Khai hội truyền thống Bạch Đằng

09:43 16/04/2019

Sáng 11-4, tại Trung tâm Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, thuộc phường Yên Giang (TX Quảng Yên) đã diễn ra Lễ hội truyền thống Bạch Đằng năm 2019, kỷ niệm 1081 năm, 1038 năm và 731 năm chiến thắng Bạch Đằng. Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đến dự và đánh trống khai hội.

Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh trống khai hội. Ảnh: CTV

Lễ hội Bạch Đằng tại TX Quảng Yên còn được gọi là ngày giỗ trận, được tổ chức vào ngày mùng 7 đến ngày mùng 9 tháng 3 (âm lịch) hàng năm, có năm kéo dài tới bốn ngày đêm. Không gian lễ hội diễn ra ở nhiều nơi: đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, đình Yên Giang thuộc trung tâm lễ hội, ngoài ra còn ở các đình Trung Bản, đình Điền Công, đền Trung Cốc.

Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng là lễ hội truyền thống được tổ chức thường niên do nhân dân địa phương tổ chức, có sự tham gia của các đoàn rước, đoàn tế lễ đến từ các xã, phường của TX Quảng Yên. Lễ hội là dịp để người dân tri ân công đức các bậc tiền nhân đã hy sinh xương máu bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời cũng là một trong những sự kiện quan trọng của TX Quảng Yên chào Năm Du lịch quốc gia 2019.

Trong không khí trang nghiêm, thành kính của ngày khai hội, các đại biểu và du khách đã cùng ôn lại những chiến công oanh liệt của các bậc tiền nhân trong công cuộc chống giặc ngoại xâm trên dòng Bạch Đằng Giang lịch sử. Nơi đây, dân tộc ta đã 3 lần chiến thắng oanh liệt quân xâm lược: Năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán kết thúc thời kỳ Bắc thuộc; năm 981, Lê Hoàn đánh bại quân xâm lược nhà Tống; năm 1288, quân và dân nhà Trần tiêu diệt, bắt sống đạo binh thuyền hùng mạnh của quân Nguyên Mông.

Lễ hội năm nay được tổ chức trong 3 ngày từ 11 đến 13-4  (tức 7, 8, 9 tháng 3 năm Kỷ Hợi) với nhiều hoạt động phong phú tập trung chính ở khu vực trung tâm lễ hội: Đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, đình Yên Giang (phường Yên Giang) và các điểm di tích thuộc cụm di tích lịch sử Bạch Đằng. Cụ thể, trong 3 ngày diễn ra lễ hội, nhân dân, du khách thập phương được tham gia các hoạt động như: Khai mạc lễ hội, tế yết ở đình Yên Giang, rước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo về đình Yên Giang, rước tượng Đức Thánh Trần từ đình Yên Giang về đền Trần Hưng Đạo, nghi lễ dâng hương, lễ tế “Giã hội” tại đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà. Bên cạnh phần lễ, phần hội gồm nhiều hoạt động vui chơi, văn hóa, thể thao với các trò chơi dân gian truyền thống.

Dòng sông Bạch Đằng đời đời còn ghi chiến tích của những người anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâm. Đó là trận địa cọc gỗ dưới thời đức Vương Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán (năm 938); Lê Hoàn (năm 981) chống quân Tống; Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và các danh tướng nhà Trần (năm 1288) chống quân Nguyên Mông. 

Diễn ra trên vùng đất cổ với bao chứng tích hào hùng, Lễ hội Bạch Đằng hàng năm thu hút hàng vạn người khắp vùng châu thổ sông Hồng về dự. Phần lễ, có dâng hương tại đền thờ Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà. Dân làng rước kiệu dọc bờ sông và giống như nghi lễ của cư dân sông nước, tục bơi trải là một nghi lễ quan trọng.

Trên dòng sông lớn, cuộc đua tài của nhiều thuyền đua hình lá tre lao vun vút, tiếng hò reo của người dự hội trên bờ sông như làm sống dậy âm hưởng của trận chiến năm xưa. Phần hội, cùng với bơi trải, các trò chơi cũng được tổ chức ở nhiều nơi như đấu vật, đánh cờ người, chọi gà... Trước kia hội còn tổ chức trò diễn, tái hiện cuộc tập trận của quân dân đời nhà Trần.  

HẢI HẬU

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông