Hội thảo khoa học “Danh y Đào Công Chính và những cống hiến cho nền y học cổ truyền dân tộc”

20:12 09/06/2022

Ngày 9-6, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật thành phố và UBND huyện Vĩnh Bảo tổ chức Hội thảo khoa học “Danh y Đào Công Chính và những cống hiến cho nền y học cổ truyền dân tộc”. Về dự hội thảo có PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; TS Hoàng Văn Kể, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật thành phố; đồng chí Phạm Tuyên Dương, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo cùng đại diện lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Vĩnh Bảo; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trung ương và địa phương.
Quang cảnh Hội thảo

Danh y Đào Công Chính vốn có tên là Đào Dĩnh Đạt, khi ra thi mới đổi tên là Công Chính. Ông xuất thân trong một gia đình Nho học lâu đời. Theo gia phả họ Đào và hương phả làng Hội Am hiện giữ được thì đời Hậu Lê, đời Mạc, tiên tổ của Đào Công Chính có nhiều người đậu trung khoa, có người vào học Quốc Tử Giám. Đào Công Chính sinh năm 1639, tại làng Hội Am, tên Nôm là làng Cõi, thuộc huyện Vĩnh Lại, xứ Hải Dương (nay là thôn Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo). Đào Công Chính được nhân dan biết đến là nhà chính trị, nhà sử học, nhà y học lỗi lạc thế kỷ thứ XVII.

Tại “Hội thảo về thân thế, sự nghiệp Danh y Đào Công Chính”, diễn ra năm 2004, Đào Công Chính được nhất trí suy tôn là một trong ba đại danh y của Việt Nam, có công lớn trong việc xây dựng nền y học cổ truyền dân tộc, tạo thế kiềng ba chân vững chắc: “Y học đối với Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Dược học đối với Tuệ Tĩnh, Dưỡng sinh học đối với Đào Công Chính”.

Tại hội thảo hôm nay, các nhà khoa học, các đại biểu, các nhà nghiên cứu Trung ương và địa phương tiếp tục trao đổi ý kiến, công bố các kết quả nghiên cứu mới, làm sáng tỏ những vấn đề về thân thế, sự nghiệp của Danh y Đào Công Chính đặc biệt là những cống hiến của ông cho nền y học cổ truyền dân tộc, đề xuất những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị nghiên cứu về sử học, y học do ông để lại.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Hoàng Văn Kể, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng nhấn mạnh: Đào Công Chính là 1 trong 3 đại danh y trong thời kỳ phong kiến Việt Nam, có công lớn trong xây dựng nền y học cổ truyền của dân tộc, tạo thế kiềng 3 chân vững chắc của nền y học nước nhà: Y học có Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; dược học có Tuệ Tĩnh và dưỡng sinh học có Đào Công Chính.

Các quan điểm và phương pháp chữa bệnh của ông được ông ghi chép, tổng kết trong cuốn "Bảo sinh diên thọ toản yếu". Theo các học giả, danh y không chỉ thể hiện kiến thức uyên thâm trong lĩnh vực y dược học, giải phẫu con người, mà còn kết hợp nhuần nhuyễn kiến thức toàn diện, chuyên sâu giữa cuộc sống, sức khỏe con người với thiên văn, dịch lý, thời tiết, khí hậu, môi trường, trạng thái tinh thần của con người.

TS. Hoàng Văn Kể đề nghị các đại biểu làm rõ, bổ sung thêm những tư liệu về thân thế, sự nghiệp, đóng góp của danh y; đề xuất, hiến kế nhằm phát huy hơn nữa giá trị kho tàng di sản quý báu của danh y Đào Công Chính, người con của quê hương văn hiến, anh hùng Vĩnh Bảo, phục vụ sự phát triển các lĩnh vực của địa phương và thành phố.

Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà nghiên cứu thảo luận làm rõ về ngày mất của Danh y; đề xuất Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đặt tên Đào Công Chính cho một tuyến đường trên địa bàn thành phố; đề xuất đổi tên công trình Nhà lưu niệm Danh y thành Đền thờ Danh y để xứng tầm công lao, đóng góp của Danh y.

TRUNG KIÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông