Học và làm theo Bác để tự sửa mình (Kỳ 2): Không lo gì thiếu cán bộ!

15:28 23/07/2019

Trong chuyến sang Pháp dự hội nghị Phông-ten-nơ-blô năm 1946, Bác có nhiều lần gặp gỡ các đoàn đại biểu Việt kiều tại Pháp. Hình ảnh vị lãnh tụ dung dị nhưng hiện thân cho cả sự nghiệp vĩ đại, đã đánh thức tinh thần dân tộc của những người con tha hương, mang theo niềm đau gần trăm năm mất nước.

Bác Hồ với bộ đội (Ảnh tư liệu)

Khi Bác trở về, nhiều người đã tình nguyện theo Bác, điển hình có thể kể đến Giáo sư- Viện sỹ Trần Đại Nghĩa. Ông tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13-9-1913, du học Pháp từ năm 1935, từng làm việc tại Viện nghiên cứu máy bay, xưởng chế tạo máy bay, Viện nghiên cứu vũ khí của cả Pháp và Đức.

Bỏ lại môi trường làm việc nhiều hứa hẹn ấy, nghe theo tiếng gọi của “hồn sông núi, khí giống nòi”, Phạm Quang Lễ theo Bác về tham gia xây dựng và cứu quốc, được Bác đặt tên mới là Trần Đại Nghĩa. Từ đó, tên tuổi ông chìm nổi cùng sự tồn vong của dân tộc, như một huyền thoại gắn liền với lịch sử QĐND Việt Nam.

Sau này, khi tham gia Chính phủ, Trần Đại Nghĩa được Bác chỉ định kiêm chức Thứ trưởng Bộ Công thương. Trong những góc khuất trắc ẩn của thời gian, nguồn gốc xuất thân nhạy cảm có quan hệ đến sự nghiệp của nhiều người. Bác thường động viên đồng chí Trần Đại Nghĩa: “Nếu vì những lý do nào đó mà cản trở công việc của chú, thì chú hãy báo cáo cho Bác biết”.

Cách ứng xử của Bác với đồng chí Trần Đại Nghĩa là một trong những ví dụ điển hình nhất mà Người đã thực hiện, trong việc thu hút nhân tài, sử dụng cán bộ. Chính vì tư tưởng ấy, ngay từ trước ngày thành lập Đảng 3-2-1930, khi còn là người của Quốc tế cộng sản, Bác đã trực tiếp lựa chọn và huấn luyện cán bộ cho Đảng.

Những người được Bác đào tạo, sau này đều trở thành những nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc, những đồng chí tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất đạo đức của Đảng. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Bác không ngần ngại mời những người từng phục vụ cho chế độ cũ tham gia Quốc hội, Chính phủ của nước Việt Nam mới.

Nhiều nhân sĩ trí thức yêu nước ngoài Đảng đã hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, như các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Thai Mai, Bùi Bằng Đoàn…

Bác nói: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng… Tài to ta dùng vào việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực vào việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta không lo gì thiếu cán bộ”.

Điều quan trọng, cái gốc của người cán bộ là tâm, là đức, nhưng không thể thiếu tài năng, trình độ, để xứng đáng trở thành “công bộc của dân...”. Người nói: “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nhà nước. Có đức không có tài, như ông Bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”.

Bác Hồ với công nhân (Ảnh tư liệu)

Trong đó, đạo đức thể hiện trong những hoạt động cụ thể, hành vi cụ thể hàng ngày, được thể hiện ở sự trong sáng, trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, biết hy sinh lợi ích cá nhân để hòa chung với lợi ích cộng đồng. Người đúc rút ra phương châm thâm thúy:  “Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn; chính trị là đức, chuyên môn là tài”

Người cán bộ cách mạng phải biết trăn trở trước cuộc sống nghèo khổ của quần chúng nhân dân và nguy cơ tụt hậu của đất nước. Bác nhắc nhở: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”/“Nói cái gì phải cho dân tin, làm thế nào cho dân tin”.

Có như vậy, các phong trào thi đua trong nhân dân mới phát huy được hiệu quả, bởi dân như lá cờ, cán bộ là chiếc cán. Nếu cán mà mục ruỗng chưa phất đã gãy, thì cờ sao mà bay được nữa, niềm tự hào dân tộc sao mà phần phật trong gió được nữa. Bác nói: “cán bộ nào, phong trào ấy” là như thế.

Nói đi đôi với làm là một nguyên tắc mà Bác đặc biệt chú ý nêu gương, Bác đã chỉ rõ: “Có những kẻ miệng thì nói phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng bị vật chất dỗ dành mà phạm vào tham ô, lãng phí, hại đến Tổ quốc, nhân dân”.

Theo Bác thì ai cũng cần phải “cần, kiệm, liêm, chính… biết chiến thắng chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, biết đặt lợi ích dân tộc, lợi ích tập thể lên trên hết, biết khiêm tốn, thật thà, biết đoàn kết, nhân ái…”. Nhưng đối với mỗi đối tượng cụ thể, Bác đều nêu những chuẩn mực rất rõ: “Nhân dân có quyền lợi làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân”.

Đối với đảng viên phải “hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”. Đối với quân đội phải “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc…”. Lực lượng an ninh CAND thì “Đối với tự mình, phải cần kiệm liêm chính/ Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ/ Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành/ Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép/ Đối với công việc, phải tận tụy/ Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”…

Bác chỉ ra rằng, “Đạo đức không phải từ trên trời rơi xuống, nó do rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà được củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Đạo đức không giống với pháp luật là cưỡng bức hành vi, mà theo Bác “Đạo đức chỉ có thể hình thành và phát triển trên tinh thần tự giác, tự nguyện, dựa vào lương tâm của mỗi người và dư luận quần chúng”.

Và Người đã tự đề ra cho mình chế độ học tập suốt đời, bản thân Người là tấm gương sáng, là hiện thân của nền đạo đức cách mạng, như ngọn đèn pha chiếu rọi con đường rèn luyện, phấn đấu để đạt đến giá trị đích thực của nhân cách Việt Nam.

             Hoàng Minh (còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông