Khai quật 2 Khu di tích bãi cọc Bạch Đằng là điểm nhấn nổi bật của hoạt động khảo cổ học

22:15 29/09/2020

Sáng 29-9, tại Trung tâm Hội nghị thành phố đã diễn ra Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55. Hội nghị do UBND thành phố Hải Phòng và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức. Phát biểu khai mạc, GS.TS Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, điểm nhấn nổi bật nhất trong các hoạt động khảo cổ học 1 năm qua là việc phát hiện, khai quật 2 Khu di tích bãi cọc Bạch Đằng tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Với những kết quả nghiên cứu khảo cổ học và các nghiên cứu liên ngành, bước đầu xác định đây là các khu di tích thuộc chiến trường Bạch Đằng của quân dân nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288...

GS.TS Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đọc diễn văn khai mạc tại Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 55

GS.TS Phạm Văn Đức cho biết, kể từ hội nghị thông báo “Những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 54”, một năm trôi qua mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng hoạt động khảo cổ học vẫn sôi động trên cả nước với những phát hiện và thành quả nghiên cứu mới, rất đa dạng và có giá trị to lớn. Trong những thành quả đó, có thể tạm kể những hoạt động nổi bật và có tiếng vang lớn như:

Tiếp tục có thêm những phát hiện mới về hệ thống di tích Đá cũ An Khê (Gia Lai) thuộc chương trình hợp tác Việt- Nga, đánh giá, khẳng định thêm một bước giá trị của di tồn văn hóa Đá cũ An Khê với sự xuất hiện của người nguyên thủy sớm nhất hiện biết ở Việt Nam có niên đại khoảng 80 vạn năm trước.

Tiếp tục có thêm nhiều phát hiện về di tích, di vật minh chứng cho quá trình tiến hóa của con người cùng di tồn văn hóa thời Tiền sử ở Việt Nam trên địa bàn các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, Đắc Lắc, Đồng Nai...

Tiếp tục triển khai khai quật khu di tích Vườn Chuối- Một trong 2 khu di tích thuộc thời kỳ văn minh/nhà nước sớm quan trọng và có giá trị bậc nhất trên địa bàn thủ đô Hà Nội.

Khảo cổ học lịch sử có các cuộc khai quật, nghiên cứu tiếp tục tại khu vực Điện Kính Thiên (Hà Nội), Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), di tích Đồi Bia (Bắc Giang), khu di tích Yên Tử, Đông Triều (Quảng Ninh), Khu di tích Cát Tiên (Lâm Đồng), một số di tích văn hóa Champa ở Trung Bộ. Và đặc biệt là tiếp tục triển khai hoàn thiện chương trình khai quật và làm hồ sơ khoa học Khu di tích văn hóa Ốc Eo- Ba Thê, Nền Chùa (Nam Bộ) thuộc Đề án cấp nhà nước do Viện chủ trì.

Các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham quan thực tế bãi cọc Bạch Đằng tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên

Cũng theo GS.TS Phạm Văn Đức, có thể khẳng định điểm nổi bật nhất trong các hoạt động khảo cổ học của một năm qua là phát hiện, khai quật 2 khu di tích bãi cọc Bạch Đằng tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo giới nghiên cứu, của Đảng, Chính phủ, của lãnh đạo và nhân dân thành phố Hải Phòng, của dư luận xã hội và nhân dân cả nước. Chương trình nghiên cứu còn tiếp tục và một số vấn đề còn phải cần thảo luận, nhưng với những kết quả nghiên cứu khảo cổ học và các nghiên cứu liên ngành, có thể bước đầu xác định đây là các khu di tích thuộc chiến trường Bạch Đằng của quân dân nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288.

“Chúng ta rất vui mừng với phát hiện này và đánh giá cao quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong việc đầu tư quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích nhằm tôn vinh chiến công chống ngoại xâm, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc ta...”, GS.TS Phạm Văn Đức bày tỏ.

THỦY NGUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông