14:09 11/08/2022 Sáng 11-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. Cùng dự có các đồng chí Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Lê Văn Thành; lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và hơn 1200 hiệp hội doanh nghiệp; doanh nghiệp trên địa bàn toàn quốc.
Tại đầu cầu Hải Phòng có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo các ngành thành phố và hơn 20 doanh nghiệp lớn…
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: tính đến 31-12-2021, cả nước có 857.551 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 16,7% so với bình quân giai đoạn 2017-2020. 7 tháng năm 2022, có hơn 130.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Thị trường, đặc biệt là thị trường nội địa của các doanh nghiệp trong một số ngành phục hồi trên 75-85% so với thời điểm trước dịch bệnh COVID-19. Doanh thu, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh; niềm tin đầu tư kinh doanh tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực. Tuy nhiên, xét về tổng thể, doanh nghiệp Việt Nam còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng. Trong khi đó, doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới ở cả trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, Bộ KHĐT đề xuất một số quan điểm và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới. Cụ thể, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu; nêu cao tinh thần đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp; tập trung triển khai ngay các giải pháp nhằm tháo gỡ những vấn đề cấp bách của doanh nghiệp để khơi thông những điểm nghẽn, tạo đà phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Bộ KHĐT đề xuất khẩn trương rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để khơi thông nguồn lực cho đầu tư SXKD; tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước; tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn…
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới…
Tại hội nghị, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc trước sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ; hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn và đang có sự phục hồi, phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức về thể chế, cải cách hành chính và đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, đặc biệt là sửa đổi Luật Đất đai; xây dựng chính sách thuế, ưu đãi đầu tư, lao động, thị trường phù hợp; giảm chi phí, nhất là chi phí vận tải, giảm lãi suất ngân hàng…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với những khó khăn, mất mát, thậm chí là hy sinh của cộng đồng doanh nghiệp trong hơn 2 năm phòng chống dịch bệnh COVID-19. Thủ tướng cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong lúc khó khăn, thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Thủ tướng chúc mừng cộng đồng doanh nghiệp luôn biết biến nguy thành cơ, tìm ra giải pháp khắc phục khó khăn thách thức để đi lên. Nhờ vậy, cộng đồng doanh nghiệp có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Năm 2021, mặc dù rất khó khăn, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng GDP hơn 2%; 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%; riêng quý 2 tăng 7,72%. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được quan tâm và nâng cao; giữ được ổn định chính trị, TTATXH; phát triển quan hệ ngoại giao vì mục tiêu hoà bình, hợp tác và phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu của Việt Nam là xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ nhưng tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng; phát triển đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh, phát triển bền vững, đủ sức chống chọi với những cú sốc từ bên ngoài.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp; hoàn thiện thể chế, chính sách; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương tiếp tục lắng nghe, giải quyết, tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; phát triển doanh nghiệp đúng hướng, lành mạnh, bền vững.
Về phía hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa ý chí tự lực tự cường, chủ động tìm hiểu, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, đổi mới mô hình kinh doanh thích ứng với các biến động khách quan, hướng tới kinh doanh sáng tạo, kinh doanh xanh và bền vững; tái cấu trúc doanh nghiệp tạo chuẩn giá trị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng KHCN, hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp; tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia, chương trình phục hồi phát triển KTXH, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ và bền vững…
Sau hội nghị, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025./.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024