Học sinh vào đại học giảm mạnh - Cơ hội cho trường nghề?

    15:16 15/07/2020

    Trong khi các trường Đại học gặp khó trước nguy cơ tuyển sinh không đủ chỉ tiêu thì số lượng học sinh được phân luồng ngày càng tăng sẽ vào trường nghề hay đi về đâu. Năm nay, tỷ lệ học sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) tiếp tục giảm, cho thấy một mùa tuyển sinh ĐH, CĐ lại đến…

    Giáo dục STEM đóng vai trò quan trọng trong khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, chọn nghề

    Chỉ tiêu tăng, số đăng ký xét tuyển giảm

    Theo thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo, trong số 900.152 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT (trong đó có 51.712 thí sinh tự do, chiếm 5,74%), chỉ có 643.122 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ, chiếm 71,45%, giảm 9.878 thí sinh so với năm 2019. Tổng số lượng nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ là 2.490.171; trong đó, nguyện vọng 1 là 640.637, nguyện vọng 2 là 519.449, nguyện vọng 3 là 408.519, nguyện vọng 4 là 293.587, nguyện vọng 5 là 212.560 và nguyện vọng còn lại là 415.419.

    Trong khi đó, thông tin từ Bộ Giáo dục và đào tạo, năm 2020, tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học tăng thêm khoảng 10% so với năm 2019, khoảng trên 500.000 chỉ tiêu. Các trường ở top trên có mức độ cạnh tranh cao thì số chỉ tiêu tuyển sinh chiếm chưa đến 10%. Vì vậy nếu có kết quả thi tốt thì cơ hội vào đại học của các thí sinh rất rộng mở.

    Theo thống kê của Bộ GD-ĐT năm 2019, số thí sinh đăng kí dự thi 887.104; Số thí sinh thi chỉ xét tốt nghiệp THPT 223.976. Số thí sinh đăng ký xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm (tỷ lệ 73,62% số đăng kí dự thi) là 653.128. Toàn hệ thống giáo dục đại học năm 2019 có 529.754 chỉ tiêu, tỷ lệ nhập học là 411.603 đạt 77,70%. Tuy nhiên, chỉ có 49,86% số trường đạt chỉ tiêu tuyển sinh trên 70%; 66,20% số trường đạt trên 50% chỉ tiêu.

    Phía Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho rằng, việc tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ giảm (năm 2019, tỷ lệ này là 74,01%; năm 2018 là 74,37%) là xu hướng tích cực, thể hiện việc phân luồng chúng ta làm ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, Hiệu trưởng một số nhà trường cho rằng, việc phân luồng nên bắt đầu ngay trong quá trình học tập, hoặc sớm hơn là từ ngay sau khi học sinh tốt nghiệp THCS. Bởi, ngày 28-5-2020, Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị số 24, cho phép đào tạo cao đẳng đối với học sinh tốt nghiệp THCS. Như vậy, chỉ cần 3-4 năm học, học sinh đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng, còn nếu, sau khi tốt nghiệp THPT mới quay lại học cao đẳng, thì phải mất 5-6 năm học mới có bằng tốt nghiệp cao đẳng, rõ ràng là chênh nhau đến 2 năm học, gây lãng phí thời gian, tiền bạc…

    Nhiều người cho rằng, cần phân luồng học sinh sớm, ngay từ bậc THCS

    Gian nan tự chủ đại học

    Trong những năm vừa qua, số lượng học sinh học hết bậc trung học phổ thông nhập học vào các trường đại học liên tục giảm. Trong khi đó, số lượng cơ sở giáo dục đại học (không tính cao đẳng) tăng 1,7 lần trong vòng 11 năm nhưng tổng số giảng viên, viên chức chỉ tăng 1,5 lần. Dự báo, với tình hình tỷ lệ sinh thấp, lượng người nhập học vào các đại học Việt Nam sẽ tiếp tục giảm mạnh bởi ngoài việc tỷ lệ sinh các năm tương ứng của 18 năm về trước thấp còn có nhiều lý do khác như: việc giới trẻ chậm lập gia đình, chậm có con và không muốn có nhiều con, do giới trẻ di cư ra nước ngoài tìm việc làm, do gia đình khá giả hơn và trẻ con được cha mẹ gửi đi học nước ngoài chứ không chọn học trong nước...

    Tại Hải Phòng, không nằm ngoài xu hướng chung của các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước, những năm gần đây, các trường trên địa bàn cũng đối mặt với nguy cơ giảm số lượng đăng ký tuyển sinh. Tại một trường Đại học, số lượng đăng ký tuyển sinh giảm không phanh, nhà trường nhanh chóng chuyển hướng sang đào tạo nhiều cấp nhưng cũng không tránh khỏi lao đao về kinh tế. Ở một trường Đại học khác, số lượng tuyển sinh giảm khiến nhà trường “chững” lại trước mục tiêu lớn mạnh, phát triển các khoa, ngành…

    Ở một số nhóm ngành, như: Kinh tế, Tài chính, Anh ngữ, Y tế… vẫn duy trì được số lượng đơn đăng ký dự thi đông. Đối với những nhóm ngành đông này, chất lượng đầu vào của sinh viên không bị giảm sút. Trong khi đó, một số nhóm ngành không “hot” sẽ phải nhận số thí sinh chạm mức sàn của điểm đầu vào nhà trường, việc nâng cao chất lượng đào tạo những nhóm ngành này cũng sẽ gian nan hơn.

    Ở mặt khác, một số trường Cao đẳng tại Hải Phòng vẫn duy trì được thế mạnh trong mùa tuyển sinh với những nhóm ngành Du lịch, Hộ lý, Y tá, Y tế cộng đồng, Đông y… với những hứa hẹn về việc làm ngay sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường.

    Có thể thấy, việc giảm số lượng tuyển sinh và lộ trình tự chủ đang đặt các nhà trường vào sự lựa chọn sống còn để nhanh chóng nâng cao chất lượng đào tạo, kết nối sinh viên và thị trường việc làm và hơn khi nào hết chọn được đúng xu thế của thị trường việc làm để chọn mở rộng ngành nghề đào tạo.

    HẢI HẬU

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông