Hương vị Hải Phòng

17:49 20/02/2016

 

Bưởi Lâm Động
Bưởi Lâm Động

Hải Phòng - thành phố đầy hương sắc. Là vùng đất chuyển tiếp giữa lục địa và biển, giữa núi đồi và đồng bằng, thiên nhiên thành phố Cảng vô cùng đa dạng và đặc sắc. Ngày xuân, mời bạn cùng nếm thử một chút hương vị Hải Phòng trong những đặc sản là tinh hoa của đất trời vùng cửa biển…

Mọng, giòn bưởi Lâm Động

Với thổ nhưỡng, khí hậu đặc thù, xã Lâm Động từ xưa đã nổi tiếng khắp vùng với giống bưởi Lâm thơm ngon không thể lẫn với bưởi các nơi khác. Bưởi Lâm có hai loại, một loại có vỏ nhẵn vàng, ruột trắng, vị chua mát; loại kia vỏ và ruột hồng đào, vị ngọt đậm. Cả hai loại quả đều có hình thức đẹp, múi to đều, róc, tép bưởi căng mọng nước, ăn giòn. Mỗi quả nặng từ 1,5-2kg. Sau thu hoạch trên 2 tháng mà quả vẫn tươi ngon, màu sắc sáng đẹp.

Giống bưởi này cho năng suất cao, từ 200-500 quả/cây. Đặc biệt, bưởi Lâm cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán nên hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi quả bưởi giá 200-500 nghìn đồng, nhiều quả có giá bán tới 1 triệu đồng.

Nhiều người ở các địa phương khác mua cành bưởi Lâm về trồng nhưng hình thức, chất lượng không thể sánh được với bưởi trên đất Lâm Động. Dịp Tết năm nào cũng vậy, khách hàng từ các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương… phải đặt hàng từ trước hoặc về tận xã Lâm Động (huyện Thủy Nguyên) để mua bưởi.

Bưởi Lâm Động là một trong những cây trồng quý hiếm cần bảo tồn nguồn gen của nước ta hiện nay.

Ngọt lành táo Bàng La

Bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi về Bàng La (quận Đồ Sơn) vào mùa táo chín. Vùng đất ven biển nổi tiếng chua mặn này lại dâng cho đời những trái táo ngọt lành khó quên. Nhiều năm gần đây, táo Bàng La đã trở thành một thứ sản vật quý mà ít nhà nào ở Hải Phòng lại không thưởng thức.

Du khách đến vườn Táo Bàng La thưởng thức quả ngay tại cây
Du khách đến vườn Táo Bàng La thưởng thức quả ngay tại cây

Cây táo sinh trưởng tốt và cho quả chất lượng hảo hạng trên vùng đất chua mặn Bàng La khiến chính người dân địa phương cũng ngạc nhiên. Táo Bàng La ngon có tiếng “ngọt như đường cát, mát như đường phèn”, vị giòn, ngọt thanh, thơm, mọng nước mà hiếm loại táo ở nơi khác có được. Không những thế, táo ở đây còn an toàn, không có thuốc kích thích. Đặc biệt, cây lại sai quả, mỗi cây cho tới 100kg quả/vụ.

Táo Bàng La còn được gọi là táo “muối” vì được trồng trên nền những ruộng muối trước đây, và hầu hết đều do diêm dân chăm sóc. Những mùa táo ngọt dường như giúp xóa nhòa dần vị mặn chát một thời gian nan làm muối của người Bàng La.

Táo Bàng La luôn được giá, một sào táo thu được vài chục triệu đồng nên khắp làng trên xóm dưới đâu đâu cũng có vườn trồng táo. Thế mà chưa năm nào đủ bán. Vào mùa thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 1 âm lịch, làng trên xóm dưới nhộn nhịp cảnh thu hái, phân loại, bán mua, vận chuyển táo.

Hiện phường Bàng La có trên 70ha táo với khoảng 700 hộ dân trồng, sản lượng hàng năm trên một nghìn tấn. Mỗi hộ trồng táo thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Việc đưa cây táo vào trồng tại địa phương không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn mang lại một sản phẩm du lịch mới cho Đồ Sơn, thu hút du khách đến với Bàng La.

Lãnh đạo xã cho biết, cây táo được ông Nguyễn Quang Phát - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bàng La đưa về trồng tại xóm Đồng Tiến, xã Bàng La (nay là tổ dân phố Đồng Tiến, phường Bàng La) vào khoảng năm 1985.

Những giống táo đầu tiên được trồng ở Bàng La là táo ngọt quả tròn, táo Gia Lộc, táo Thiện Phiến, táo Triều Tiên… được cung cấp từ Viện Nghiên cứu Rau quả trung ương. Lúc đầu, ông Phát chỉ trồng thử nghiệm một số cây. Sau thấy cây táo sống tốt lại cho quả ngon, ông nhân giống cho bà con trong làng trồng. Từ năm 1990, cây táo được trồng đại trà ở Bàng La. Bà con cũng đầu tư thử nghiệm trồng nhiều loại giống táo mới có năng suất cao như: Táo Xuân 21, táo Má Đào… Khoảng 10 năm gần đây, người dân Bàng La đã tìm được giống táo lai cho chất lượng và năng suất cao.

Mướt xanh cau Cao Nhân

Qua bao thế hệ gắn bó với cây cau, người dân Cao Nhân (huyện Thủy Nguyên) đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu trong nghề trồng cau. Ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã tạo nên đặc sản cau Cao Nhân nổi tiếng khắp vùng.

Cau Cao Nhân
Cau Cao Nhân

Những quả cau xanh bóng, đều, to và đẹp như tranh vẽ của đất Cao Nhân có mặt ở khắp Hải Phòng và các tỉnh, thành bạn trong ngày rằm, mồng một, đặc biệt là trong lễ cưới, hỏi...

Mọi nhà ở Cao Nhân đều trồng cau, nhà ít hàng trăm, nhà nhiều có cả nghìn cây, cùng với rất nhiều gia đình sản xuất, kinh doanh, buôn bán các mặt hàng chế biến từ cau. Nơi đây đã được thành phố công nhận là “Làng nghề trồng và chế biến cau Cao Nhân”.

Thơm, giòn nếp cái hoa vàng Đại Thắng

Đây cũng là nguồn gen cây trồng quý hiếm cần được bảo tồn của Hải Phòng. Giống lúa này được gọi là "nếp cái hoa vàng" vì khi lúa trổ đòng, phấn hoa có màu vàng chứ không trắng như các loại lúa khác. Nếp cái hoa vàng ngon nhất khi được trồng trên đồng ruộng xã Đại Thắng, Tiên Lãng. Giống nếp cái hoa vàng Đại Thắng được lưu truyền tại đây từ rất lâu đời.

...
...

Nơi đây có đồng ruộng bao la, bằng phẳng, được phù sa sông Văn Úc và sông Mía bồi đắp nên có một điều kiện thổ nhưỡng riêng, rất phù hợp cho giống nếp cái hoa vàng. Giống lúa nếp này hạt mẩy, tròn, gạo dẻo và thơm. Vào vụ mùa, nhà nào ở Đại Thắng cũng cấy nếp cái hoa vàng.

Giống nếp đặc biệt này thường dùng đồ xôi, nấu rượu, làm tương, làm các loại bánh có sử dụng gạo nếp như bánh chưng... Bánh chưng gói bằng nếp cái hoa vàng dẻo thơm và có thể để được 15-20 ngày trong mùa lạnh mà không bị lại gạo. Khi nấu thành cơm hoặc xôi, sẽ cho hạt căng bóng, nở đều, dẻo và ráo nước, khi ăn có vị đậm, ngậy thơm. Hàm lượng các chất dinh dưỡng như protein, gluxit, vitamin B, tinh bột đều ở mức cao.

Hân Minh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông