16:58 20/01/2020 Nhằm chủ động thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC), thủy sản nuôi; giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh động vật xâm nhập, phát sinh, góp phần giảm thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra cho các hộ chăn nuôi, nuôi thủy sản; hạn chế sự lây nhiễm dịch từ GSGC sang người; đảm bảo an toàn sinh học cho người trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch; tiêm vắc xin tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm... UBND TP vừa ban hành quyết định số 148/QĐ-UBND ngày 17-1-2020 về việc phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật năm 2020 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND TP giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp cùng các ngành liên quan, UBND các huyện, quận tổ chức triển khai, tổng hợp báo cáo kết quả tiêm phòng về UBND TP. Tham mưu cho UBND TP quyết định sử dụng vật tư, vắc xin, hóa chất dự phòng cấp cho các địa phương kịp thời chống dịch theo quy định. Xây dựng kế hoạch bổ sung vật tư, vắc xin, hóa chất dự phòng hàng năm và khi phát sinh ổ dịch bệnh động vật thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch, bệnh mới chưa bổ sung vào danh mục hoặc chưa xác định được nguyên nhân trên địa bàn thành phố trình UBND TP phê duyệt...
Công an thành phố, Cục Quản lý thị trường bố trí cán bộ CSGT, quản lý thị trường tham gia, tăng cường lực lượng liên ngành tại Trạm kiểm dịch động vật cố định cầu Đá Bạc, các chốt kiểm dịch động vật tạm thời; thường trực 24/24h nhằm kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...
UBND, BCĐ phòng chống dịch bệnh động vật các huyện, quận, xã, phường, thị trấn căn cứ kế hoạch của thành phố, xây dựng kế hoạch tiêm phòng của địa phương; tổ chức triển khai nghiêm túc công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm, đảm bảo đúng tiến độ, đối tượng theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kiểm kê, lập danh sách số lượng gia cầm cần tiêm phòng trong từng ngày để cân đối lượng vắc xin sử dụng, tuyệt đối không lãng phí vắc xin. Tổ chức giám sát phát hiện ổ dịch, xác định vùng nhiễm bệnh, vùng dịch có nguy cơ lây nhiễm đảm bảo đúng đối tượng được hỗ trợ vật tư, vắc xin, hóa chất dự phòng chống dịch... Thường xuyên báo cáo bằng văn bản tiến độ, kết quả thực hiện, những khó khăn phát sinh trong quá trình tiêm phòng về Sở NN&PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi & Thú y – SĐT đường dây nóng: 0225.3876.328) để kịp thời phối hợp xử lý, tổng hợp, báo cáo UBND TP, Bộ NN&PTNT..
KC
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão