“Hồn quê” đậm chất tình quê

17:38 08/10/2019

Tình yêu quê hương đất nước đôi khi chỉ mộc mạc là nỗi nhớ dòng sông quê, những khoảnh khắc lênh đênh trên con đò nhỏ tìm cho mình cái quãng phiêu bồng trong tâm hồn, hay nỗi nhớ lời ru của mẹ, bóng cha liêu xiêu bên hiên nhà,… Tất cả lại càng trở nên da diết, lắng sâu hơn trong những câu lục bát ngọt ngào, giàu hình ảnh, đậm chất thơ và tính nghệ thuật cao. Đó là những câu thơ lục bát trong tập thơ “Hồn quê 3” của Câu lạc bộ thơ Lục bát Hải Phòng vừa được ra mắt bạn đọc trong thời gian qua.

 Tập thơ “Hồn quê 3” của Câu lạc bộ thơ Lục bát Hải Phòng

Sau 2 tập thơ “Hồn quê 1” và “Hồn quê 2”, tập “Hồn quê 3” lần này có 258 bài thơ lục bát của 103 tác giả do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Trong đó, đa số các bài thơ đều là lời bày tỏ tình cảm của các tác giả đối với quê hương yêu dấu. Đó là nỗi nhớ về những ngày thơ bé đầy thiếu thốn, vất vả nhưng ăm ắp đầy tình yêu thương, là nỗi nhớ về những gì rất “quê kiểng” như cây đa, giếng nước, sân đình với cả những gì đời thường, mộc mạc nhất nới rặng nhãn, vườn xoan…

Tác giả Vũ Xuân Bằng đã không thể kìm lòng trong nỗi “Nhớ quê”: Cây đa, giếng nước, sân đình/Gợi thương, gợi nhớ, chung tình thôn quê/Nhớ ngày cắt cỏ bờ đê. Nhớ ngày gặt lúa đi về sớm trưa…Nhớ từng rặng nhãn vườn xoan. Nhớ từ xóm nhỏ cuối làng gần ao… Xa nhà nhớ mãi mo cau/Nắm cơm ủ ấm gối đầu chờ ăn/Xa quê đã mấy chục năm/Lời ru của mẹ…lời răn cuộc đời”.

Cùng chung dòng cảm xúc ấy, nhà thơ Phạm Đức Chính bằng những câu thơ lục bát đã vẽ lên một không gian “Bến quê” sao mà yêu đến thế: Đồng quê thẳng cánh cò bay/Gió đưa hương cỏ, heo may tràn về/ Chăn trâu, thổi sáo triền đê. Cánh diều khúc nhạc tình quê dạt dào/Hàng tre xanh mướt ngày nào. Cây đa giếng nước…đậu vào hồn tôi/Hương quê đã có trong nôi. Khi xa khắc khoải bồi hồi vấn vương…

Tình yêu với quê hương, nỗi nhớ quê thường hay gắn với nỗi nhớ gia đình, mẹ cha. Tác giả Hà Giang trong bài “Lời ru của mẹ” đã viết vô cùng xúc động về hình ảnh của người mẹ tảo tần khuya sớm, chịu bao đắng cay, hi sinh mất mát, góp phần cho đất nước có được những khoảng trời xanh bình yên như ngày hôm nay.

Những câu thơ lục bát tựa như lời kể chuyện thủ thỉ, tâm tình: Ngọt đằm là tiếng à ơi. Kẽo cà tiếng võng mát lời ru êm/Ăn khuya cái vạc cành mềm. Trăng nghiêng bóng ngả bên thềm cô liêu/ Gió lùa mái dột vách xiêu. Đắng cay mẹ chịu chín chiều vì con/Con đi gìn giữ nước non. Xót thương mòn mỏi héo hon ngóng chờ…

Những yêu thương đối với mẹ là những tình cảm không gì đong đếm được, không thể có ngôn ngữ nào có thể biểu cảm hết được. Nhà thơ Thương Hợp đã cố gắng chắt lọc những hình ảnh đẹp nhất, thơ nhất mà lại rất “đời” để khắc họa hình ảnh của mẹ trong trái tim mình.

Trong bài “Ca dao mẹ yêu” tác giả viết: “Thân gầy cõng nắng mưa ngàn. Hạt sương muối nhuộm trắng làn tóc xưa/Dậy từ gà gáy tới khuya/Cơm khoai lót dạ, rau dưa qua ngày… Mẹ như một ánh trăng rằm. Miệt mài như một thân tằm nhả tơ/Chắp cho con những giấc mơ. Nâng niu mẹ nối vần thơ nắng đầy”.

Bên cạnh đó, trong tập thơ “Hồn quê 3” người đọc yêu thơ lục bát còn bắt gặp rất nhiều bài thơ viết về người cha. “Bố tôi” của tác giả Mai Quốc Quỳ là một bài thơ như thế.

Tác giả đã mượn thể thơ dân tộc để thể hiện những tình cảm sâu kín, thiêng liêng nhất đối với người cha tôn kính.

Bài thơ tựa như một câu chuyện tác giả kể về cuộc đời người cha thân yêu của mình: “Bố tôi ba sáu tuổi đời. Mẹ thì ba bảy sớm dời trần gian/Cuộc đời lam lũ cơ hàn. Bốn con thơ dại…Bố làm sao đây? Đứa còn bé ẵm trên tay. Lời ru cũng thiếu sữa này khát khao/Bố thay mẹ, nỗi nghẹn ngào. Mớm cơm, ru hỡi biết bao canh chầy/Thủy chung tình nghĩa trọn đời. Bố tôi vất vả… mặc thời xuân qua/Dạy con hiếu nghĩa công cha/Tu tâm tích đức, đạ nhà, con ơi!”

Hay như nhà thơ Thắm Quỳnh viết trong bài “Thương cha”: Hai sương một nắng thân già. Trẻ trai đánh giặc công cha góp phần/Hy sinh chẳng tiếc tuổi xuân/Việc nhà việc nước khi cần, xông pha/Cha là gương sáng trong nhà.Dòng đời xuôi ngược đâu mà quản công/Vì con lận đận lưng còng. Mái đầu bạc trắng theo dòng thời gian".

Đọc “Hồn quê 3” người đọc còn được thưởng thức rất nhiều bài thơ hay, tứ thơ đẹp ca ngợi về những mảnh đất, con người, về những nét văn hóa truyền thống đậm chất “quê”.

Đó còn như những bức họa đồng quê để ta có thể ngụp lặn trong thế giới của trí tưởng tượng để ai cũng có một “chốn quê” để nhớ thương khắc khoải, để trở về sau những chuyến đi xa trong cuộc đời…

Nhà thơ Trịnh Toại, Chủ nhiệm CLB Thơ Lục bát Hải Phòng chia sẻ: Thơ lục bát là thể thơ truyền thống lâu đời của dân tộc Việt, là phương tiện biểu thị tâm tư, tình cảm của các tầng lớp nhân dân. Cùng với 2 tập thơ “Hồn quê 1” và “Hồn quê 2”, tập “Hồn quê 3”, các tác giả muốn mong muốn góp sức mình để phát huy cái đẹp, cái sáng, cái trường tồn của một thể thơ dân tộc…

Xuân Hạ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông