Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế”: Kiến tạo môi trường kinh doanh có sức hấp dẫn

10:15 25/04/2017

Một góc đô thị Hải Phòng

Hội thảo do các trường Đại học Hải Phòng, Đại học Thương mại, Đại học Kinh tế Huế, Đại học Nam Hoa (Đài Loan - Trung Quốc) và Hiệp hội nghiên cứu thương mại Hàn Quốc đồng tổ chức tại Hải Phòng.

Hội thảo được tổ chức thành công với hơn 260 bài viết, trong đó có 153 tham luận tiêu biểu của các nhà hoạch định chính sách, quản lý nhà nước cấp cao, các nhà quản trị doanh nghiệp, các giảng viên, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước được lựa chọn đăng toàn văn trong kỷ yếu của hội thảo.

Nội dung báo cáo đề dẫn, 29  tham luận trực tiếp tại 6 phiên cùng các ý kiến trao đổi, phát biểu trực tiếp tại hội thảo đã tập trung bổ sung, làm rõ các vấn đề cơ bản. Đó là, việc chủ động, tích cực tham gia đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) “thế hệ mới” là một bước ngoặt lớn, đưa tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới.

Các nghiên cứu đã chỉ ra FTA thế hệ mới sẽ có tác động mạnh, toàn diện đến không chỉ triển vọng phát triển thị trường của doanh nghiệp Việt Nam mà còn cả môi trường kinh doanh và hệ thống chính sách, pháp luật liên quan. Bên cạnh những thời cơ mới, doanh nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức.

Cùng với đó, biến động lớn, nhanh ở hầu hết khu vực trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản hay Trung Quốc đã tạo nên một thế giới với những thay đổi mạnh mẽ trong năm 2016, có tác động lớn đến hầu hết các nước, trong đó gây nhiều sức ép tiêu cực đến Việt Nam. Các nghiên cứu đã chỉ ra mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế Việt Nam vẫn chưa được cải thiện đáng kể khiến những điểm nghẽn tăng trưởng vẫn chưa được giải quyết triệt để, cũng như tác động của các chính sách nới lỏng đã dần đến hạn.

Những vấn đề biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn. Tăng trưởng kinh tế năm 2016 chỉ ở mức 6,21%, giảm so với 6,68% năm 2015 và không đạt được chỉ tiêu 6,7% đặt ra. Điều này cho thấy nền kinh tế dễ tổn thương từ vấn đề biến đổi khí hậu và mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên đã “tới hạn”.

Trước những biến động của tình hình thế giới và những vấn đề nội tại của nền kinh tế để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, cần thiết phải có những cách làm mới, tạo ra một môi trường kinh doanh có sức hấp dẫn trong đó có việc liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng là yêu cầu thực tế và có tính hiện thực cao.

Các nghiên cứu đã khuyến nghị nhiều chính sách về phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng tập trung vào hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính; đặc biệt tạo lập thể chế kinh tế vùng cho các vùng kinh tế thật sự trở thành đầu tàu, động lực lan tỏa vùng ngoại vi và cả nước. 

Hải Hậu

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích