Hôm nay, khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc: Làm sáng rạng hào quang nền văn hóa cách mạng

09:37 24/11/2021

Hôm nay ngày 24-11-2021, từ Thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị văn hóa toàn quốc, sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến nối các điểm cầu trên phạm vi cả nước. Hội nghị diễn ra đúng 75 năm sau Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức cũng tại Thủ đô Hà Nội (24/11/1946-24/11/2021), có ý nghĩa hết sức đặc biệt, nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, về phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

"Văn hóa soi đường chúng ta đi"

Cách đây đúng 75 năm, vào ngày 24-11-1946, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

Hội nghị được tiến hành chỉ sau một năm Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, giữa bối cảnh chính quyền công hòa non trẻ còn bề bộn, đồng thời phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thách thức và hiểm nguy trước âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng thù địch.

Điều đó cho thấy tư tưởng sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, khi ngay từ đầu đã xác định phát triển văn hóa là một trong những trụ cột để thực hiện mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước đó, khi nước Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp, chính quyền nội quốc còn theo mô hình phong kiến, Đảng và Bác đã sớm nhận ra vai trò vô cùng quan trọng của văn hóa, là hồn cốt của dân tộc, là động lực thúc đẩy phong trào cách mạng, là phương tiện dãn dắt quốc dân đồng bào kết đoàn lại, vùng lên giải phóng nước nhà.

Từ nhận thức đó, vào năm 1943, Đảng ta đã ban hành Đề cương văn hóa Việt Nam, tạo nền tảng chuẩn bị cho xây dựng nước Việt Nam mới. Trong đó chủ trương đề cao nền văn hóa độc lập tự chủ, không bị ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa ngoại bang, đồng thời xác định văn hóa là do Nhân dân, thuộc về Nhân dân, hướng tới mục tiêu tiến bộ.

Trước sự trỗi dậy của phong trào dân chủ Việt Nam, gắn với sự trưởng thành tột bậc của chủ nghĩa cộng sản dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Cùng với đó, nhiều thế lực ngoại bang khác  câu kết với lực lượng tồn dư của chế độ cũ, của các tổ chức phản động, đã gây áp lực hòng phá vỡ thành quả cách mạng, lật đổ chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ngày 19-12-1946, Hồ Chủ Tịch ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, dân tộc Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Thêm một lần nữa, văn hóa trở thành động lực phục vụ nhiệm vụ kháng chiến, hình thành thiết chế văn hóa cách mạng.

 Đây cũng là thời điểm Đảng và Bác quyết định triệu tập Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai, diễn ra vào tháng 7-1948 tại tỉnh Phú Thọ, giữa vòng vây của kẻ thù.

 Từ đó đến nay, văn hóa cách mạng đã trở thành đường lối xuyên suốt của Đảng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, như lời Hồ Chủ Tịch: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ”.

Văn hóa cách mạng đã khơi dậy niềm tự tôn dân tộc, hướng tới tư tưởng tiến bộ, đoàn kết toàn dân kiên định, trường kỳ kháng chiến, giữ vững nền độc lập, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, buộc người Pháp phải ký Hiệp định Geneve công nhận chủ quyền Việt Nam.

Văn hóa Cách mạng đã nêu cao tinh thần quật cường, khơi thông dòng chảy của khí huyết dân tộc, giúp Nhân dân ta giành thắng lợi trong kháng chiến chống Mỹ, bảo tồn sự toàn vẹn của non sông Việt Nam.

Văn hóa cách mạng đã thực sự là động lực, để sau 35 năm đổi mới, chúng ta có quyền tự hào ngẩng cao đầu với thế giới, “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng diễn ra giữa bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến chuyển, cơ hội và thách thức đan xen, cũng là thời điểm chín muồi Đảng ta hoàn thiện cơ sở lý luận về xây dựng Chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Việt Nam, được hình thành từ những bài học kinh nghiệm của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới.

Cùng với đó, tác động của khoa học kỹ thuật với đỉnh cao là tốc độ phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, thêm sự ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, kết cấu truyền thống toàn cầu có nhiều thay đổi.

Trong khi nước ta đang đẩy mạnh hội nhập sâu và rộng với quốc tế, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đòi hỏi văn hóa càng cần phải cách mạng, nhằm tiếp tục “khơi dậy khát vọng toàn dân tộc”, được thể chế hóa tại Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.

Trở thành Chương trình hành động quốc gia và cụ thể hóa các mục tiêu trong “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12-11-2021.

Trở lại với Hội nghị văn hóa toàn quốc lần này, những tiền đề nêu trên chính là nội dung cốt lõi của Hội nghị, để toàn Đảng, toàn dân ta quán triệt sâu sắc, thấm nhuần tinh thần mới về phát triển văn hóa cách mạng và hiện thực hóa khát vọng Việt Nam.

Hội nghị do Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì chỉ đạo, được kết nối từ Thủ đô Hà Nội tới 63 tỉnh thành phố trong cả nước. Riêng tại điểm cầu trung tâm là Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) ở Thủ Đô, sẽ có 600 đại biểu tham dự, gồm các đồng lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ngành; văn nghệ sĩ và đại diện lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội...

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 94-KH/TU ngày 21-11-2021, về việc tổ chức điểm cầu dự Hội nghị văn hóa toàn quốc tại Hải Phòng. Theo đó, điểm cầu đầu mối tại Trung tâm hội nghị thành phố sẽ có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, các văn nghệ sỹ tiêu biểu và đại diện một số tổ chức chính trị - xã hội khác.

Đồng thời, thành phố cũng chỉ đạo thành lập các điểm cầu tại các quận, huyện và Đảng bộ trực thuộc Thành ủy. Cho thấy sự quan tam đặc biệt của Thành ủy, từ đó làm lan tỏa mạnh mẽ ý nghĩa, tầm quan trọng, quan điểm và chủ trương của Trung ương Đảng và Thành ủy đối với nhiệm vụ phát triển văn hóa cách mạng thời kỳ mới.

Với khát vọng phát triển nhanh, bền vững trên lộ trình hội nhập quốc tế, chắc chắn Hội nghị văn hóa toàn quốc sẽ tăng cường sức mạnh nội sinh cho cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng, trên nền tảng giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, nhất là văn hóa cách mạng.

Hải Phòng sẽ có hành trang đầy đủ hơn, tiếp tục gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tiến về phía trước, hiện thực hóa những định hướng chiến lược tại Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông