Huyền thoại “rồng vàng” H.88

12:23 12/01/2024

Cách đây 36 năm, vào đúng sinh nhật Bác năm Mậu Thìn 1988, Đội Cảnh sát hình sự đặc biệt (H88) thuộc phòng CSHS-CATP Cảng được thành lập. Và chỉ hai năm sau, Đội đã làm nên kỳ tích hiếm có trong lịch sử CAND Việt Nam với danh hiệu Anh hùng LLVTND, để lại cho lớp chiến sĩ trẻ hôm nay bài học quý nóng hổi tính thời sự …

1. Những năm của thập niên 80 thế kỷ trước, kinh tế - xã hội của đất nước và thành phố Cảng Hải Phòng đối mặt trước muôn vàn khó khăn dẫn tới những diễn biến phức tạp về TTXH. Tội phạm nhất là hoạt động trắng trợn của các băng, ổ, nhóm sử dụng vũ khí nóng cướp của, giết người không chỉ khiến dư luận người dân thành phố hoang mang mà người ngoại tỉnh cũng rất ám ảnh, lo sợ khi đến Hải Phòng.

Trước tình hình đó, Thành ủy, Ban Giám đốc CATP đã họp bàn kỹ và đi tới quyết định thành lập một đơn vị mũi nhọn, tinh nhuệ chuyên trách phòng, chống cướp có tên gọi Đội Cảnh sát hình sự đặc biệt. Đích danh đồng chí Lê Danh Xương-Bí thư Thành ủy khi đó đã đặt bí số cho Đội là H88 với lời nhắn nhủ tin tưởng: “Đảng rất tin ở các đồng chí - những hạt giống đỏ…”

Đại tá Nguyễn Trường Tam- nguyên Phó trưởng Phòng Truy nã tội phạm CATP, một trong số các Đội trưởng của Đội nhớ lại: “Khi mới thành lập Đội có 27 trinh sát. Tất cả còn trẻ măng nhưng tràn đầy nhiệt huyết. Lúc ấy tôi cũng mới chỉ ngoài hai mươi, còn anh Quyên, anh Cương, anh Quân và cậu Nho mặt vẫn còn búng ra sữa”.

Cả một quá khứ oanh liệt, những năm tháng hào hùng như ào ạt ập về khiến vị Đại tá xúc động chìm đắm trong ký ức của một thời không quên khi ông cùng đồng đội đối mặt với những tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm, các băng ổ nhóm có tổ chức cấu kết chặt chẽ với những đối tượng ngoài thành phố, khi gây án thì manh động, lì lợm và tàn bạo, sẵn sàng xả súng chống trả quyết liệt khi bị vây bắt.

2. Thế rồi sau 12 ngày thành lập, H.88 xuất quân trận đầu. Thời điểm năm 1988, vườn hoa trung tâm thành phố và khu vực xung quanh quán Phong Lan là tụ điểm cực kỳ phức tạp. Lưu manh giang hồ tứ xứ, các tệ nạn cờ bạc, đĩ điếm, ma túy bám chặt vào dải đất này. Không ngày nào tại đây không có trộm cắp móc túi, cướp giật, đánh chém nhau xảy ra. Nhất là khi màn đêm buông xuống, TTXH gần như bị mất kiểm soát.

Theo đúng kế hoạch, bố trí lực lượng mai phục xong, toàn Đội dùng chiến thuật bao vây, truy quét, chốt chặn và dồn các đối tượng vào những chiếc bẫy giăng sẵn. Không khác gì một trận quét rác. Trận tập kích này, Đội đã bắt 5 tên côn đồ có tiếng chuyên đâm thuê chém mướn, thu 1 lựu đạn và 3 dao lê, côn quay, gậy sắt…

Tiếng tăm của H.88 bắt đầu nổi như cồn sau trận đánh đó. Đến nỗi vào đầu năm 1997, người viết bài báo này đi công tác tại Trại giam Kim Chi (Hải Dương) được một phạm nhân níu lại xuýt xoa khen: “Hải Phòng các anh có Đội H88, bọn em cả mấy tỉnh phía Bắc nghe cứ là khiếp…”. Quả đúng là vậy, những trang vàng chiến công của H.88 chỉ ngày một dày thêm. Đó là các chiến công tiêu diệt những tên cướp mang đầy tội ác như Minh “mộc”, Phúc “sâm”, những Nhật “xoăn”, Lợi “ét”… Nhiều người dân đất Cảng hết lời ca ngợi những chiến binh H.88 đầy mưu trí, dũng cảm song ít ai hiểu rõ cái trí, cái dũng ấy hiển hiện cụ thể thế nào của những con người luôn xuất quỷ, nhập thần khiến tội phạm không tài nào thoát nổi.

Còn nhớ, dạo tháng 3/1988, ở Hải Phòng nổi lên nạn trấn, cướp trên xe khách. Không chỉ dùng dao lê, bọn tội phạm còn dùng vũ khí nóng tấn công, cướp đoạt tiền, vàng, đồ đạc, hàng hóa của các nạn nhân. Điển hình là tuyến đường bộ từ Bến Bính đi Bến Đụn-Phà Rừng. Tuy chỉ có 20km nhưng bọn cướp đã chia thành 3 điểm lên xuống xe để thực hiện hành vi phạm tội. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ và trực tiếp giả làm hành khách theo các chuyến xe, trinh sát đã nắm được quy luật hoạt động, lập phương án nghiêm trị các toán cướp.

Ngày 4/7/1988, 6 trinh sát H.88 đã hóa trang kỹ trên 2 xe khách tuyến Hải Phòng - Đông Triều xuất phát từ Bến Bính lúc 8 giờ sáng. Khi đến ngã 3 Trịnh Xá, xã Thiên Hương, Thủy Nguyên, có 3 thanh niên nhảy lên xe, trong số này có 2 tên cướp là Cao Văn Minh và Đỗ Văn Sinh, ở xã Hòa Bình, cùng huyện. Một tên sau đó chèn người để đồng bọn dùng lê uy hiếp bắt mọi người phải nộp tiền cho chúng. Quyết không để chúng gây hậu họa, sau tiếng hô đanh gọn của trinh sát cùng 1 phát súng chỉ thiên cảnh cáo, tên Minh vung lưỡi lê đâm thẳng trinh sát. Tên Sinh cũng rút dao lao vào tiếp ứng. Đúng lúc hai tên cướp táo tợn chồng người lên nhau, rất khéo léo, trinh sát hạ thấp tay bắn một phát đạn xuyên táo làm hai tên chết gục tại chỗ trong khi xe chở 70 hành khách vẫn chạy mà không ai bị thương tích.

H88 vây bắt tội phạm trên đường phố Hải Phòng

Sau thắng lợi này, Đội tiếp tục triệt phá 4 ổ nhóm khác bắt 16 tên, thu 1 súng, 2 lựu đạn, 7 dao lê, làm ổn định ANTT trên toàn tuyến.

Ngoài những chiến công đó, còn phải kể tới hàng loạt trận đánh đi vào giáo trình của khoa học hình sự như vụ bắt tên Tuấn “lý” luôn thủ sẵn lựu đạn, dao găm bằng “chiêu” vừa bủa vây, vừa mai phục, cho đối thủ “đo ván” khi hắn chưa kịp trở tay; vụ bắt tên Hoàng Xuân Hương, tên lưu manh mới được tha tù chuyên cưỡng đoạt tài sản ở địa bàn huyện Thủy Nguyên. Xã hội hóa “vào hang bắt cọp”, nắm được ý đồ hắn sẽ sang nội thành “ra mắt” 1 băng cướp bằng 2 quả lựu đạn mỏ vịt, trinh sát Đội đã tóm gọn Hương tại nhà hàng bên cạnh trụ sở Thành Đoàn Hải Phòng.

Rồi nữa, lúc 10h30` ngày 3/12/1989, nhận tin tên Đỗ Đức Sinh cùng đồng bọn đang chuẩn bị súng chặn cướp xe khách liên vận Quảng Ninh-Thái Bình tại khu vực xã Thủy Đường (Thủy Nguyên) cách xa nơi đơn vị đóng quân hơn 10km. Kể như bây giờ mọi sự quá dễ. Nhưng lúc đó rất thiếu phương tiện, lại phải qua cầu, qua phà. Song chỉ huy Đội vẫn quyết tâm vừa chuyển quân, vừa bàn phương án tác chiến trên đường. Thật may, lúc đến nơi thì xe liên vận cũng dừng bánh. Trinh sát quật ngã tên Sinh, thu trong người hắn 1 khẩu súng Colbat12 Mỹ với 7 viên đạn, trong đó 1 viên đã lên nòng.

3. Đã đánh là thắng, đánh trúng đối tượng, đánh dập đầu rắn độc. Đó là phương châm bất di bất dịch Đội H88 thực hiện trong chuyên án 490S phá ổ côn đồ chuyên buôn bán vũ khí, buôn bán phụ nữ và cướp trên sông. Địa bàn hoạt động của bọn này rất rộng từ Hải Phòng trải dài ra Móng Cái, Quảng Ninh sang cả bên kia biên giới.

Với phương án chia nhỏ đám đối tượng, cài trinh sát nội tuyến vào cơ sở của chúng, khéo léo và cuốn chúng vào “cuộc chơi” đã được xếp đặt, toàn Đội đã đưa chúng vào đúng “điểm rơi” đã bố trí. 2 tên đầu sỏ sa lưới với chứng cứ không thể chối cãi gồm súng ngắn, dao lê trong người, qua đấu tranh khai thác, H.88 đã bắt tiếp 3 đối tượng, thu 1 súng AK, 37 viên đạn, 1 súng tự tạo và 2 kíp mìn. 

Một chiến dịch “dài hơi” khác thể hiện được tính xung kích, phẩm chất anh hùng của các trinh sát mà K45 là một ví dụ. Chiến dịch được triển khai từ 14/5/1989 và H88 được giao trọng trách là đơn vị mũi nhọn với yêu cầu 45 ngày đêm phải chặn đứng ổ cướp trên tuyến ô tô từ nội thành đi các tỉnh. Bọn cướp này gồm 7 tên được tổ chức thành một đường dây. Mắt xích yếu nhất trong đó là tên Phùng Văn Chiến, mới 17 tuổi, tuy tàn bạo, hung hãn khi gây án nhưng lại ít từng trải. Đột phá vào “mắt xích” đó, chỉ vài “đòn” nghiệp vụ, trinh sát buộc nó khai tông tốc. Toàn bộ bọn còn lại đều bị bắt cùng 1 súng K54, 3 dao lê. Tiếp đó là chuyên án 045C, Đội đã phối hợp với CA tỉnh Hải Dương và Thái Bình bắt 5 tên cũng chuyên cướp bóc trên các chuyến xe.

Có lần gặp cố Đại tá Nguyễn Trọng Lộ-nguyên Phó trưởng Phòng CSHS thời kỳ đó, cũng là người trực tiếp phụ trách và kiêm Đội trưởng H88 lúc mới thành lập, ông lý giải: “Yếu tố tạo nên chất thép của Đội chính là có sự thống nhất cao từ Thành ủy đến Đảng ủy CATP, lãnh đạo Phòng khi sáng suốt đưa ra quyết định thành lập H88 vào đúng thời điểm, đáp ứng nguyện vọng mong mỏi của nhân dân về một “quả đấm thép” trấn áp mạnh mẽ bọn tội phạm hình sự nguy hiểm, những tên côn đồ hung hãn. Là sự toàn tâm, toàn ý, nhất trí, đoàn kết cao độ của CBCS trong tập thể Đội cùng các phương án chiến đấu sáng tạo, linh hoạt, sát thực tế, cộng tinh thần mưu trí, dũng cảm vô song; tính kỷ luật và ý chí lập công tập thể của mỗi trinh sát”.

Ông Lộ còn kể cho nghe những lần đi làm án đêm hôm rét mướt, anh em gom từng đồng để mua cho mỗi người 1 chiếc bánh bao đỡ lòng. Từ trong gian khó, khắc phục mọi thiếu thốn, Đội đã liên tiếp lập công, làm nên những trận đánh để đời trong lịch sử của lính hình sự.

Thống kê cho thấy, trong 2 năm, riêng H88 đã xác lập 30 chuyên án, phá 138 vụ án hình sự, bắt 201 tên cướp, cưỡng đoạt tài sản; thu 21 súng, 23 lựu đạn, hàng chục lê, dao găm. Có tên cướp đã bị tiêu diệt tại chỗ, nhiều tên chịu những mức án cao. Ấy thế, nhưng khi đưa thành tích của Đội H88 lên xét duyệt danh hiệu Anh hùng thì cũng có ý kiến so sánh Đội với các địa phương khác toàn chiến công vang dội, lẫy lừng. Đại tá Lộ mới đáp: “Ở CATP Hải Phòng thì H88 là nhất. Đánh hàng trăm trận lớn nhỏ nhưng không có CBCS nào bị thương vong, đặc biệt là an toàn tuyệt đối tính mạng, sức khỏe cho người dân, ổn định  ANTT thành phố chỉ trong thời gian rất ngắn.”

Ngày 19-8-1990, Đội H88 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Tuổi con Rồng luôn vươn mình lớn dậy, các thế hệ của Đội sau này còn lập nên nhiều chiến công hiển hách, đặc biệt họ còn là nhân tố quan trọng xây dựng đơn vị ngày một trưởng thành vững mạnh. Chính vì lẽ đó, năm 1995, Phòng CSHS - CATP Cảng đã tiếp tục vinh dự được nhận danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND…

NGỌC PHÚC

Từ khóa:hosovuan
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông