Hướng tới một thị trường thực phẩm an toàn: Kỳ 1 - Nỗi lo từ thị trường chưa sạch

15:58 19/08/2018

Thời gian gần đây, trước những nỗi lo về thực phẩm “bẩn” đang đe dọa sức khỏe cộng đồng, nhiều mô hình sản xuất, bảo quản và kinh doanh thực phẩm an toàn đã xuất hiện. Tuy nhiên nếu không có giải pháp hiệu quả để tạo ra một môi trường cạnh tranh hoàn hảo, thì rất khó để các mô hình thực phẩm sạch thành công.

Một vụ buôn chân gà hư hại bị phát hiện thu giữ

         Nếu tính cộng cả số lượng tạm trú đến từ các doanh nghiệp, khách du lịch và người vãng lai gồm cả ngoại quốc và ngoại tỉnh, thì lượng người tham gia sinh hoạt liên quan đến thực phẩm của Hải Phòng không chỉ dừng ở con số 2 triệu người. Cùng với cả nước, những năm qua thị trường thực phẩm Hải Phòng phát triển mạnh mẽ, ngày càng đa dạng chủng loại với đủ dạng hình sản phẩm từ tươi sống, sơ chế đến chế biến công nghệ, dịch vụ ăn uống sẵn… Hơn thế, ngoài ẩm thực truyền thống, thị trường cũng xuất hiện rất các món ăn, đồ uống du nhập từ các địa phương khác và nước ngoài.

          Việc phong phú hóa của thị trường thực phẩm là sự vận động tất yếu của quy luật cung cầu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhưng cũng chính vì nhu cầu lớn, kiến thức tiêu dùng hạn chế, hệ thống quản lý vừa thiếu vừa yếu, đang tạo điều kiện hoàn hảo cho thực phẩm “bẩn” hoành hành. Những thông tin gần đây cho thấy, nguy cơ mất an toàn đang tồn tại ở tất cả các kênh thực phẩm trên cả nước.

        Trong đó nguồn  gia súc gia cầm được nuôi công nghiệp bằng thức ăn có hại cho sức khỏe con người, mà vụ chất tạo nạc Salbutamol cách đây không lâu là một ví dụ điển hình. Mặt khác, việc lưu cữu thực phẩm chưa kịp tiêu thụ trong môi trường bảo quản không đảm bảo, cộng với nguồn thịt nhập khẩu kém chất lượng đang cung cấp ra thị trường một số lượng không nhỏ thực phẩm bị coi là “bẩn”.

          Tại Hải Phòng, người viết bài này trong một chuyến tham gia đoàn kiểm tra của đi thực tế tại một doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Theo báo cáo của ông giám đốc, thì mô hình được doanh nghiệp áp dụng “sạch từ chuồng trại đến bàn ăn”, toàn bộ thực phẩm tươi sống được tiêu thụ hết trong ngày. Tuy nhiên, khi đi kiểm tra thực tế, phát hiện các vòng bi, dây chuyền lò mổ hoen gỉ, chứng tỏ lâu ngày không hoạt động, phóng viên đã rẽ ngang khảo sát riêng.

         Tại các gian phía trong, một số công nhân đang dùng các cây thép dạng “gọng gà” bẩy từng tảng thịt lợn, thịt gà đông lạnh ra chờ rã đông. Khi được hỏi, công nhân thật thà nói: “Vì tiêu thụ chậm, nên cty giết mổ một loạt, cấp đông chờ bao giờ bán hết thì làm tiếp.!?”. Chuyện ở một cơ sở được coi là mô hình “sạch tiêu biểu” còn như vậy, nói gì đến nơi khác.

Thịt rã đông chờ được doanh nghiệp đưa ra thị trường

      Đi về các vùng ngoại ô, không khó để bắt gặp người dân dùng các phương tiện như bình phun hoặc ống phun dạng bơm tay, công khai xả hóa chất vào diện tích đang canh tác rau mầu. Một nguồn thông tin từ kết quả điều tra thực trạng sản xuất tại các vùng chuyên canh rau cho thấy: hơn 85% các nông dân vùng chuyên canh rau có sử dụng phân bón qua lá, chất kích thích sinh trưởng cho rau màu; hơn 70% đã sử dụng thuốc Sherpa 25EC để phun cho rau màu, ít sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học hoặc thảo mộc; hơn 60% các hộ nông dân sử dụng đạm urê để bón cho rau khiến tồn dư hàm lượng NO3 trên rau rất lớn; hơn 80% sử dụng đạm đơn để bón với lượng vượt mức cho phép (6-8kg/sào)...

       Nhiều loại thuốc trừ sâu thuộc nhóm có độc tính cao, đã được Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cấm sử dụng trên rau, nhưng vì giá rẻ, dễ mua, nông dân vẫn cứ sử dụng. Trong đó nhiều loại thuốc ngoài luồng ghi toàn tiếng nước ngoài, vì không biết ngoại ngữ hoặc không được hướng dẫn nên bà con vô tư xử lý theo cảm tính của mình.

          Nguồn chế biến cũng không ngoại lệ. Bà Hoàng Thị D – một ngư dân ở Đồ Sơn chia sẻ, cá khô một nắng là đặc sản được ưa chuộng, tuy nhiên theo cách sơ chế truyền thống, cá phơi một nắng thì không thể để lâu trong môi trường tự nhiên, nên khi bán bà con luôn dặn kỹ khách hàng phải để trong ngăn đá tủ lạnh dùng dần.

       Nhưng thực tế dạo quanh các chợ trên thành phố, loại cá “một nắng” vẫn được bày bán thoải mái ngày này qua ngày khác, màu vẫn tươi và vị vẫn… thơm, do bí quyết nào hay đơn giản chỉ là hóa chất? Hoặc đơn cử như các loại thực phẩm truyền thống phổ biến là bún, bánh phở, bánh đa nhúng… trên bất cứ quầy hàng nào cũng có thể mua được bún, phở vừa dai vừa giòn, bánh đa nhúng cảm giác lúc nào cũng ẩm mềm tay, nhưng cũng có thể để được hàng tuần mà không có mùi chua hay nấm mốc. Chưa kể những thông tin về việc dùng thuốc tẩy, hô “biến” thực phẩm ôi thối thành tươi sống được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội.

          Nhìn ra cả nước, thời gian qua có nhiều vụ việc liên quan đến thực phẩm mất an toàn bị phát hiện. Điển hình như vụ thu giữ 2,2 tấn xúc xích của một doanh nghiệp tại Hà Nội, có chất cấm Nitrat 521 tuyệt đối cấm dùng đối với thịt. Hoặc những vụ thu giữ nội tạng lợn, lò sản xuất mỡ thành phẩm dạng “bẩn” bị phát hiện ở nhiều địa phương, bao gồm cả Hải Phòng cũng là những minh chứng rõ nét.

         Mặt khác, báo cáo năm 2017 vừa qua cũng cho thấy, trong tổng số 17.495 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực phẩm được kiểm tra tại Hải Phòng, vẫn còn tới 4.431 cơ sở, chiếm tỷ lệ 25,3% không đủ điều kiện. Cũng liên quan đến con số này, thấy rõ việc chế tài vẫn chưa thực sự thỏa đáng, bởi số vi phạm bị xử lý mới là 407 trên tổng số 4.431 cơ sở chưa đạt yêu cầu hoạt động, cho thấy công tác bảo đảm ATTP còn nhiều việc phải làm.

        Rất có thể, những ví dụ kể trên chỉ là “muối bỏ bể” so với thực tế diễn biến thị trường. Cho thấy việc chế ngự thực phẩm “bẩn”, song song với việc phát triển nguồn thực phẩm “sạch” là yêu cầu cấp thiết.

 (còn nữa)

Lê Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích