Hội thảo góp ý xây dựng Thông tư quy định chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu cho người khuyết tật

17:42 26/05/2020

Sáng 26-5, dưới sự chủ trì của TS Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng Thông tư quy định chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu cho người khuyết tật tại Trường Khiếm thị Hải Phòng.

 TS Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, TS Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, thực hiện Luật người khuyết tật, các quyết định của Chính phủ trong đó có nội dung nghiên cứu xây dựng và phổ biến hệ thống ký hiệu ngôn ngữ phổ thông sử dụng thống nhất trong toàn quốc; xây dựng tài liệu ký hiệu ngôn ngữ cho các cấp học phổ thông, năm 2019, Bộ chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu cho người khuyết tật đã bước đầu thống nhất, đang trong quá trình lấy ý kiến nhằm thống nhất sử dụng trong các cơ sở giáo dục trên toàn quốc.

Thực hiện kế hoạch, Vụ Tiểu học Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lấy ý kiến tại 2 địa phương Hải Phòng và Thái Nguyên, mỗi địa phương trong 1 ngày. Ban soạn thảo mong muốn nhận được ý kiến đóng góp để tiếp tục thống nhất hoàn thành Bộ chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu cho người khuyết tật, tạo điều kiện cho người khuyết tật nói chung, người khiếm thính nói riêng có đủ lượng kí hiệu cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và hòa nhập cộng đồng.

Theo báo cáo điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam năm 2016 của Tổng cục thống kê với sự hỗ trợ kĩ thuật của Unicef, Việt Nam có 2,83% trẻ em khuyết tật trong độ tuổi 2-17, trong đó trẻ em khiếm thính chiếm tỉ lệ 0,22% trên tổng dân số, tương đương khoảng 211,000 trẻ em (ước tính theo số liệu thống kê điều tra dân số Việt Nam 2017). Như vậy có thể thấy được nhu cầu rất lớn về việc sử dụng ngôn ngữ kí hiệu trong giáo dục trẻ khiếm thính ở các cơ sở giáo dục. Bộ chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu ra đời sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu dạy và học cho học sinh khiếm thính, nhằm đảm bảo quyền và cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho các em.

Ngôn ngữ kí hiệu được “nghe” bằng mắt nên tận dụng được khả năng vượt trội về thị giác, khắc phục các khó khăn về nghe nên sẽ giúp học sinh khiếm thính thuận lợi trong việc tiếp cận, lĩnh hội thông tin và kiến thức. Bởi vậy, Bộ Chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu là căn cứ thống nhất để các cơ sở giáo dục sử dụng trong quá trình dạy và học cho học sinh khiếm thính. Đồng thời, Bộ chuẩn cũng sẽ là cơ sở để các nhà chuyên môn thống nhất sử dụng các kí hiệu trong quá trình xây dựng học liệu trong giáo dục trẻ khiếm thính, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong thời kì công nghệ 4.0.

HẢI HẬU

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông