07:04 24/03/2023 Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng, Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.
Theo thống kê của Chương trình phòng chống Lao quốc gia, Việt Nam xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và xếp thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Đặc biệt là 2 năm diễn ra dịch Covid-19 (năm 2020-2021), công tác phòng chống lao tại nước ta chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm 2021, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.
Trong năm 2022, đại dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn kết thúc, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng vẫn còn tồn tại, do đó, song song với tăng cường công tác phòng chống lao tại các tuyến, các biện pháp đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 vẫn được triển khai quyết liệt.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính trong 2 năm 2020-2021, số lượng và tỷ lệ tử vong do lao tăng trở lại so với giai đoạn trước đây, cụ thể, số lượng bệnh nhân tử vong do lao trong năm 2021 được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020. Nếu không được phát hiện và điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân lao rất cao, khoảng 50%.
Chủ thể “We - Chúng ta” nhấn mạnh về việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao. Những kết quả phục hồi công tác phòng chống lao tại các nước có gánh nặng bệnh lao cao sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong đó có Việt Nam đã cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể đến gần hơn với mục tiêu chấm dứt bệnh lao.
Tại Hải Phòng, trong giai đoạn 2017 – 2022, Bệnh viện Phổi Hải Phòng đã phối hợp với Chương trình chống lao quốc gia và Tổ chức FIT thực hiện 6 dự án liên quan đến Chiến lược quốc gia phòng, chống lao: Dự án “Việt Nam không bệnh lao” tại các quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Hải An, Lê Chân (2017-2018); Dự án “Mở rộng dự án sàng lọc cộng đồng bằng chiến lược 2X kết hợp điều trị lao hoạt động và lao tiềm ẩn – SWEEP TB1 tại quận Dương Kinh, Đồ Sơn và đảo Cát Bà của huyện Cát Hải (2019-2020); Dự án “Mở rộng dự án sàng lọc cộng đồng bằng chiến lược 2X kết hợp điều trị lao hoạt động và lao tiềm ẩn – SWEEP TB2 tại huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Dương và Thủy Nguyên (2020-2021); Dự án “Chăm sóc đúng tại cơ sở y tế tư nhân” (PCPS2) tại các quận Hồng Bàng, Dương Kinh, Hải An và Lê Chân (2020-2022); Dự án “Đánh giá hiệu suất hoạt động và hiệu quả kinh tế của mô hình Việt Nam không bệnh lao (ZTV HOPE) tại các quận Hồng Bàng, Dương Kinh, Hải An và Lê Chân; Dự án “Phối hợp y tế công - công, công - tư mô hình 5 tại toàn bộ các quận huyện trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 – 2023.
Qua đánh giá cho thấy, mặc dù có thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng các dự án triển khai trên địa bàn thu được một số kết quả hoạt động đáng khích lệ. Trong đó, 153.257 người đã được sàng lọc lao bằng lời tại các buổi sàng lọc sức khỏe cộng đồng và các cơ sở y tế ngoài Chương trình chống lao quốc gia; 135.469 người được sàng lọc lao bằng chụp X-quang phổi tại buổi sàng lọc cộng đồng; 10.014 xét nghiệm Xpert được thực hiện tại Bệnh viện Phổi và Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng; 1.996 ca lao các thể được phát hiện, trong đó có 1.739 người bệnh lao (chiếm tỷ lệ 88,5%) được thu dung điều trị…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam cho biết, Thành phố Hải Phòng với chỉ số dịch tễ là hơn 1,4%, dân số trên 2 triệu người ước tính hàng năm có gần 3.000 người mắc lao các thể, thành phố chúng ta có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc ở mức trung bình cao so với cả nước. Độ tuổi mắc lao chiếm tỷ lệ cao ở lứa tuổi lao động chính của gia đình và xã hội (gần 70% ở tuổi từ 25 tuổi đến 54 tuổi), các trường hợp Lao kháng đa thuốc và siêu kháng thuốc xuất hiện và đang gia tăng, bệnh lao phối hợp với nhiều bệnh khác như: HIV/AIDS, Cao huyết áp, Tiểu đường, Bệnh phổi mạn tính… đã tác động không nhỏ đến kinh tế xã hội.
Khi bị mắc bệnh lao, người bệnh sẽ mất trung bình 3 – 4 tháng lao động/năm ( có đến 26% phải ngừng làm việc hơn 6 tháng ), có tới 5% phải bán tài sản, 17% phải đi vay nợ, thu nhập trung bình giảm 25% và thu nhập của hộ gia đình giảm 12% hàng tháng chi cho chăm sóc y tế. Họ sẽ phải chi phí trung bình hơn 1.100 USD (tương đương 26 triệu đồng) đối với những người mắc lao nhạy cảm, nhưng nguy hại hơn nếu họ mắc lao đa kháng thì phải mất hơn 4.300 USD ( khoảng gần 100 triệu đồng), Đây thực sự là chi phí vô cùng lớn của người bệnh, gia đình người bệnh cũng như của xã hội.
Năm 2022 Hải Phòng đã triển khai có hiệu quả Chiến lược 2X ( Xquang, Xpert) trong hoạt động khám sàng lọc chủ động bệnh lao, các bệnh phổi và các bệnh không lây nhiễm nổi cộm cho người dân trong khuôn khổ Dự án Thành phố không bệnh lao và đã được Quốc tế và trung ương đánh giá cao. Hải Phòng là 1 trong các tỉnh, thành phố triển khai thí điểm điều trị Bedaquilin cho người bệnh lao đa kháng (gồm cả phác đồ ngắn hạn và dài hạn).
Với Chủ đề hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống Lao 24/3 năm nay nhắc nhở mỗi người dân thành phố phải chạy đua với thời gian trong tiến trình đạt cam kết toàn cầu về chấm dứt bệnh Lao năm 2030. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần sự hỗ trợ gấp đôi để nâng cao nhận thức và tham vọng của mình, tôn trọng các cam kết và huy động các nguồn lực cần thiết để giúp đạt được các mục tiêu. Cơ hội cho tất cả mọi người chung tay giúp sức, nâng cao nhận thức về bệnh Lao, đồng thời kêu gọi sự quan tâm, hành động của các cấp chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và cộng đồng để chiến thắng bệnh Lao.
VŨ DUYÊN
09:09 24/11/2024
13:27 22/11/2024
15:26 16/11/2024