Hội nghị văn hóa toàn quốc: Thể chế hóa đường lối của Đảng trên lĩnh vực văn hóa

14:28 23/11/2021

Vào ngày 24-11 tới đây, Hội nghị văn hóa toàn quốc sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trong nhằm hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng về phát triển văn hóa. Đồng thời có ý nghĩa khởi động, triển khai thực hiện Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Bác Hồ với nghệ sỹ (Ảnh tư liệu)

          Kỳ 1-Trụ cột của tinh thần độc lập, tự cường và tự chủ

Cách đây đúng 75 năm, vào ngày 24-11-1946 tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã được triệu tập. Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ”.

Tinh thần ấy đã được thể hiện suốt chặng đường vẻ vang của nước Việt Nam mới trong 75 năm qua. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã kế thừa, phát triển và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, không ngừng sáng tạo những giá trị văn hoá mới thấm đẫm tinh thần yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa phù hợp với đất nước và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đưa đất nước vững bước trong xu thế phát triển của nhân loại tiến bộ. Đó là sức mạnh hiện thực của văn hóa Việt Nam.

Tại Đại hội Đảng lần thứ 13, đánh giá về thành tự phát triển văn hóa thời gian qua, Báo cáo Chính trị của Đảng đã nêu rõ: Nhận thức về văn hoá, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hoá phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mới, nhiều mặt của đời sống xã hội.

Nhiều giá trị văn hoá truyền thống và di sản văn hoá được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Văn hoá trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế về văn hoá khởi sắc. 

Phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây hại đến văn hoá, lối sống con người được chú trọng.

Từng bước hoàn thiện đồng bộ và thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo; phát triển thị trường lao động, hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế.

Bảo đảm cơ bản an sinh xã hội, quan tâm nâng cao phúc lợi xã hội cho người dân; thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách đối với người có công; tiếp tục cải thiện chính sách tiền lương; mở rộng bảo hiểm xã hội; tỉ lệ bảo hiểm y tế đạt trên 90%. Hệ thống tổ chức y tế tiếp tục được kiện toàn.

Quy mô, năng lực, chất lượng y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có bước phát triển, tiếp cận được nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong phòng, chống đại dịch Covid-19.

Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%; nhà ở xã hội được quan tâm; đã hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong đó có nhiều mục tiêu về giảm nghèo, y tế, giáo dục hoàn thành trước thời hạn, được đánh giá là điểm sáng; đang tích cực triển khai thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Bức ảnh nổi tiếng “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” (Ảnh tư liệu)

Bên cạnh đó, Báo cáo Chính trị cũng chỉ ra những hạn chế, cụ thể là: Văn hoá chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.

Vai trò của văn hoá trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần. Thiếu những tác phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật lớn phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực đối với con người.

Môi trường văn hoá, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Chênh lệch về hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, miền còn lớn; đời sống văn hoá ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. 

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hoá còn nhiều lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hoá. Đầu tư cho văn hoá chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hoá, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội.

Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ và có biểu hiện thương mại hoá; quản lý mạng xã hội còn bất cập. Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ văn hoá chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển văn hoá trong thời kỳ mới. Việc giới thiệu, quảng bá văn hoá Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hoá nhân loại có mặt còn hạn chế.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này do Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì và chí đạo, theo kế hoạch Hội nghị sẽ được tổ chức tại Hội trường Diên Hồng với số lượng gần 600 đại biểu, đồng thời kết nối đến các điểm cầu của các địa phương trên cả nước. Hội nghị nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua.

Đây cũng là diễn đàn lắng nghe góp ý để khắc phục hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực văn hóa; xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc… để từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

          Hoàng Minh (còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông