Hút thuốc lá - coi chừng vô sinh

00:17 17/10/2015

Tỉ lệ người trưởng thành hút thuốc lá tại Việt Nam vẫn ở ngưỡng cao với gần 50% dân số hút thuốc. Thực trạng này làm cho hơn 73% người trưởng thành bị phơi nhiễm khói thuốc thụ động tại nhà, 60% người lao động bị phơi nhiễm khói thuốc tại nơi làm việc.

30% ca mắc mới bệnh ung thư do thuốc lá

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, hiện nay bệnh do thuốc lá ngày càng tăng. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy tỉ lệ mắc ung thư phổi ở người hút thuốc lá cao gấp 10-20 lần người không hút, cùng với nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng 10-15 lần và tai biến mạch máu não cao gấp 2-4 lần ở người hút. Hút thuốc lá còn làm giảm khả năng sinh dục, gây bất lực, tăng nguy cơ vô sinh ở cả 2 giới. Đáng chú ý, nữ giới hút thuốc lá làm tăng nguy cơ sẩy thai cao gấp 3 lần và giảm cân nặng ở trẻ sơ sinh từ 200-400g. Ngoài ra, hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc) cũng là nguyên nhân của 600.000 ca tử vong mỗi năm do các bệnh lý nguy hiểm, trong đó có 64% số tử vong là nữ.

Cũng về vấn đề này, TS Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội) nhấn mạnh thêm, mỗi năm cả nước có thêm khoảng 150.000 người mắc bệnh ung thư và hơn 7.500 người tử vong. Trong đó, 30% số ca mắc mới bệnh này là do thuốc lá gây ra. Hiện Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới với hơn 47% (khoảng 15 triệu nam giới trưởng thành) đang hút thuốc lá, 47 triệu người tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá.

Truyền thông là giải pháp hiệu quả

Theo thống kê của Bộ Y tế, tổng chi phí cho điều trị và chăm sóc của ba bệnh trong số 25 bệnh do thuốc lá gây ra là 2.304 tỷ đồng. Việt Nam hiện đang là một điểm nóng về vấn đề thuốc lá, tuy nhiên trên thực tế người dân hút thuốc vì không ý thức được sự độc hại, nguy hiểm của khói thuốc. Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy các chiến dịch truyền thông đại chúng là một trong các biện pháp hiệu quả nhất để khuyến khích mọi người không hút thuốc. Để hướng tới một Việt Nam không khói thuốc, Bộ Y tế và Trung ương Đoàn đã phát động chiến dịch truyền thông để giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam với sự trợ giúp của Quỹ Lá phổi thế giới.

Theo đánh giá của ông Gabit Ismailov, Phó chánh văn phòng Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đã có những hoạt động rất tốt để phòng chống tác hại của thuốc lá. Điều quan trọng nhất là Việt Nam phải thực hiện một môi trường không khói thuốc lá, đặc biệt ở các đối tượng thanh thiếu niên đang trong độ tuổi trưởng thành. Các nghiên cứu cho thấy truyền thông đại chúng là một trong các biện pháp hiệu quả nhất để khuyến khích mọi người không hút thuốc. Đó cũng là một trong các chiến lược của Tổ chức Y tế thế giới để làm giảm việc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá.

Theo đó, chiến dịch truyền thông sẽ có hai nội dung chính là truyền thông về tác hại của việc sử dụng thuốc lá và hút thuốc lá thụ động thông qua quảng bá các cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh in trên vỏ bao thuốc lá trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đồng thời, tổ chức cuộc thi sáng tác video clip, ảnh, tranh áp phích cổ động với chủ đề “Cuộc sống không khói thuốc lá” trên mạng xã hội nhằm khuyến khích giới trẻ tham gia hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá và bình chọn các ảnh, tranh áp phích và video clip hay và ý nghĩa nhất để ủng hộ việc xây dựng môi trường không khói thuốc lá.

VH


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông