20:38 10/08/2020 Việt Nam và chính phủ nhiều nước đang nỗ lực tìm giải pháp giảm áp lực thi cử. Nhưng điều này chỉ thực hiện được khi nhận thức mỗi người thay đổi. Giảm áp lực là không thể khi hạnh phúc của mỗi gia đình đặt cược cả vào thành tích học tập, tên tuổi ngôi trường và những tờ giấy khen con mang về nhà.
Bộ Phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ vừa ra thông báo, Chính phủ nước này sẽ xóa bỏ toàn bộ hệ thống thi cử tại cấp học phổ thông kể từ năm 2021, vốn là vấn đề nhức nhối tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Đây được xem là một trong những yếu tố tiên quyết để Ấn Độ tiến tới một nền giáo dục hiện đại, bắt kịp những thay đổi của nền kinh tế. Các hình thức đánh giá khả năng của học sinh sau khi xóa bỏ các kỳ thi vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện.
Giới chức Ấn Độ cho biết, nhiều khả năng năng lực của học sinh sẽ được đánh giá theo cả quá trình thông qua việc học sinh thực hiện các đề tài, chủ đề học, hay qua các buổi thảo luận. Mục đích là để học sinh tăng tính sáng tạo, nhận thức việc học là lâu dài chứ không phải là học vẹt, học đối phó với các kỳ thi như hiện nay.
Phong trào “Kế hoạch nhỏ” giúp học sinh Việt Nam nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm, yêu lao động, có tinh thần tương thân, tương ái.
Nhật Bản cũng đang trong quá trình cải tổ lại kỳ thi tuyển sinh đại học - được biết đến với tên gọi Center Test - với mục tiêu chú trọng tư duy phản biện hơn việc học vẹt kiến thức vào năm 2020.
Triết lý Việt Nam có câu: Tiên học lễ - hậu học văn, đào tạo ra những công dân vừa tài vừa đức. Cùng với phát triển tư duy, sáng tạo và đẩy mạnh ứng dụng trong thực tiễn, nâng cao kỹ năng sống, nền giáo dục Nhật Bản luôn chú trọng giáo dục đạo đức cho các em học sinh, xem đạo đức là cốt lõi. Khác với nhiều nước, giáo dục đạo đức chủ yếu thông qua một môn học, Nhật Bản “trồng người” qua tất cả các môn cũng như trong sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, tính kỷ luật, tự giác, tự trọng của người Nhật Bản được thế giới đánh giá rất cao.
Năm 2013, khi thảm họa động đất và sóng thần xảy ra ở vùng Đông Bắc Nhật Bản, cả thế giới cảm phục hình ảnh những đoàn người bình tĩnh xếp hàng nhận đồ và di chuyển trong im lặng mà không náo loạn hay tranh giành. Đây là kết quả của sự chú trọng và đề cao giảng dạy đạo đức ở đất nước mặt trời mọc.
Ở Nhật Bản, học sinh không phải trải qua các kỳ thi cho tới năm lớp 4. Người Nhật quan niệm rằng 3 năm đầu là thời điểm để trẻ rèn luyện nhân cách, xây dựng và bồi đắp những đức tính tốt, hướng trẻ trở thành những người biết đối nhân xử thế, quan tâm tới những người xung quanh và cộng đồng.
Nước Mỹ lại có phương pháp giáo dục đặc biệt mà hiếm quốc gia nào có được. Nếu giáo viên cho điểm và nhận xét học sinh, thì học sinh cũng được nhận xét và đánh giá chất lượng giáo viên.
Người Mỹ cho rằng, nếu bó buộc học sinh vào những kiến thức khô cứng sẽ làm mất tính sáng tạo của trẻ, dẫn đến khó thích nghi với cuộc sống đang biến động hàng ngày trong tương lai. Các chương trình học tại các trường ở Mỹ rất giàu tính trải nghiệm, kích thích sự tìm tòi, khuyến khích trẻ đưa ra tất cả suy nghĩ xung quanh một câu hỏi. Tất nhiên, tất cả những suy nghĩ của các em đều được tôn trọng như nhau và chắc chắn sẽ không có ai bị chê cười hay phán xét vì đưa ra ý kiến “chẳng giống ai”.
Trong khi đó, tại Phần Lan, công bằng là một trong những điều quan trọng nhất mà nền giáo dục dành cho các em. Tất cả trẻ em ở Phần Lan dù thành thị hay nông thôn đều được hưởng một nền giáo dục như nhau. Ưu điểm của chế độ học tập ở Phần Lan là ươm trồng tinh thần hợp tác chứ không phải là tinh thần cạnh tranh trong thi cử và thành tích, để học sinh sau này bước vào xã hội với đầy đủ sự tự tin.
Tại Việt Nam, gần 900.000 thí sinh đã trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đối với nhiều em, tương lai sẽ phụ thuộc vào công sức và kết quả học tập. Tuy nhiên, để đến với thành công trong cuộc sống, còn rất nhiều con đường khác, nhưng không thể thiếu đạo đức, kỹ năng sống và kiến thức xã hội.
Trần Hoàng tổng hợp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão