15:36 21/12/2019 Tại hội nghị, Viện Khảo cổ học đã báo cáo kết quả khai quật tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng; các nhà khoa học, chuyên gia có chuyên môn sâu về lĩnh vực khảo cổ, lịch sử, di sản đã có những phát biểu, đánh giá, đề xuất liên quan đến kết quả khai quật tại bãi cọc...
Hội nghị “Báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên” tại Trung tâm hội nghị thành phố
Sáng 21-12, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Hội nghị “Báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên” đã chính thức diễn ra phiên báo cáo, thảo luận đánh giá của các nhà khoa học, chuyên gia, đại biểu Trung ương và địa phương. Tiến sỹ Nguyễn Gia Đối, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các giáo sư, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đầu ngành của Viện Khoa học xã hội Việt Nam: GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử - Khảo cổ - Dân tộc học, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Xưa và Nay, thành viên Hội đồng Di sản Văn hóa; đồng chí Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa; PGS.TS Bùi Văn Liêm, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cùng Nhóm cán bộ tham gia khai quật tại bãi cọc xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên; TS. Bùi Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học dưới nước, Viện Khảo cổ học; PGS.TS. Lê Thị Liên, Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước, Viện Khảo cổ học; PGS.TS Doãn Đình Lâm, Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam; các đồng chí Tổng Biên tập, Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam và phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Về phía lãnh đạo thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương hữu quan.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, có một dòng sông gắn liền với những chiến thắng vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm - sông Bạch Đằng. Sông Bạch Đằng đoạn chảy qua huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng là hợp lưu của nhiều nhánh sông, dài khoảng hơn 20 km, nối từ thượng lưu sông Đá Bạc đến cửa biển Nam Triệu. Trong thời kỳ phong kiến, sông Bạch Đằng luôn giữ vị trí trọng yếu về quân sự, giao thương đường thủy.
Trên dòng sông này, vào thế kỷ thứ X và thế kỷ thứ XIII, đã diễn ra 3 trận thủy chiến ác liệt nhất trong lịch sử cổ trung đại Việt Nam, mà chiến thắng vĩ đại đều thuộc về dân tộc ta. Năm 938, Đức Vương Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán bằng một trận chiến chỉ trong 1 ngày trên dòng sông Bạch Đằng, kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc, khẳng định độc lập chủ quyền của đất nước.
Năm 981, vua Lê Đại Hành đã chọn sông Bạch Đằng để tổ chức trận chiến mang tính quyết định, đánh bại quân xâm lược Tống, bảo vệ nền độc lập của quốc gia Đại Cồ Việt. Năm 1288, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã tổ chức một trận địa cọc hùng vĩ trên toàn bộ dòng sông Bạch Đằng, tiêu diệt đạo binh thuyền hùng mạnh của quân xâm lược Nguyên Mông, với gần 600 chiến thuyền, 40.000 quân, do Ô Mã Nhi chỉ huy, kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 của dân tộc ta.
Trong cả 3 trận chiến hào hùng đó, địa phận thuộc thành phố Hải Phòng ngày nay là một trong những địa bàn trọng yếu. Phía hữu ngạn sông Bạch Đằng thuộc huyện Thủy Nguyên ngày nay chính là nơi giăng đầy những trận địa cọc, là nơi đóng đại bản doanh của các vị chủ soái, là nơi tích trữ lương thảo, bày binh bố trận và là địa bàn chủ yếu diễn ra các trận đánh.
Trong 3 trận chiến đó, quân và dân Hải Phòng đã tham gia rất tích cực, đóng góp nhiều sức người, sức của, góp phần làm nên các chiến thắng vẻ vang trên dòng sông lịch sử. Điều trùng hợp rất đặc biệt là cả 3 chiến thắng đều gắn liền với một trận địa độc đáo – trận địa cọc gỗ.
Các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam đã về dự hội nghị
Trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam, các nhà khảo cổ cùng nhiều thế hệ lãnh đạo, người dân Hải Phòng đều rất mong muốn tìm thấy một phần của trận địa cọc năm xưa trên mảnh đất Hải Phòng.
Trên cơ sở phát hiện mới đây của người dân làng Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên về hai thân cây gỗ nằm trong lòng đất thuộc vùng đê bao sông Đá Bạc, UBND huyện Thủy Nguyên, Bảo tàng Hải Phòng đã xuống hiện trường khảo sát, kiểm tra, lấy mẫu cọc gửi Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) giám định niên đại. Theo các nhà sử học Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, xã Liên Khê xưa thuộc Tổng Trúc Động, huyện Thủy Đường (nay là huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) chính là một trong những nơi được Trần Hưng Đạo cho đóng cọc ngăn cửa sông, buộc địch phải chạy ra sông Bạch Đằng.
Ngày 16-10, theo đề nghị của Bảo tàng Hải Phòng và Phòng VH-TT huyện Thủy Nguyên, đoàn khảo sát do TS. Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học làm trưởng đoàn về khảo sát hiện trường nơi phát hiện cọc. Ngày 1 và 2-11, đoàn khảo sát do TS Nguyễn Gia Đối, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học làm trưởng đoàn xuống hiện trường khảo sát lần 2. Đợt khảo sát này phát hiện 9 đầu cọc. Kết quả giám định C14 cho niên đại 1270-1430 AD.
Dựa trên kết quả 2 lần khảo sát, ngày 15-11-2019, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hải Phòng có Văn bản số 2355/SVH&TT-BTHP đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật khảo cổ tại khu vực cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.
Ngày 22-11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 4137/QĐ-BVHTTDL cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật khảo cổ tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Ngày 27-11-2019, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật bãi cọc được phát hiện trên cánh đồng này.
Kết quả khai quật 950m2, với 3 hố khai quật phát hiện 27 cọc (H1 diện tích khai quật 280m2, phát hiện 17 cọc; H2 diện tích khai quật 198m2, phát hiện 2 cọc, và H3 diện tích khai quật 472m2, phát hiện 8 cọc). Trong quá trình khai quật, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiếp tục khảo sát các di tích, dòng sông cổ, bến cổ thuộc xã Liên Khê.
Trong quá trình khảo sát, nhân dân địa phương cung cấp thêm thông tin: cách đây khoảng 30 năm, khi canh tác trên cánh đồng Cao Quỳ (sát hố H1), gia đình ông Nguyễn Công Từ, bà Nguyễn Thị Chế thôn 3, làng Mai Động phát hiện 10 cọc gỗ; ông Trần Văn Do, thôn 7, làng Quỳ Khê phát hiện 3 cọc gỗ tại cánh đồng thôn vào những năm 70; tại đầu Núi Chẹo và Hang Trê, thôn 7, làng Qùy Khê người dân phát hiện 11 cọc gỗ… Số cọc tìm được có đường kính khoảng từ 35-50cm.
Ngoài việc khảo sát hệ thống cọc gỗ tại cánh đồng Cao Quỳ và cánh đồng làng Quỳ Khê, Bảo tàng Hải Phòng và Viện Khảo cổ còn nghiên cứu các di tích đền Thụ Khê, chùa Mai Động, chùa Thiểm Khê (thuộc xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên) đã được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1993, liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng lần thứ 3. Những di tích này còn ghi đậm dấu ấn vào năm 1288, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã về đây khảo sát trận địa, tập luyện binh mã cho trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288.
Kết quả khảo sát và khai quật khảo cổ trên địa bàn xã Liên Khê cho thấy: các cọc phân bố theo chiều Đông - Tây, đường kính từ 26 - 46cm, trên các cọc có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo. Các cọc phân bố không thẳng hàng và căn cứ vào kết giám định niên đại cho thấy, các cọc gỗ này có thể được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII. Bước đầu Viện Khảo cổ học nhận định, bãi cọc trên thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288), để ngăn chặn quân Nguyên Mông không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn, buộc đạo quân này đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng. Từ đó, rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của Trần Quốc Tuấn, nhấn chìm toàn bộ quân Nguyên Mông xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông với quốc gia Đại Việt.
Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá khoa học của Viện Khảo cổ học, Thường trực Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị “Báo cáo kết quả khai quật tại bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng” với mục đích: nghiên cứu các tư liệu, tài liệu lịch sử, khảo cổ học, địa lý, quân sự và khảo sát thực địa. Trên cơ sở đó, đưa ra những nhận định, đánh giá khoa học về giá trị, ý nghĩa, tầm quan trọng của bãi cọc được phát hiện trên cánh đồng Cao Quỳ trong 3 lần chiến thắng kẻ thù phương Bắc của quân và dân ta trên dòng sông Bạch Đằng. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của di sản; giáo dục truyền thống lịch sử. Đồng thời, kết nối di tích bãi cọc với những quần thể di tích lịch sử quan trọng khác có liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng, nhằm quảng bá và thu hút khách du lịch cho huyện Thủy Nguyên nói riêng, thành phố Hải Phòng nói chung.
Tại hội nghị, Viện Khảo cổ học báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng; các nhà khoa học, chuyên gia có chuyên môn sâu về lĩnh vực khảo cổ, lịch sử, di sản đã có những phát biểu, đánh giá, đề xuất liên quan đến kết quả khai quật tại bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.
Trên cơ sở các báo cáo và ý kiến của Viện Khảo cổ học, các nhà khoa học, các chuyên gia, thành phố Hải Phòng sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với Viện Khảo cổ học hoàn thiện các thủ tục để tổ chức công bố, thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin, truyền thông, trên các diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế về phát hiện và kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.
Đồng thời, chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao khẩn trương triển khai thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp thành phố; xúc tiến các thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc; tổ chức khảo sát tổng thể trên phạm vi rộng từ khu vực xã Liên Khê dọc theo sông Đá Bạc đến Khu Di tích Bạch Đằng Giang, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên để lập quy hoạch và xây dựng Dự án hạ tầng kỹ thuật, nhằm khai thác, phát huy giá trị của bãi cọc Cao Quỳ cùng các di tích trong khu vực. Trong đó, yêu cầu bảo đảm về đường giao thông, hệ thống cây xanh, công viên, bãi đỗ xe, khu vực tham quan, tìm hiểu bãi cọc cùng các công trình hạ tầng phục vụ người dân, du khách đồng bộ, liên hoàn, hiện đại.
Báo An ninh Hải Phòng sẽ tiếp tục thông tin chi tiết về các ý kiến tham luận của Cục Di sản (Bộ Văn hóa); Đảng bộ, Chính quyền thành phố Hải Phòng; các nhà khoa học, chuyên gia có chuyên môn sâu về lĩnh vực khảo cổ, lịch sử, di sản tại hội nghị.
HẢI HẬU
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024