"Sát thủ thầm lặng” đến từ không gian ảo

    23:14 15/11/2020

    Thời đại công nghệ, chuyện bố mẹ cho con một chiếc smartphone, hoặc Ipad, máy tính để chơi thay vì đến công viên, khu vui chơi ngoài trời… đã không còn là chuyện hiếm gặp. Cứ nghĩ, con chỉ ở nhà không gặp người lạ thì sẽ ít nguy cơ, song ngược lại những “người lạ” trên không gian mạng đã tiêm nhiễm vào tâm trí trẻ thơ những thông tin không hoàn chỉnh, thậm chí dạy các bé tự sát…

     

    Cái chết oan uổng của bé gái 5 tuổi

    Mới đây nhất, cái chết thương tâm của một bé gái 5 tuổi, sinh sống tại quận Tân Phú, TP. HCM, được cho là xuất phát từ “trò chơi treo cổ” trên Youtube. Theo chia sẻ của người thân cháu bé trên mạng xã hội, sự việc xảy ra lúc 14h10 phút ngày 12-10 vừa qua, trong khi bố mẹ đi làm, cháu V.T.D (5 tuổi) ở nhà với ông bà ngoại. Chỉ một vài phút người lớn không để ý, D. đã học theo trò chơi trên Youtube bằng cách lấy một chiếc khăn voan buộc vào thành giường tầng trong phòng ngủ và tự treo cổ mình. Khi cả gia đình phát hiện thì D. đã rơi vào trạng thái bất tỉnh. Mọi người tá hỏa và lập tức đưa D. đến bệnh viện để cấp cứu. Tuy nhiên, đến 18h10 phút thì cháu D. qua đời. Các bác sĩ kết luận cháu tử vong do bị ngạt, chết não, ngưng tim.

    "Trẻ con rất hiếu động và nghịch nghợm, đôi khi không biết được rằng chỉ một chút hiếu kỳ mà dẫn đến hậu quả quá nặng nề. Cháu gái của mình mất do nghịch dại theo mấy clip trên Youtube mà cháu đã vài lần vô tình xem được, gia đình cũng không thể kiểm soát hết. 

    Chỉ có mấy phút không để mắt tới cháu mà một đứa trẻ 5 tuổi hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng ấy đã ra đi mãi mãi. Cháu của mình rất ngoan ngoãn, thông minh và lễ phép, cháu không đáng phải nhận kết thúc bi thảm này. Cháu chỉ nghĩ rằng mình đang chơi một trò chơi vô hại mà thôi.

    Cả một tương lai phía tước vẫn còn dài, cháu chỉ mới bắt đầu đi học được những nét chữ đầu tiên, vậy mà bây giờ cháu ra đi, để lại cho người thân ông bà, bố mẹ, cô, dì, chú, bác niềm đau mất mát, xót xa.

    Tất cả đã không kịp, không thể chiến thắng được tử thần để rồi mang đi đứa trẻ ngoan ngoãn, xinh xắn rời xa xa vòng tay gia đình, xa bố mẹ, ông bà, người thân mãi mãi...", chị Ngô Nguyệt, dì cháu bé chia sẻ.

    D. được dì nhận xét là ngoan ngoãn, thông minh và lễ phép. Cháu chỉ nghĩ rằng mình đang chơi một trò chơi vô hại, nhưng không ngờ kết cục lại thương tâm đến vậy. Chia sẻ thông tin này đến mọi người, chị Nguyệt hy vọng sẽ không còn đứa trẻ nào gặp phải tình huống đau thương như cháu gái của chị. Đồng thời, chị muốn cảnh tỉnh tất cả các bậc phụ huynh cần chú ý đến những thứ mà con xem trên Youtube hàng ngày. Bởi bây giờ chỉ vì vài cái view, vài lượt đăng ký kênh mà các kênh Youtube bất chấp dạy trẻ những điều làm hại bản thân trong khi các cháu còn chưa nhận thức được mọi thứ…

    "Sát thủ thầm lặng"

    Youtube là một sân chơi rộng, đồng nghĩa với việc nội dung đăng tải ở đó sẽ khó kiểm soát hơn và dễ gây ảnh hưởng xấu đến trẻ em. Khi xác định lấy Youtube làm cần câu cơm, nhiều Youtuber bắt đầu lạm dụng chiêu trò để câu view, bất chấp các chuẩn mực đạo đức. Điều dễ nhận thấy, các clip trên mạng xã hội như Facebook, Youtube có lượt xem cao thường là về giải trí hoặc những chuyện giật gân, độc, lạ. Đó là lý do mà các kênh  của Youtuber mới nổi thu hút lượt view cao thường tìm những chiêu trò khai thác vào yếu tố “độc”, “lạ” thậm chí có tính giật gân. Đơn cử như chiêu trò “thử thách” thả dao từ trên cao đầy nguy hiểm mà một Youtuber từng làm và bị phụ huynh phản đối gay gắt. Một số clip phản cảm khác lại hướng dẫn thắt cổ, nhảy xuống dòng nước chảy siết…

    Con số của Viện nghiên cứu phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế, tại Việt Nam, hơn 66% trẻ em có thể tiếp cận kết nối internet; và 43% trẻ em tiếp cận mạng internet từ 30 phút đến 1 tiếng/ngày. Mỗi ngày Youtube, Facebook đăng tải hơn 500 giờ clip, video lên mạng xã hội và điều này cho thấy luồng thông tin khổng lồ đang dồn dập “đổ” xuống đầu thanh, thiếu niên. Theo PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), trẻ em xem video hàng ngày sẽ tác động đến suy nghĩ, phát ngôn và làm theo là điều xem nghe. Những điều phản cảm lặp đi lặp lại sẽ được trẻ em coi là bình thường nên nhiều bạn cùng bắt chước. Do đó, video trên mạng đang tác động đến định hướng của giới trẻ.

    Theo thông báo của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trong hơn 2 năm qua, lực lượng chức năng đã yêu cầu Google gỡ bỏ, vô hiệu hóa hơn 6.300 clip, 3 kênh Youtube (gồm 2 kênh của Khá “Bảnh” và 1 kênh của Dũng “trọc”). Bên cạnh đó, một số cá nhân là các vlogger có lượng người theo dõi lớn thường xuyên sản xuất các nội dung “nhảm”, phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục cũng đã bị cơ quan chức năng xử lý.

    Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục siết chặt quản lý, có chế tài mạnh tay xử lý những video phản cảm cố tình dùng chiêu trò câu view. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng cần kiểm soát, nâng cao năng lực tự vệ của trẻ em trước những nguy cơ tiềm ẩn đến từ không gian mang, không để việc xảy ra thì đã quá muộn màng…

    HẢI HẬU

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông