01:27 21/07/2016
Sáng 20-7, tại toà nhà Quốc hội (Hà Nội) đã diễn ra trọng thể phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV. Dự phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng: Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân, đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành trung ương, các đoàn khách quốc tế và các vị đại biểu Quốc hội khoá XIV. Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Hội đồng bầu cử Quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu; Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vừa qua; xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Cũng tại kỳ họp, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 và một số nội dung quan trọng khác. Tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt BCH TW Đảng đã có bài phát biểu ý kiến với Quốc hội. Tổng Bí thư khẳng định, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021 là sự kiện trọng đại của đất nước, đã thắng lợi toàn diện, to lớn, thực sự là ngày hội của toàn dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiến nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi để tiếp tục thể chế hoá cương lĩnh chính trị, các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hoá Hiến pháp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò và hiệu lực quản lý của nhà nước, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Tổng Bí thư lưu ý, Quốc hội cần tăng cường và nâng cao năng lực chất lượng công tác lập pháp; đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, để phấn đấu đến năm 2020, nước ta có đủ các đạo luật cần thiết, điều chỉnh các quan hệ xã hội, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. THẾ KHOA |
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024