Hội nghị văn hóa toàn quốc: Thể chế hóa đường lối của Đảng trên lĩnh vực văn hóa

09:39 24/11/2021

Trải suốt hơn 90 năm kể từ khi được thành lập năm 1930, Đảng ta luôn xác định văn hóa là một trong những công cụ hữu hiệu nhất, khơi dậy niềm tự tôn dân tộc, từ đó dẫn dắt sự nghiệp cách mạng đi hết từ thành công này đến thành công khác. Như những gì đã đề cập ở các kỳ trước, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cho thấy màu sắc văn hóa dân tộc đã thấm đậm trong từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử, gắn liền với truyền thống vẻ vang của cách mạng Việt Nam.

Di sản văn hóa là hồn cốt của dân tộc

Kỳ 3 - Tự tin vào “sức mạnh mềm” của dân tộc

Đặc biệt từ khi Đảng ta phát động công cuộc đổi mới (1986), cùng với nhiều lĩnh vực khác, văn hóa cũng từng bước thoát ly những hạn chế của thời kỳ quan liêu bao cấp, chuyển hướng hòa nhập, thích nghi và hình thành nếp mới.

Ở mỗi giai đoạn, Đảng và Nhà nước đều chủ trương định hướng văn hóa phục vụ tích cực mục tiêu phát triển của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó năm 1998, tại Hội nghị lần thứ 5 (khóa VIII), Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. 

Tiếp đó, năm 2014 tại Hội nghị lần thứ 9 (khóa XI), Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. 

Bước sang giai đoạn phát triển mới, giữa bối cảnh tình hình thế giới cũng như trong nước có nhiều biến chuyển mau lẹ, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhất là cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang đến những thay đổi nhanh trong, phát sinh những yếu tố phi truyền thống, đòi hỏi tính thích nghi của văn hóa càng trở lên cấp thiết.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã định hướng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hoá, xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Với việc xác định văn hóa là “sức mạnh mềm”, có lẽ đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng xuất hiện thuật ngữ này. Đã một lần nữa khẳng định các giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam là cội rễ, là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực to lớn đẩy con thuyền cách mạng trên dòng phát triển bền vững.

 Để phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới, Đảng ta chủ trương đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Để đảm bảo những giá trị cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc, cần quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa đương đại phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, tiến bộ để tiếp tục gia tăng thêm cơ tầng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam và lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam ra thế giới”. 

Trên tinh thần đó, mới đây vào  ngày 12-11-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1909/QĐ-TTg, phê duyệt “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”. Đây là sự kế thừa và tiếp nối có hệ thống, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong phát triển văn hóa phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Xác định “Văn hóa phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội; bảo đảm yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế; thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ mới, hiện đại và biến đổi kinh tế - xã hội, con người do tác động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng...”

Trong đó, “Xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt; Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.

Đồng thời, “Phát huy mọi nguồn lực phát triển để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; nhân tố thúc đẩy phát triển con người Việt Nam trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; Chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo dựng môi trường hoà bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 chính là một trong những nội dung cơ bản được quán triệt, triển khai tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần này. Tin tưởng rằng, thành công của Hội nghị sẽ là luồng gió mới sẽ thổi vào hồn dân tộc, lan tỏa trong không gian văn hóa Việt Nam, đưa đất nước tới những mục tiêu cao hơn, xa hơn.

Như tinh thần lãnh đạo đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Đại hội XIII của Đảng: “Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại… vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại để văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế”.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông