triển khai từ năm học tới.
Chiều 2-6, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản gửi tới các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố, chỉ đạo áp dụng quy định mới về việc chuyển trường, cũng như tiếp nhận học sinh bậc THPT. Cụ thể, từ năm học 2020-2021 học sinh đã trúng tuyển lớp 10 THPT hệ công lập phải học hết cấp tại trường đã trúng tuyển. Trường hợp học sinh có sự thay đổi về hoàn cảnh (chuyển nơi cư trú theo cha mẹ hoặc người giám hộ) và điều kiện trong quá trình học tập phải chuyển trường thì phải tuân thủ với điều kiện học sinh đó phải học ổn định tại trường đã trúng tuyển ít nhất 1 năm. Ngoài điều kiện trên, các trường tiếp nhận học sinh chuyển đến đảm bảo còn chỉ tiêu theo số chỉ tiêu được giao khi tuyển sinh. Đáng chú ý, điểm đầu vào của học sinh chuyển trường phải bằng hoặc lớn hơn điểm chuẩn của trường sẽ chuyển đến.
Trước sự đổi mới này, hầu hết các trường từ bậc THCS đến THPT đều đồng tình ủng hộ và đánh giá cao hành động quyết liệt của Sở Giáo dục và Đào tạo. Theo các giáo viên THPT, với quy định mới, học sinh mà có điểm đầu vào quá thấp sẽ không thể chuyển về những trường tốp đầu khu vực nội thành như: Trần Phú, Ngô Quyền, Thái Phiên… để học. Với cách siết chặt này, các thầy cô giáo tin tưởng chất lượng đầu vào của các trường THPT công lập sẽ khá đồng đều, sĩ số ổn định, tránh quá tải; đồng thời sẽ phân khúc được chất lượng học sinh và tạo cơ hội cho khối trường ngoài công lập có thêm nguồn chất lượng học sinh cao hơn…
Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2020-2021 tại Hải Phòng sẽ diễn ra từ ngày 16 đến ngày 17-7. Ba môn thi bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, thi trong ngày 16 và 17-7, thi vào THPT Chuyên Trần Phú trong ngày 19, 20-7. Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2020-2021 lùi đúng 1,5 tháng so với lịch thi dự kiến, đồng thời giảm số môn thi từ 4 môn xuống còn 3 môn. Đây là năm thứ tư chỉ lấy điểm thi để xét tuyển vào lớp 10 công lập, không tính điểm rèn luyện và học tập của học sinh ở bậc THCS.
HẢI HẬU
21:17 22/11/2024