Hội nhập quốc tế - Cần hơn tính chủ động

10:30 15/11/2019

Kể từ khi được chính thức ký kết tại Hà Nội vào tháng 6-2019 vừa qua, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) đang được hai bên hoàn tất những thủ tục cần thiết, trình cơ quan lập pháp của Việt Nam và EU thông qua. Sự kiện này mở ra một chương mới cho hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Hệ thống cảng Hải Phòng sẽ phát huy vai trò đầu mối trong tiến trình hội nhập

Kỳ 1-Cơ hội kép trước thềm 2020

Từ tháng 10-2010, sau khi hoàn tất các thủ tục mang tính kỹ thuật, Chính phủ Việt Nam và EU tuyên bố khởi động đàm phán chính thức EVFTA Theo những thỏa thuận ban đầu, EVFTA là một hiệp định có chất lượng toàn diện, cân bằng về lợi ích cho cả hai phía và phù hợp với các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Các nội dung chính bao gồm: thương mại hàng hóa; quy tắc xuất xứ; Hải quan và thuận lợi hóa thương mại; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; hàng rào kỹ thuật trong thương mại; thương mại dịch vụ; đầu tư; phòng vệ thương mại; cạnh tranh…

Tuy nhiên, sau khi đạt được những kết quả nêu trên, nhưng do phát sinh một số vấn đề liên quan thẩm quyền phê chuẩn, EU đề nghị tách nội dung bảo hộ đầu tư thành một hiệp định riêng biệt. Theo đó, Việt Nam và EU chính thức thống nhất việc tách thành hai hiệp định, gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Và như đã nói ở trên, vào 30-6-2019 tại hà Nội, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các  Hiệp định chính thức được ký kết. Theo các chuyên gia phân tích, điều quan trọng là, mặc dù EU là thị trường xuất khẩu lớn, nhưng thực tế thị phần hàng hóa của Việt Nam còn rất khiêm tốn.

Vì vậy, các Hiệp định sẽ khiến hàng hóa Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh về giá, nhất là những sản phẩm truyền thống chủ lực đang chịu thuế suất cao. Ở chiều ngược lại, nguồn nguyên vật liệu, công nghệ, thiết bị chất lượng cao nhập từ EU sẽ thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước, nâng cao hiệu suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Đánh giá về điều này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, sự kiện “đã mở ra chân trời hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn giữa Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên”.

Mới đây nhất, tại buổi tiếp ông Bernd Lange - Chủ tịch Ủy ban thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu nhân chuyến thăm Việt Nam ngày 30-10 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trong khu vực Đông Nam Á ký kết các hiệp định với Liên minh châu, hai bên đã có sự hợp tác hiệu quả và thực chất, đồng thời bày tỏ mong muốn các Hiệp định thương mại tự do sẽ được hai bên thông qua trong thời gian sớm nhất.

Trước đó vào 22-11-2015, sau gần 20 năm kể từ khi được đưa ra đàm phán vào năm 1997, ý tưởng cho việc thành lập cộng đồng Asean cũng trở thành hiện thực tại Tuyên bố Kuala Lumpur. Theo đó cộng đồng Aean sẽ gồm 3 trụ cột chính: cộng đồng an ninh (ASC), cộng đồng văn hoá xã hội (ASCC) và cộng đồng kinh tế  (AEC), trong đó AEC được coi là trụ cột quan trọng nhất.

Với kết quả này, Asean có một khu vực kinh tế ổn định, thịnh vượng với khả năng cạnh tranh cao, hàng hoá và dịch vụ được lưu chuyển thông thoáng, từng bước giảm bớt và tiến tới triệt thoái sự phát triển chênh lệch kinh tế giữa các quốc gia thành viên.

Cam kết của các nhà lãnh đạo Asean cho thấy, sự phát triển của AEC sẽ là tiền đề thúc đẩy tiến độ của hai trụ cột còn lại, khiến toàn bộ Asean sẽ là một một khu vực kinh tế có diện tích rộng tới 4.435.670 km2, tổng giá trị thương mại khoảng trên 2 nghìn tỷ USD.

Thị trường nội khối AEC vận hành trên cơ sở bình đẳng với khoảng 625 triệu dân, mọi hàng rào thuế quan sẽ được bãi bỏ, doanh nghiệp được tự do bán hàng, cung cấp dịch vụ mà không bị tính thuế nhập khẩu hay bị áp đặt quota… tạo nhiều cơ hội hơn cho người tiêu dùng. Điều quan trọng nữa là, người lao động sẽ được tự do lựa chọn, di chuyển tìm việc làm trong AEC, với các thủ tục giản đơn hơn.

Cơ sở hạ tầng dịch vụ hiện đại là lợi thế của kinh tế Hải Phòng

Còn cách đây đúng 1 năm, vào ngày 12-11-2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. CPTPP mà tiền thân là Hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), được thiết lập năm 2005, mục tiêu là nhằm thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực.

Gồm trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền... được đại diện 11 nền kinh tế thành viên chính thức ký kết Hiệp định vào tháng 3-2018, tại thủ đô Santiago của Chile.

Khỏi phải nói đến tầm quan trọng của việc tham gia các hiệp định thương mại tự do kể trên, cũng như việc hình thành cộng đồng kinh tế Asean đối với Việt Nam.

Riêng Hải Phòng, địa phương đang có những đột phá về thu hút đầu tư công nghệ cao và phát triển hạ tầng cơ sở hiện đại, có hệ thống dịch vụ cảng đứng đầu cả nước, đầu mối giao thương hàng hải của cả khu vực phía Bắc và Nam Trung Quốc, hướng xuất khẩu và dịch vụ xuất khẩu hàng hóa ngày càng tăng, những sự kiện thương mại này càng có ý nghĩa đặc biệt.

Tuy nhiên, việc tiếp cận gần như cùng thời điểm với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) và cộng đồng kinh tế Asean, thị trường Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng cũng sẽ phải đương đầu với không ít thách thức.

(còn nữa)

Lê Minh Thắng 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông