Kẻ cuồng tín nghệ thuật điêu khắc

18:35 29/09/2013

Điêu khắc với ông giống như người tình trong mộng, quyến rũ, bí ẩn khiến cả đời ông khao khát tìm kiếm. Nhiều khi đôi mắt ông tham lam quá, khiến đôi tay không kịp đuổi. Nhìn cái gì cũng rung cảm, mủi lòng và thấy đẹp. Ông sống nhanh, sống vội, sống gấp, lo sợ không còn thời gian để hoàn thành những tác phẩm điêu khắc đang ấp ủ. Kẻ cuồng tín nghệ thuật điêu khắc ấy mang trong mình đầy thương tật chiến tranh.
Điêu khắc với ông giống như người tình trong mộng, quyến rũ, bí ẩn khiến cả đời ông khao khát tìm kiếm. Nhiều khi đôi mắt ông tham lam quá, khiến đôi tay không kịp đuổi. Nhìn cái gì cũng rung cảm, mủi lòng và thấy đẹp. Ông sống nhanh, sống vội, sống gấp, lo sợ không còn thời gian để hoàn thành những tác phẩm điêu khắc đang ấp ủ. Kẻ cuồng tín nghệ thuật điêu khắc ấy mang trong mình đầy thương tật chiến tranh. Ông là nghệ nhân Phạm Ngọc Lâm, sinh năm 1940, hiện đang sống tại số nhà 17 phố Lương Văn Can, Hải Phòng.

Ông Lâm và “Ban nhạc đồng nát”
Ông Lâm và “Ban nhạc đồng nát”

Con tằm rút ruột…

Ông Lâm là cháu của đại danh sư Phạm Quý Thích - một danh sĩ ẩn dật đáng kính cuối thời Hậu Lê, đầu thời Nguyễn mà lịch sử còn ghi chép lại. Truyền thống gia đình vừa khiến ông tự hào, vừa thôi thúc ông phải sống trách nhiệm và sống có ý nghĩa.

Tốt nghiệp loại giỏi Trường ĐH Mỹ Thuật, ông Lâm lên đường tòng quân, tham gia chiến dịch Khe Sanh, Quảng Trị. Cuộc chiến đấu trên dọc tuyến đường Trường Sơn được ông tái hiện qua nhiều bức kí họa, ghi chép, sau đó thể hiện trên chất liệu bằng đồng, làm nên những tuyệt phẩm. Tiêu biểu phải kể đến tác phẩm “Voi Trường Sơn”, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm này miêu tả sự chiến đấu quật cường của bộ đội và dân công ta. Bức tranh vừa mang tính hiện thực vừa mang tính biểu trưng, mỗi con người Việt Nam tham gia trận chiến ấy đều trở thành một con voi Trường Sơn khổng lồ có sức mạnh vô địch để tiêu diệt kẻ thù.

Đi qua cuộc chiến, các đề tài về hiện thực cuộc sống đã được ông Lâm khai thác triệt để. Đầu ông luôn quay cuồng với những ý tưởng sáng tạo, trong khi trái tim nghệ sỹ của ông lại quá nhạy cảm. Thói quen đi lang thang tìm ý tưởng đã dẫn ông đến với những hiện thực và cả hư ảo của đời sống. Tác phẩm điêu khắc gò đồng “Mẹ Cổ Am” của ông ra đời ít nhiều bị ảnh hưởng bởi cái tục từ câu ca dao xưa “Gà Tò, lợn Tó, vó Vạn Đồn,........ cam Hành Thiện”. 

                            

                           Tác phẩm “Mẹ Cổ Am” lấy tứ từ một câu ca dao xưa

Cùng với hiện thực cuộc sống, tác phẩm “Mẹ Cổ Am” của ông Lâm đã khiến người xem rất thú vị với hình tượng người mẹ tảo tần kiếm kế sinh nhai để chăm chút cho đàn con thơ, học hành đỗ đạt, trở thành những trạng nguyên xuất chúng, để mảnh đất Cổ Am (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) luôn là cái nôi của tinh thần hiếu học, ươm mầm những tài năng cho đất nước như ngày nay. Những người mẹ Cổ Am đã sinh ra nhiều hiền tài cho quê hương, đất nước.

Tác phẩm “Dinh dưỡng trần gian” của ông khi được trưng bày trong triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2005 đã tạo nên một dấu ấn đặc biệt. Tác phẩm này có 52 nhân vật, mô tả đời sống nhân loại xoay quanh chủ đề lương thực, nguồn dinh dưỡng của con người, đó là bức tranh thu nhỏ về một xã hội với tất cả sự trần tục trong hành trình đi kiếm tìm “miếng cơm”.

Tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao về bố cục hiện đại và giá trị nghệ thuật, đạt giải đồng hạng và giải khuyến khích. Ông Lâm và cô con gái cưng Lâm Phương (ca sỹ đạt giải nhì giọng hát hay toàn quốc 1998) rất ưng tác phẩm này nên dù một người Mỹ hâm mộ đã trả tới 30.000 USD để mua nó nhưng ông đã không bán mà làm kỷ vật tặng con gái.

Sáng tác trong nhà thương điên

Bên cạnh những mảng màu tươi tắn, ông Lâm còn đề cập đến những mảng tối u buồn của cuộc sống. Xem tác phẩm “Nỗi buồn nhân thế” của ông Lâm, chúng ta càng nghiệm ra cái triết lý của nhà Phật “Đời là bể khổ”. Bức tranh mô tả hình ảnh Phật bà nghìn mắt nghìn tay mắt nhắm nghiền, tai lắng nghe tiếng nhân loại đang kêu gào thảm thiết bởi chiến tranh, thiên tai địch họa, đau đớn và chết chóc.

                         

                                   Tác phẩm “Lời của biển”

Tác phẩm “Lời của biển” khiến người xem rùng mình vì hoàn cảnh ra đời của nó. Đó là khi ông tham gia nạo vét bùn tại dòng sông Tô Lịch (Hà Nội). Ông phát hiện phía dưới lòng sông là những mảnh gốm sứ cổ xưa, phía trên là những con cá chết nổi lềnh bềnh trong dòng nước sông ô nhiễm đen kịt. Tham gia nạo vét lòng sông cùng ông, có người đã phải “về với thế giới bên kia”. Nhân hiện thực này, ông đã sáng tạo nên tác phẩm “Lời của biển” để nói với nhân loại rằng, sự ô nhiễm môi trường đang giết chết sự sống và con người đang dần bị trả giá vì đã xúc phạm đến thiên nhiên. Tác phẩm này của ông Lâm đã đạt giải đặc biệt của Quỹ Thụy Điển Việt Nam tại triển lãm điêu khắc toàn quốc lần thứ IV (1993-2003).

Do ảnh hưởng của chất độc da cam, một thời gian dài ông phải ở trong Bệnh viện tâm thần Hải Phòng. Chính trong thời gian đó, ông đã cho ra đời tác phẩm “Con thuyền đi đòi công lý”. Ông đi nhặt nhạnh những mẩu đồng cũ để chắp vá thành tác phẩm sống động với những em bé khác màu da, những lá quốc kỳ đủ màu sắc, những chiếc đèn công lý, những chùm chìa khóa lương tâm, những vết thương tàn khốc của chất độc da cam để lại hậu chiến tranh…

Một điều rất ngạc nhiên, sau này ông mới phát hiện ra là trên thế giới cũng có tác phẩm nổi tiếng về con thuyền với những bánh xe khổng lồ, đặc biệt cũng được làm ra bởi một người đàn ông… điên.

Ông Lâm có thể sáng tác trên nhiều chất liệu, nhưng say mê nhất vẫn là trên chất liệu đồng với tranh gò đồng, phù điêu đồng, gò đồng nền sơn mài inox. Những tác phẩm của ông không chỉ được vẽ bằng bút, bằng giấy mà còn bằng búa, bằng đục và bằng... lửa. Vất vả ghê gớm lắm. Để làm nên được một tác phẩm tranh gò đồng, ông phải dùng tới hàng triệu nhát búa, mà lại phải gò bằng tay trần trên kim loại rắn, trong khi sức khỏe của ông suy kiệt do chất độc da cam tàn phá, phổi phải của ông đã bị cắt do ung thư, ngoài ra, ông còn bị u xơ thần kinh Malin má trái. Thế nhưng, ông cứ miệt mài làm việc, mặc những cơn đau đớn hành xác.

Nhiều tác phẩm gò đồng có kích thước lớn, gò nổi công phu mang giá trị nội dung và tính thẩm mỹ cao của ông đã ra đời thời gian gần đây, như bức phù điêu gò đồng “Về với cội nguồn” đạt giải Cúp vàng Quốc gia năm 2004; "Khát vọng ngành điện" hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cách Mạng Việt Nam, tác phẩm "Hái quả" hiện đang trưng bày tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô, tác phẩm "Khát vọng người Việt" trưng bày tại Phòng công nghiệp thương mại Việt Nam - Hà Nội.

Người nghệ nhân đa tài đa cảm ấy đang ấp ủ dự án làm một tác phẩm lớn để lại cho hậu thế với cái tên “Thiên đường xanh”. Bức tranh ấy sẽ miêu tả về vùng đất Khe Sanh nổi tiếng, quê hương của những người Vân Kiều trước khi cuộc chiến với đế quốc Mỹ xảy ra. Đó là một nơi đẹp mê hồn với cây cối tốt tươi, những người đàn ông, đàn bà khỏe mạnh yêu đời, hồn nhiên, dung dị. Một thế giới đối lập với cái thế giới mà người Mỹ đã mệnh danh là “Địa ngục của trần gian”…

Cầu chúc nghệ nhân Phạm Ngọc Lâm sớm hoàn thành tâm nguyện của mình và mong ông giữ gìn sức khỏe để tiếp tục tạo lên những tác phẩm tranh gò đồng rung động lòng người.

"Lâm có sức sáng tạo đáng nể, một nghệ sỹ có tài năng và hắn là một kẻ yêu cuồng tín điêu khắc", hoạ sỹ Lê Bá Hạnh, đồng nghiệp của nghệ nhân Phạm  Ngọc Lâm nhận xét.



Thu Duyên


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông