45 năm đại thắng mùa xuân lịch sử

14:39 30/04/2020

Cách đây 45 năm, giữa muôn vàn lời ca khải hoàn ngày chiến thắng vĩ đại, sự kiện 30-4-1975 đã trở thành đỉnh cao sáng chói của niềm tự hào dân tộc. Non sông Việt Nam được nối liền một dải, chấm dứt 21 năm đau thương chia cắt hai miền Nam – Bắc.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 (Ảnh tư liệu)

Khoảnh khắc “chớp mắt” của lịch sử

Sau thảm bại ô nhục của trận “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời miền Bắc cuối năm 1972, người Mỹ buộc phải ký hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Nhưng họ vẫn ngầm can thiệp sâu vào Việt Nam, thông qua chính quyền Sài Gòn, với toan tính đầy tham vọng. Ngày 21-7-1974, tại Đồ Sơn (Hải Phòng), đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất BCH TW Đảng chủ trì một cuộc họp đặc biệt, đưa ra nhận định: “Thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn thành giải phóng miền Nam đã đến…”.

Đầu năm 1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam. Ngày 4-3-1975, bộ đội ta mở chiến dịch Tây Nguyên, sau những trận nghi binh huyền thoại, quân ta đã làm chủ hoàn toàn Buôn Ma Thuột vào ngày 11-3-1975. Đây là trận đánh điểm huyệt, làm rối loạn và đảo lộn thế phòng thủ của quân đội Sài Gòn, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975.

(Ảnh tư liệu)

Để tiếp đó, bằng đòn đánh xuất thần chúng ta lần lượt giải phóng Huế, Đà Nẵng và toàn bộ Nam Trung Bộ. Vào thời khắc quan trọng này, mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa…” có sức mạnh diệu kỳ, khơi bừng ngọn lửa tinh thần dân tộc.

Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn, đánh thẳng vào thành lũy cuối cùng của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Các đơn vị chủ lực đồng loạt phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương mở các đợt hành quân tấn công, diễn biến chiến trường quá nhanh, khiến quân địch không kịp trở tay.

Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện (Ảnh tư liệu)

Ở hướng Tây Bắc, Quân đoàn 3 giải phóng hiệp đồng với lực lượng vũ trang Tây Ninh, Sài Gòn - Gia Định; hướng Bắc và Đông Bắc có Quân đoàn 1 tăng cường lực lượng đặc công, xe tăng, cao xạ; hướng Đông và Đông Nam có Quân đoàn 4 và Quân đoàn 2 tăng cường pháo binh, xe tăng, cao xạ, đặc công, biệt động; hướng Tây và Tây Nam có Đoàn 232 chủ lực miền Nam và chủ lực Quân khu 8; vùng ven và nội thành Sài Gòn có các đơn vị đặc công, pháo binh kết hợp với lực lượng chính trị của quần chúng…

Ngày 30-4-1975, các binh đoàn đột kích thọc sâu nhanh chóng chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch như sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tổng tham mưu, Bộ tư lệnh biệt khu, căn cứ Hải quân, cảng Bạch Đằng, Đài phát thanh, Tổng nha cảnh sát Trung ương... của Chính quyền Sài Gòn. Binh đoàn hỗn hợp chủ lực của Quân đoàn 2 quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập,  khống chế toàn bộ nội các Việt Nam Cộng hòa, buộc Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào 11h30. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng.

Hình ảnh Bác Hồ ngày đất nước trọn niềm vui (Ảnh tư liệu)

Reo vang niềm tự hào dân tộc

Đó là giờ phút thiêng liêng quyết định vận mệnh của cả dân tộc, thể hiện tinh thần bất diệt của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, hiện thực hóa lời hiệu triệu của Bác Hồ: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 chỉ kéo dài 4 ngày, được coi là chiến dịch ngắn nhất, nhưng để chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong kinh điển chiến tranh thế giới, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến bền bỉ, gian khổ và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Giải phóng sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh tư liệu)

Từ Sài Gòn, một phóng viên hãng tin UPI của Mỹ đã phát đi bản điện tín, báo tin đến hơn 7.500 máy teletype trên toàn cầu, một kỷ lục truyền thông khổng lồ vào thời điểm đó. Cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng, cả thế giới nghiêng mình trước sức sôi của dòng máu Việt Nam.

Suốt trong cuộc chiến ấy, Hải Phòng với vai trò là thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, là hậu phương lớn nối liền miền Nam với quốc tế, đã đóng góp xứng đáng vào chiến thắng vĩ đại của toàn dân tộc. Từ Hải Phòng, khí tài quân sự và nhiều nguồn lực hậu cần khác được chuyển về phương Nam.

Quân và dân Hải Phòng đã dồn sức người, sức của “tất cả cho miền Nam ruột thịt”. Hải Phòng cũng hiên ngang ngẩng cao đầu trước các cuộc phong tỏa điên cuồng cả trên trời và dưới biển của đế quốc Mỹ. Người Mỹ đã hoàn toàn khuất phục trước quân dân Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung, những cái tên “Cảng Hải Phòng”, “Sóng Duyên Hải”, “bến K15”, “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, “Bạch Long Vỹ”…  đi vào lịch sử dân tộc như những mốc son chói lọi.

Từ ấy, lớp lớp những người con ưu tú của Hải Phòng đã hòa vào dòng máu dân tộc, mang trái tim nhiệt huyết trên những chặng đường hành quân, xung phong vào tiền tuyến. Những gót chân trần mài mòn đá núi Trường Sơn, vượt vĩ tuyến 17 thần tốc tiến về giải phóng miền Nam, viết lên bản tráng ca bất hủ.

(Ảnh tư liệu)

Chúng ta đã sáng tạo ra một học thuyết mới về chiến tranh, với cách đánh của một dân tộc bị áp bức, cách đánh của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng mùa xuân 1975 là một điển hình về sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng, quyết tâm và quyết chiến táo bạo, thực sự là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự.

Như đánh giá của đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, đánh thắng những cường quốc, đế quốc chủ nghĩa chủ yếu bằng sức của chính mình”.

Đại thắng Mùa Xuân 1975 đã khiến hai tiếng Việt Nam thiêng liêng reo vang niềm tự hào, tỏa sáng trên đỉnh cao phong trào kháng chiến giải phóng dân tộc toàn thế giới.

Giờ đây, được sống trong môi trường hòa bình, nhưng ký ức về một thời khói lửa đạn bom không thể phai nhòa. Dịp kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, khơi dậy tinh thần ái quốc vĩ đại của mỗi người dân nước Việt, cho hôm nay và mãi mãi về sau.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông