15:25 24/07/2019 Trong những thời khắc quan trọng của sự nghiệp dân tộc, Bác Hồ luôn nhìn rõ sự cấp bách của việc trau dồi đạo đức xã hội, mà bất kể ai dù là cán bộ cao cấp, đảng viên hay quần chúng đều là thành phần của xã hội ấy. Theo Người, ý thức của mỗi con người nếu không giáo dục thường xuyên, sẽ có nảy nở những mặt xấu một cách “tràn lan như cỏ dại”.
Hình ảnh giản dị toát lên từ một vị lãnh tụ vĩ đại (Ảnh tư liệu)
Trên thực tế, quá trình sáng tạo của con người tạo cho xã hội nguồn tài sản gồm cả vật chất lẫn văn hóa tinh thần. Sự phân chia hưởng thụ đã làm phát sinh mâu thuẫn, dẫn đến sự chia rẽ, bóc lột lẫn nhau, mâu thuẫn vận động liên tục gây mất ổn định xã hội và làm hoen ố những giá trị đạo đức thuần khiết. Từ biểu hiện ấy, cái tư tưởng “cờ đến tay ai người đó phất” không được kiểm soát sẽ trở thành phổ biến.
Đơn cử như việc người dân chiếm đất công, lấn vỉa hè, lòng đường… thản nhiên vi phạm pháp luật, chính quyền cũng cho đó là sự mặc nhiên, và có khi lại làm lợi từ sự mặc nhiên ấy. Mọi sai phạm được giải nghĩa từ một lý do tưởng chừng rất nhân văn, rằng cũng chỉ để “mưu sinh”, nhưng bản chất kiểu “mưu sinh” đó chính là sự tham nhũng, trên những thứ không phải sở hữu của mình.
Điều đáng buồn hiện nay là, ở lĩnh vực nào cũng có người kêu pháp luật không nghiêm, nhưng ít ai chịu nhận rằng mình đâu có nghiêm với pháp luật? Người ta thường bất bình khi nói đến những tiêu cực của xã hội, của cán bộ công quyền… Nhưng mỗi lần nghe có ai nói đến “chạy việc”, điều đầu tiên được quan tâm là việc ấy có “màu mè” gì hay không, “màu mè” là gì nếu không phải từ hành vi trái pháp luật?
Mầm mống trong tư tưởng là như thế, ai cũng chỉ muốn lợi riêng cho mình, nên cái nghĩa “dân chủ” đã đánh mất trách nhiệm cộng đồng mà trở thành “tôi chủ”.
Vấn đề là xã hội do dân mà có, mà dân thời nào chẳng là dân, chính vì thế con người mới sinh ra Nhà nước để giao phó việc tổ chức trật tự cho xã hội. Ở xã hội ta, một số lượng lớn đảng viên được giữ những vị trí trọng yếu trong bộ máy Nhà nước, Bác Hồ luôn nhắc nhở rằng: “Cán bộ, đảng viên phải thường xuyên nâng cao đạo đức cách mạng, phải xứng đáng là công bộc, là người đầy tớ trung thành của nhân dân…”.
Người chỉ ra rằng: “Trái với nguyên tắc đó, Đảng và chính quyền sẽ trở thành đối lập với dân, đứng trên dân, trên pháp luật. Còn cán bộ sẽ trở thành những ông quan cách mạng, những kẻ vinh thân phì gia, vì quyền lợi ích kỷ của bản thân, gia đình, dòng họ…”
Nhìn vào thực tiễn hiện nay, biểu hiện “tự diễn biên, tự chuyển hóa” có nguy cơ xảy ra ở mọi lĩnh vực, hiện tượng tha hóa về hình thức rất dễ nhận thấy. Diễn biến ấy đang là mối nguy cơ làm mất cân bằng xã hội.
Bác Hồ với nông dân (Ảnh tư liệu)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, kể cả cấp cao chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng”.
Nguy cơ ở chỗ đó, nên các Nghị quyết TW4 khóa 11 và 12 mới xác định điều quan trọng nhất là: “Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”. Về vấn đề này, trong Di chúc Hồ Chủ tịch đã viết: “… Thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.
Nói cho dễ hiểu là phải chỉnh đốn Đảng. Vậy thì chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn chính quyền, từ đó để chỉnh đốn xã hội là việc không thể không làm, nắn hay chặn dòng chảy thì kinh nghiệm đều chọn từ nguồn. Nghĩa là chỉnh đốn thì không thể chỉ nói suông, mà phải đảm bảo được cái lẽ “phải” của người cán bộ và cái “ăn” của người dân. Nhưng chỉnh đốn tuyệt nhiên không phải sự thanh trừng, mà góp sự trong sạch của mỗi cá nhân thành dòng chảy sạch của nội bộ.
Sự nghiệp của Đảng cũng là sự nghiệp của toàn dân, sự thịnh suy của Đảng liên hệ trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ. Vì vậy thực hiện chỉnh đốn Đảng cần phải gắn chặt với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, điều đó chính là công cụ để chỉnh đốn hữu hiệu toàn Đảng, toàn dân giữa bối cảnh hiện nay.
Trong cuộc sống tự nhiên, có những cây mục ruỗng là tự đổ, nhưng có loài cây khi gốc mục ruỗng biết tự lao những chùm rễ phụ cắm xuống sẽ được trường tồn. Vốn dĩ ai sinh ra cũng có Tổ quốc, đó là đất nước, hiển nhiên là đất có tốt thì cây mới tươi, nước có trong sạch thì con người mới khỏe. Để lựa chọn, ai chẳng muốn mình trường tồn, thì “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trước hết phải chiến đấu với những kẻ thù đang tồn tại trong chính mình cái đã.
Điều quan trọng là học và làm theo gương Bác để tự sửa mình, không có nghĩa là thực hiện một tổng hợp chuẩn mực, mà chính từ những việc cụ thể thường ngày. Bởi lẽ Hồ Chí Minh là nhà văn hóa, chuẩn mực của Bác là lẽ để làm người từ đạo lý dân tộc hun đúc tự ngàn năm, là thượng tôn pháp luật, hòa mình vào một cộng đồng thống nhất.
Hoàng Minh