10:39 28/02/2023 Sáng 27/2, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng lý luận Trung ương và Bộ VHTT&DL tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển” theo hình thực trực tiếp và trực tuyến, kết nối với 63 điểm cầu trên cả nước.
Dự và chủ trì Hội thảo tại điểm cầu Trung tâm Thủ đô Hà Nội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng – Thường trực Ban Bí thư Trung ương và Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương.
Cùng dự có các đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cùng nhiều đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương.
Tại điểm cầu Hải Phòng, đồng chí Đỗ Mạnh Hiến – Phó Bí thư thường trực Thành ủy chủ trì tham dự Hội thảo. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phạm Văn Lập – Chủ tịch HĐND TP, Đào Khánh Hà – Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy, Lê Trí Vũ – Trưởng ban dân vận Thành ủy và đồng chí Lê Khắc Nam – Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, ra đời cách đây 80 năm (1943), Đề cương về văn hóa đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với nhận thức đúng đắn rằng, sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vừa là một tất yếu chính trị, vừa là một tất yếu khách quan.
Cách mạng muốn xây dựng thành công nền văn hoá mới phải do Đảng tiền phong lãnh đạo. Mặt khác, có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới lan tỏa được tư tưởng cách mạng, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội.
Việc xây dựng nền văn hóa mới phải gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Công cuộc cải tạo xã hội, loại bỏ những gì cũ kỹ lạc hậu, hướng tới xây dựng một chế độ xã hội mới ưu việt hơn chỉ hoàn thành khi hình thành được nền văn hóa mới: “Nền văn hoá xã hội chủ nghĩa”.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: “Ngày nay, chúng ta càng thấy được sự cần thiết phải kế thừa và phát huy những giá trị tích cực, tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc, vừa đẩy mạnh giao lưu, tiếp biến, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, khẳng định bản sắc và bản lĩnh của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế”.
Tại Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 1 báo cáo trung tâm và 175 báo cáo tham luận của các cơ quan, tổ chức, các cá nhân nhà quản lý, nhà khoa học và những người trực tiếp làm công tác văn hóa nghệ thuật trong cả nước, tập trung vào hai nội dung chính: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa con người Việt Nam – Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Hội thảo cũng đồng thời thảo luận làm rõ các nội dung: khẳng định ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hoá đối với phát triển.
Đồng thời hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người; chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá và thị trường văn hoá phát triển.
LMT
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024