Kết nối du lịch Hải Phòng - Quảng Ninh: Hướng phát triển du lịch vùng hiệu quả

10:16 03/06/2018

Hải Phòng và Quảng Ninh đã thống nhất buổi làm việc giữa hai địa phương để tìm giải pháp kết nối du lịch, cùng hướng tới xây dựng một môi trường du lịch thân thiện, văn minh, hiện đại. Đây là một hành động thiết thực nhằm tăng cường phối hợp phát triển du lịch vùng hiệu quả...

Kết nối du lịch Hải Phòng - Quảng Ninh nhằm xây dựng liên kết vùng du lịch

Tất yếu cần liên kết vùng

Quảng Ninh có 170 km đường biên giới biển, đồng thời có điều kiện thu hút khách đường bộ. Hiện tại, khách Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc nối tua đến Hải Phòng còn ít, đòi hỏi sự hợp tác du lịch giữa hai địa phương để có giải pháp tăng lượng khách đi theo các tua du lịch liên vùng.

Ngoài ra, Hải Phòng - Quảng Ninh cùng nằm trên tuyến du lịch đường biển đi Singapore, Malaixia và đã có nhiều tàu du lịch thường xuyên cập cảng. Du lịch liên kết sẽ đưa lượng khách tàu biển từ Hạ Long của Quảng Ninh có thể đi tiếp đến TP Hải Phòng hoặc thăm Cát Bà, qua đó góp phần đa dạng hóa hành trình của du khách đường biển.

Thành phố Hải Phòng có nhiều tài nguyên du lịch thích hợp phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, du lịch văn hóa và có thế mạnh phát triển du lịch đô thị. Hải Phòng cần biết phát huy hình ảnh của một thành phố cảng lịch sử và hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm du lịch, cửa ngõ trung chuyển du khách của miền bắc nước ta, tập trung đầu tư phát triển loại hình du lịch MICE tổ chức sự kiện, triển lãm, hội nghị, hội thảo bởi lợi thế có sân bay Cát Bi, cách Hà Nội không xa, lại có cơ sở hạ tầng của đô thị loại một được quan tâm đầu tư nhiều.

Ngành du lịch thành phố tiếp tục tập trung khảo sát, lập quy hoạch, đề án đầu tư, khôi phục khu di tích lịch sử Bạch Ðằng, khảo sát đảo Cát Hải để hình thành các điểm du lịch nghỉ tại nhà dân để khách được trải nghiệm cuộc sống của cư dân đảo, tham gia làm muối, đánh cá hoặc khảo sát phát triển du lịch sinh thái biển khu vực đảo Bạch Long Vĩ...

Trong khi đó, đối với Quảng Ninh, còn có thể tổ chức khai thác nhiều loại hình du lịch ngoài khu vực vịnh Hạ Long như mở rộng khai thác các cụm du lịch còn khá nguyên sơ ở các đảo trong vịnh Bái Tử Long...

Những năm gần đây, giữa hai địa phương Hải Phòng và Quảng Ninh đang có sự kết nối mạnh mẽ về giao thông. Khi sân bay Cát Bi của Hải Phòng được nâng cấp đón khách quốc tế, thành phố đã trở thành cửa ngõ đón và trung chuyển khách hàng không lớn thứ hai sau Hà Nội.

Hải Phòng - Quảng Ninh có thể khai thác tốt lợi thế này để quảng bá thu hút khách đường không, đặc biệt là thu hút các chuyến bay thuê bao cho các đoàn khách quốc tế đến sân bay Cát Bi tham quan du lịch Hải Phòng, sau đó tới Quảng Ninh và các điểm đến khác trong vùng.

Cùng với đó, khi tuyến đường sắt nối Côn Minh - Nam Ninh với một số tỉnh phía bắc nước ta được nâng cấp dành cho vận chuyển du khách thì cả Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ là điểm đến chung của du khách trên tuyến hành lang hợp tác kinh tế nối các tỉnh phía bắc nước ta với các tỉnh tây nam và phía nam của Trung Quốc, thu hút khách du lịch nước bạn bằng đường sắt.

Đặc biệt, tuyến giao thông huyết mạch cầu Bạch Đằng, tuyến cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh; những vùng giáp ranh, như: Cát Bà - Hạ Long, khu vực sông Bạch Ðằng đang tượng hình những điểm đến cao cấp của Du lịch Việt Nam... hình thành trong tương lai gần sẽ thúc đẩy sự liên kết vùng về du lịch Hải Phòng - Quảng Ninh là tất yếu.

Kết nối cùng phát triển

Liên kết để cùng phát triển du lịch là một giải pháp hữu hiệu góp phần bổ sung, đa dạng hóa, tạo ra sức hấp dẫn chung cho các sản  phẩm du lịch của địa phương. Thông qua đa dạng hóa sản phẩm du lịch của mỗi vùng, miền sẽ tạo ra một chuỗi sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn của điểm đến du lịch, thúc đẩy lượng khách đến.

Với tiềm năng du lịch của Hải Phòng và Quảng Ninh, thực hiện liên kết tốt sẽ bổ trợ cho nhau, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch lôi cuốn và mang lại những kết quả khả quan cho hoạt động du lịch.

Tin từ Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng cho hay, trong các ngày 31-5 và 1-6, hai địa phương Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ cùng họp bàn về phương án kết nối du lịch, kết nối phương tiện thủy, phục vụ du khách giữa Hạ Long và Cát Bà.

Theo đó, UBND TP Hải Phòng đã giao Sở Du lịch chủ trì cùng Sở Giao thông vận tải, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, Công an thành phố, UBND huyện Cát Hải, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Vườn Quốc gia Cát Bà, Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà chuẩn bị các điều kiện, nội dung liên quan để làm việc với phía Quảng Ninh.

Đồng thời, Hải Phòng đã cử lãnh đạo tham gia chương trình làm việc và phối hợp chặt chẽ với đoàn công tác của Tổng cục Du lịch sẽ khảo sát và làm việc tại Hạ Long và Cát Bà vào 2 ngày 31-5 và ngày 1-6. Theo kế hoạch, trong 2 ngày làm việc, dưới sự chủ trì của Tổng cục Du lịch, đoàn công tác của hai địa phương sẽ khảo sát tại Cát Bà và Hạ Long. Sau đó, vào chiều 1-6, sẽ tổ chức buổi làm việc chung tại trụ sở Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh.

Cùng với việc hoạch định chính sách, quy chế phối hợp cùng phát triển du lịch vùng thì quan trọng là hai địa phương nên có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xây dựng những tua du lịch mới nhằm lôi kéo khách quốc tế đến. Hải Phòng - Quảng Ninh nên phối hợp tạo điều kiện để các hãng lữ hành nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc để chào bán trong bốí cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay để nâng cao hơn sức cạnh tranh cho ngành du lịch hai địa phương; hợp tác các tỉnh duyên hải Bắc Bộ để xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng, hình thành các tua có nhiều trải nghiệm thú vị như leo núi, đi xe đạp, dù lượn, khinh khí cầu, đi thuyền buồm, kayak, lặn biển, đi bộ dã ngoại trong rừng quốc gia Cát Bà và ở các đảo của vịnh Bái Tử Long.

Trên cơ sở thế mạnh địa phương, Hải Phòng - Quảng Ninh cần tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh điểm đến chung cho cả Hải Phòng và Quảng Ninh, kể cả một số địa phương lân cận. Đồng thời, hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, bảo đảm thực hiện nguyên tắc phát triển bền vững, tránh tác động tiêu cực từ con người trong khai thác, kinh doanh du lịch, không để bị “thương mại hóa” hoặc bị lạm dụng cho các mục đích khác khi đầu tư, đặc biệt là trong bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch biển...

HẢI HẬU

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông