Học và làm theo Bác để tự sửa mình (Kỳ 1): “Không chỉ viết chữ lên trán là được… yêu mến”.

10:36 23/07/2019

Trong điều kiện đất nước hội nhập, gió từ muôn phương ào ạt thổi vào, có cả gió lành và gió độc, không ít tác động tiêu cực làm lệch chuẩn đạo lý trong văn hóa Việt. Giữa bối cảnh ấy, các Nghị quyết TW4 (khóa 11 và 12) được coi là công cụ “chỉnh đốn” Đảng, thì các Chỉ thị 03 và 05 của Bộ Chính trị về học và làm theo Bác xứng đáng là công cụ để mỗi cán bộ, đảng viên "tự soi", "tự sửa", xua tan những cám dỗ, có nguy cơ tha hóa trên diện rộng…

Hình ảnh giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)

Trong hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khai sinh ngày 2-9-1945. Đó là thời điểm chúng ta sống giữa bốn bề là sài lang đế quốc, nạn đói vẫn đang hoành hành tàn tệ… Chỉ một tuần sau ngày tuyên ngôn độc lập, Hồ Chủ Tịch kêu gọi đồng bào hưởng ứng “Tuần lễ vàng”, ủng hộ cho Quỹ độc lập.

Lời hiệu triệu của Bác đã lan tỏa không ngờ, có người sốt sắng mang đến ủng hộ cả những kỷ vật thân thiết nhất như nhẫn cưới, của hồi môn, một cụ già tám mươi tuổi mang tới một gói lụa điều, bên trong là những nén vàng gia bảo nặng mười bảy lạng…”.

Tại sao vào thời điểm hoang tàn của khói lửa binh đao, trong điều kiện quá khó khăn của một nước còn chìm sâu dưới đói nghèo lạc hậu, mà lời kêu gọi của Người lại lại vang dội như vậy? Đó là điều mà có lẽ thời buổi này, giữa sự bùng nổ của công nghệ 4.0, nhiều người không giải thích nổi.

Nhưng đó là sự thật, được toát ra từ một lãnh tụ vĩ đại, một tình yêu nước thương nòi sâu sắc, một tư tưởng bậc thầy đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Vĩ đại hơn cả, sự thật ấy được hiện sinh bởi một trái tim hết đỗi bình thường, từ những việc làm hết sức bình thường,  nhưng trở thành tấm gương chói sáng mang tên Hồ Chí Minh.

Bác Hồ với nhân dân (Ảnh tư liệu)

Đó là khi Bác trăn trở: “Lúc chúng ta nâng bát cơm ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó để cứu dân nghèo”. Từ khi đề ra điều ước ấy, Bác nói là làm, những người từng giúp việc Bác kể lại, có lần Bác đi họp về muộn, nhà bếp để phần cơm nhưng Bác kiên quyết không ăn, vì hôm đó đúng bữa nhịn của Bác để góp vào “Hũ gạo tiết kiệm”.

Chuyện nhỏ mà đức lớn, cái nét thanh liêm hòa quyện trong nghĩa nhân văn đến thuần khiết, đã làm lên sự phi thường của đạo đức Hồ Chí Minh, làm rung động hàng triệu con tim Việt Nam.

 “Đầu năm 1950, sau thời gian chiến đấu trong vòng vây, Bác ra nước ngoài để liên hệ với phong trào cộng sản quốc tế, mở triển vọng mới cho kháng chiến. Lúc này đã bước sang tuổi 60, Bác hay yếu mệt, đồng chí Trần Đăng Ninh bày làm một chiếc cáng để Bác dùng khi đi đường, đây là một loại cáng đặc biệt, khi người khiêng cáng cần nghỉ thì vẫn không phải đặt cáng xuống.

Biết chuyện này, Bác hỏi đồng chí Ninh: “Nghe nói các chú đang làm cho mình một chiếc kiệu?”/ “Thưa Bác, chỉ là một chiếc cáng, đề phòng khi Bác mệt phải dùng tới…”/ “Tôi mệt thì các chú cũng mệt, nếu lại phải cáng tôi thì còn mệt biết mấy? Cứ chuẩn bị cho tôi một chiếc ba lô, đồ dùng của ai người ấy mang…”. Đó là câu chuyện về một vị Chủ tịch nước, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trong hồi ký “Chiến đầu trong vòng vây”.

Câu chuyện toát lên ý nghĩa lớn, bởi Người đã cống hiến trọn cuộc đời mình để cứu đất nước khỏi xiềng gông nô lệ, thì sao lại nỡ để những người đang phụng sự phải trở thành nô dịch của riêng mình. Mới thấy, tư tưởng đạo đức của Bác đâu có diệu vợi, mà từ những việc đơn giản như thế, sức thuyết phục mạnh mẽ của Bác Hồ chính là lời nói đi đôi với việc làm, dù việc lớn hay việc nhỏ.

Bác khảng khái nói rằng: “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ cộng sản mà được họ yêu mến… Mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước… Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý”.

Những ngày đầu độc lập, Bác và những thành viên Chính phủ cách mạng đã sống và làm việc hết mình vì dân vì nước nên người Việt Nam có được “Tuần lễ vàng” mãi khắc ghi trong lịch sử. Bác cũng từng tiên lượng: “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Mình trước hết phải siêng năng trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”. Bác khuyên mọi người sống trong sạch, không tham lam, không cậy quyền thế mà ăn của đút, đục khoét, và chính Bác luôn quang minh chính đại, để mọi người noi theo.

Đạo đức Hồ Chí Minh trước hết biểu hiện ở tấm lòng thương yêu con người, hết sức bao la, sâu sắc. Trong lịch sử dân tộc và trên thế giới, đã xuất hiện không ít những tấm gương như thế. Tuy nhiên ở Người, tình thương không phải lòng thương hại của một kẻ bề trên, cũng không phải nỗi niềm trắc ẩn của một người ngoài cuộc, mà hòa quyện vào dòng máu chung của nhân dân, vào chuẩn mực đạo lý được chắt lọc ngàn năm của văn hóa Việt.

                   Hoàng Minh (còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích